“Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng,
thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?”
(Câu hỏi của báo Thanh Niên trong nước)
Trong bài “Ðêm Của Những Cánh Bướm Việt Ở Malaysia” đăng trên nhật báo Người Việt (2009) trước
đây, ký giả Ðông Bàn đã vô tình nhắc lại câu nói của giới taxi Kuala Lumpur, “Con gái Việt Nam đẹp lắm!”
Thủy, một “cánh bướm đêm” tại Beach Club đã cay đắng hỏi lại những người ký giả cùng quê hương với
cô: “Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”
Câu trả lời tất nhiên là không! Ai lại hãnh diện khi có đồng bào, con em của mình, dù được khen là đẹp
phải thất thân đi làm gái mại dâm. Không những được khen đẹp lắm, mà dân địa phương còn một “lắm”
nữa, khi nói: “Con gái Việt Nam rẻ lắm!”
Một chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh tại phi trường Ðà Nẵng. Nhân viên hãng này từng bị tố cáo
đánh cắp hàng hóa trong các siêu thị Nhật vận chuyển về Việt Nam. (Hình minh họa: HOANG DINH
NAM/AFP/Getty Images)
Khi Ðông Bàn đang đứng trên đất Malaysia, hẳn ông không thể nào hãnh diện là người Việt Nam.
Chúng ta cũng không hãnh diện là người Việt Nam, nếu chúng ta đang ở Ðài Loan.
Theo số liệu thống kê kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Ðài Loan trong 14 năm (1995-2008) đã
có 117,679 trường hợp, chiếm 82% tổng số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong một
đảo quốc nhỏ như Ðài Loan đã có hơn 10,000 phụ nữ Việt bỏ xứ sang đây làm vợ người, dù hạnh phúc
hay khốn khổ, thì cũng vì thân phận nghèo đói, tương lai mờ mịt, có vinh dự gì cho đất nước khi đàn bà
phải ly hương, với những cuộc hôn nhân không tình yêu chỉ vì đồng tiền. Ðiều khốn nạn nhất là trong tâm
ý của người dân đồng bằng Cửu Long, “lấy chồng Ðài Loan” là chuyện mơ ước của tất cả mọi người.
Một đôi vợ chồng đem con gái về thăm quê được một người bà con buột miệng khen: “Úi, con bé này
ngộ quá, lớn chút nữa lấy chồng Ðài Loan được à nghen!”
Cũng ở Ðài Loan, năm người lao động Việt Nam làm thuê ở một công ty thủy sản địa phương đã hợp lực
khiêng lồng đi bắt hai con chó của dân địa phương bỏ vào bao tải, dìm xuống biển cho chết, sau đó
mang lên làm thịt.
Ngoài việc phải quỳ hai giờ cúi lạy bàn thờ chó để tạ tội và để quần chúng giảm cơn thịnh nộ, năm người
lao động Việt Nam này còn bị phạt 10,000 tiền Ðài Loan.
Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Nhật.
Trên nhiều diễn đàn của Nhật, nhiều người Nhật “cực đoan” kêu gọi tẩy chay người Việt, đuổi hết người
Việt về nước, cắt vĩnh viễn các khoản viện trợ cho Việt Nam. Có người so sánh viện trợ cho Việt Nam
uổng hơn là đổ tiền vào... cống, bởi tiền thuế của họ đang được dùng để nuôi bọn “dòi bọ” ở Việt Nam,
sau những vụ: PCP, một tập đoàn cung cấp dịch vụ của Nhật bị Việt Nam đòi hối lộ 15% để được trúng
thầu các dự án dùng tiền viện trợ của Nhật tại Việt Nam; Nhân viên, tiếp viên hàng không và phi công
Vietnam Airlines, tổ chức đánh cắp hàng hóa trong các siêu thị Nhật để vận chuyển hàng gian về tiêu thụ
tại Việt Nam; Các tu nghiệp sinh Việt Nam trước khi sang Nhật đã bị các doanh nghiệp xuất khẩu lao
động CSVN bóc lột thậm tệ; Lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật tại Osaka tổ chức bán giấy thông hành Việt
Nam.
