Trong giai thoại âm nhạc Việt Nam, tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy được rất nhiều người yêu thích. Nhưng say mê thì có lẽ không ai qua mặt được Hoàng Trúc Ly, người thi sĩ đã viết mấy câu lục bát để ví von tiếng hát đó.
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Giọt buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.
Đời ca sĩ nếu may mắn được khán giả yêu thích thì đã là một hạnh phúc. Nhưng khi một người ca sĩ vừa bước vào nghề, tuổi còn rất trẻ mà đã được những nhạc sĩ, thi sĩ (là những người có thẩm quyền để định giá trị một giọng hát) viết nhạc, đề thơ tặng thì phải là một vinh dự tột cùng. Thanh Thúy là một trong ít ca sĩ nhận được vinh dự hiếm hoi đó.
Hình ảnh người ca sĩ lộng lẫy đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn rực rỡ cũng chỉ là những thứ phù du, rồi sẽ qua đi. Cái còn lại vẫn là lòng thương yêu mà khán giả dành cho người ca sĩ ấy. Người ca sĩ, hay nói chung, người nghệ sĩ, sẽ bất tử nếu chiếm được cảm tình ấy từ người thưởng ngoạn. Thế nên, có một số rất ít nghệ sĩ mặc dù đã rời bỏ cõi đời này từ rất lâu, nhưng mỗi khi được nhắc tên, người đời vẫn còn nhớ tới họ. Và đó chính là phần thưởng to lớn dành cho người nghệ sĩ.
Âm nhạc là một trong những loại nghệ thuật mà loài người đã phát minh ra để làm đẹp cuộc đời. Phải chăng những âm thanh ở quanh cuộc sống – tiếng chim hót trên cao, tiếng nước róc rách dưới ngàn, hay tiếng nỉ non của côn trùng – mà con người đã lắng nghe, gạn lọc, rồi gom góp lại để tạo nên âm nhạc. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định âm nhạc được loài người phát minh từ khi nào. Nhưng có lẽ ít nhất cũng chục nghìn năm trước.
Năm 1995, một số nhà khảo cổ tìm được một ống sáo bằng xương thú ở vùng tây bắc Slovania có độ tuổi khoảng 40.000 năm. Rồi một nhóm khác còn đào được một bộ sưu tầm gồm nhiều nhạc cụ tại Trung quốc được chế tạo vào khoảng 7000 năm trước Công nguyên. Rồi tại khu vực Syria, người ta tìm được một bài hát được cho là cổ nhất với đầy đủ nốt nhạc được khắc trên bản đất sét từ 1400 năm trước Công nguyên.
Vậy thì, con người đã biết thưởng thức loại nghệ thuật này từ rất lâu và có thể nói, đến nay, âm nhạc là loại nghệ thuật áp đảo tất cả những thứ nghệ thuật khác từ hội họa, điêu khắc đến văn chương, phim ảnh. Giống như phim ảnh, nó dễ đi vào lòng người; nhưng khác phim ảnh là phim ảnh mà không có âm nhạc thì kể như vất đi, còn âm nhạc không có hình ảnh vẫn không hề hấn gì, người ta vẫn có thể thưởng thức nó.
Mặc dù là âm thanh nhưng âm nhạc vẫn được xem như thứ vô hình. Con người không ăn được, uống được hoặc ôm ấp được nó. Gặp lúc mưa gió, nó không che chở được cho ta. Không thể dùng để sưởi ấm vào những lúc lạnh lẽo, không làm mát da mát thịt những khi nóng nực. Gặp tình thế nguy hiểm, nó không bảo vệ được ta. Bị thương tích trên mình, nó không chữa lành được vết thương. Vậy tại sao con người lại quý hóa nó đến thế, hoặc hơn thế, say mê yêu thích nó.
Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta tốn không biết bao nhiêu tiền bạc cho âm nhạc: mua vé tham dự những buổi đại nhạc hội, mua những đĩa nhạc; nếu là người biết chơi nhạc thì cần mua nhạc cụ. Và đâu đâu chúng ta cũng nghe thấy âm nhạc: từ một trạm xe đến tiệm hớt tóc, từ ngoài phố vào đến trong nhà, từ siêu thị đến nhà hàng, quán bar. Nhưng không chỉ ngày nay, thậm chí ngay từ thời xa xưa, con người đã bỏ rất nhiều công sức và thì giờ để tạo ra âm nhạc, những ống sáo bằng xương thú vừa được tìm thấy là những bằng chứng hùng hồn.
Vậy do đâu mà cái thứ vô hình này, với nhiệm vụ duy nhất là phát ra những chuỗi âm thanh, lại tiềm tàng một giá trị to lớn đến như thế?
Lời giải thích đơn giản nhất mà các nhà nghiên cứu có thể đưa ra là vì âm nhạc mang đến cho con người một thứ khoái cảm độc đáo. Thế nhưng, lời giải thích trên vẫn chưa làm thỏa mãn cho câu hỏi là tại sao. Đến đây thì ta cần câu trả lời rõ ràng minh xác hơn từ các nhà nghiên cứu của khoa thần kinh.
Khi những âm thanh của âm nhạc du dương lọt vào tai chúng ta, sau đó đi lên não thì não của chúng ta tiết ra một thứ hóa chất có tên là dopamine. Hóa chất dopamine do não tự động tiết ra mỗi khi con người cảm thấy khoái cảm.
Đây là một phản ứng tự nhiên cũng như khi chúng ta được ăn một món ăn ngon hay khi được ân ái, và ngay cả những khi chúng ta dùng những loại thuốc kích thích như nha phiến hay amphetamine – thì con người cảm thấy lâng lâng khoái cảm và do đó chất dopamine tiết ra. Ở đây cũng cho thấy con người hơn thú vật ở điểm là thú vật cũng nhận được khoái cảm khi được ăn no hay lúc giao cấu nhau, nhưng chỉ có con người mới cảm nhận được khoái cảm từ âm nhạc.
Điều thú vị hơn nữa mà các nhà nghiên cứu nói tới là khi chất dopamine được tiết ra, không chỉ khi bản nhạc đạt tới độ cảm xúc cao nhất, mà nhiều giây trước đó, khi đang ở giai đoạn tăng cường độ cảm xúc, thì hóa chất này đã tiết ra. Theo giải thích của khoa thần kinh học thì hiện tượng này có liên quan tới bản năng đoán trước của não bộ, hay nói cách khác, âm nhạc giúp khơi dậy khả năng tiên đoán của con người. Khi chúng ta nghe nhạc, chúng ta luôn luôn đoán trước về những âm thanh kế tiếp chúng ta sẽ nghe trong bản nhạc hoặc hướng mà âm nhạc đưa chúng ta tới. Nó cũng tựa như những động tác chúng ta làm khi khiêu vũ, nhịp điệu đi cùng với nhạc chứ không đi theo nhạc.
Mà chất dopamine được tiết ra từ vùng vân (striatum) là phần của bộ não đã nằm sẵn bên dưới lớp xương sọ từ thời cổ xưa khi loài người mới xuất hiện.
Nói cách khác, âm nhạc có thể đã chạm vào cái phần cơ cấu của não bộ là chìa khóa đưa tới sự văn minh tiến bộ qua quá trình tiến hóa của nhân loại. Cái khả năng để nhận diện