Trong một số siêu thị tại Nhật, có bảng cảnh cáo dành cho người Việt về chuyện ăn cắp vặt sẽ bị vào tù!
Bức ảnh đã làm rộ lên tin đồn về nạn ăn cắp vặt của người Việt ở bên Nhật. Nhiều người cho rằng, người
Việt đã để lại ấn tượng xấu xa trong mắt người Nhật khi xuất ngoại sang đất nước của họ.
Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Singapore.
Trang mạng với tên gọi là Craigslist có mặt tại Singapore đưa thông tin rằng khách hàng có thể lựa chọn
“gái Việt còn trinh,” giá khoảng $3,000 một tuần, ngay tại sân bay, khách sạn hoặc bất cứ nơi nào khách
hàng yêu cầu. Tình trạng các cô gái Việt Nam bán trinh tại Singapore dường như công khai, ai cũng hay
biết. Cảnh sát Singapore cho biết, hầu hết các cô gái Việt còn trinh đều ở độ tuổi từ 16 đến 17, đến và
“làm việc” qua nhân vật trung gian, và năm ngoái, tại đây, một cô gái Việt Nam 17 tuổi cũng đã rao bán
trinh tiết với giá $1,500!
Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Nga.
Các đường dây buôn người đưa hàng nghìn phụ nữ Việt Nam vào các nhà chứa Nga, nhưng Ðại Sứ
Quán Việt Nam tại Nga từ chối trả lời câu hỏi của BBC cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền để
nói về việc này. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng: “Trong tất cả các trường hợp ở Nga này, thủ phạm là
những người Việt được bao che bởi một số giới chức ở Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở Nga, thậm chí họ thành
Hiệp Hội May Dệt dưới sự bảo trợ của Tòa Ðại Sứ Việt Nam.”
Cảnh sát Nga vừa khám phá một xưởng may “đen” dưới lòng đất tại khu chợ Cherkizov ở thủ đô
Moscow, bắt hằng trăm di dân lậu Việt Nam. Nạn buôn lậu của người Việt tại Nga là chuyện xảy ra hằng
ngày, có lẽ bởi nguyên nhân trong 80,000 người Việt ở Nga đã có 80% làm nghề buôn bán, phần lớn là
chợ trời, mánh mung.
Ở Ba Lan: “Cầm quyền Hà Nội và nhân viên Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Warsaw là một băng nhóm tội
phạm có tổ chức, một hệ thống Mafia.” (Ðài báo Weltspiegel Ðức)
Câu trả lời là không, ở mọi nơi trên thế giới.
Trên VietNamNet, người Việt Nam sinh sống ở Nhật, ở Nga, ở Anh, ở Úc, ở Nam Phi, ở Mozambique và
ngay cả ở California, đã trình bày những những mẩu chuyện về người Việt đọc xong chỉ muốn “độn thổ,”
với bao nhiêu thói hư, tật xấu khác của người Việt từ trong nước đến như trộm cắp, gian dối, đái bậy,
khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, ăn uống thô tục, tranh giành, chen lấn nơi công cộng, không biết nói cảm ơn,
xin lỗi khi cần. Nói về chuyện ăn cắp và ăn cắp vặt thì Việt Nam chắc hẳn bỏ xa đàn anh Trung Quốc.
Ngay cả cuộn giấy đi cầu trong khách sạn, khách người Việt cũng không tha.
Một người Việt làm nghề thông dịch cho tòa án và cảnh sát ở Úc, cho biết phần lớn thủ phạm ăn cắp
trong siêu thị và trồng cần sa trong nhà là những người mới định cư, đặc biệt những người từ Bắc Việt
Nam và du học sinh. Mỗi lần người này đi dịch là anh ta khổ tâm vì cảm thấy nhục nhã cho dân tộc mình.
Trong khi trao đổi chuyện này với một phụ nữ trong nước, bà này đã viết cho chúng tôi: “Năm 2008 vào
dịp Tết Nguyên Ðán, tôi được con trai cho di du lịch Doha (Qatar,) sẵn dịp công ty của con bảo lãnh qua
chơi Dubai. Nhưng đến chiều về lại Doha thì bị giữ lại phi trường vì nghe nói có chuyện gì xảy ra ở một
siêu thị mà có người Việt mình dính vô. Trong khi cả đoàn ‘check in’ thì riêng tôi bị giữ lại vì mang
passport CHXHCN Việt Nam. Mang hộ chiếu Việt Nam đi nước ngoài buồn lắm ông ơi!!!”
Lâu nay, người ta nhắc đến hai chữ Việt Nam hơi nhiều, không phải vì “tiếng tăm” mà vì “tai tiếng!”
Như vậy cũng không nên trách câu phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt : “Chúng tôi đi
nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét,
chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó
cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.”
Nhân câu nói này, các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đã chỉ trích, lên án ông và đặt câu hỏi về lòng
yêu nước của ông.
Tôi thì nghĩ khác, vì yêu nước nên ông Ngô Quang Kiệt mới cảm thấy nhục nhã. Tôi cũng không hãnh
diện lắm về chuyện làm người Việt Nam, nhưng không phải như vậy là tôi không yêu nước, mà có thể vì
lòng yêu nước, biết đâu có tác giả sẽ cho ra đời một cuốn sách mang tên “Người Việt Xấu Xa”.
Chúng ta đang nói chuyện người Việt dưới chế độ Cộng Sản. Ðể công bằng chúng ta nên có thêm một
cái nhìn về người Việt ở Mỹ. Ngoài những chuyện được đề cao là làm “vẻ vang dân tộc Việt,” không có
gì hơn là xin trích dẫn lời của ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc ngân hàng VNCH:
“Những năm tiếp theo đó ở nước Mỹ, tôi lại càng thêm ngao ngán và tuyệt vọng. Ngoài một số thành tích
sáng chói của sinh viên Việt Nam và một vài thành công đáng kể của các chuyên gia Việt Nam trẻ tuổi,
thì cộng đồng người Việt di tản đã gây nên tai tiếng xấu xa trong cái xã hội đã dung dưỡng họ: Bên cạnh
những người đang cố gắng làm lụng để nuôi nấng con cái, một số người di tản lại đem qua đây những
thói xấu cũ, lừa đảo và chôm chỉa bất cứ khi nào có dịp. Không phải chỉ có những người nghèo khổ phải
sống bằng tiền trợ cấp, mà cả những tầng lớp trên (bác sĩ, dược sĩ, những người môi giới cổ phần, mua
bán bất động sản, v.v.). Một ngày nọ tại Westminster, bang California, người ta trông thấy 80 vị bác sĩ và
dược sĩ Việt Nam bị còng tay dẫn đi sau một toán cảnh sát Mỹ. Xấu hổ thay cho cộng đồng người Việt
chúng ta ở đây, và xấu hổ lây cho cả quê hương đất nước chúng ta bên kia nữa!” (“Lời Nói Ðầu” - “Làm
việc với các nhân vật danh tiếng thế giới” hồi ký, XB 2004.)
Như vậy, sau một người có tên tuổi trong nước là Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cảm thấy “nhục nhã,”
bây giờ một người ngoài nước, lại là một viên chức cao cấp của hai nền Cộng Hòa Việt Nam, cảm thấy
“xấu hổ,” một phụ nữ bình thường thì than “buồn lắm!” Thế mà không biết sao thời “chống Mỹ” báo chí
miền Bắc lại phịa ra câu chuyện một anh chàng “bá vơ” nào đó tuyên bố: “Mơ ước một buổi sáng thức
dậy, thấy mình được trở thành một người... Việt Nam!”
Ông Nguyễn Hồi Thủ khi dịch cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí” đã có nhận xét: “Thường trong lịch sử
Việt Nam vốn đã rất ít người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu, cái
dở của dân tộc mình. Gần đây lại chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù,
thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy
tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân mình, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân
tộc mình.”
Báo Thanh Niên trong nước đã đặt câu hỏi: “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có
hãnh diện là người Việt Nam không?”
Thưa, các yếu tố thông minh, chăm chỉ và nhất là kiểu “ra ngõ là gặp anh hùng,” chưa đủ để tạo thành
một con người tử tế và một đất nước tử tế để cho thế giới tôn trọng và yêu mến!
Huy Phương
Theo Nguoi-viet.com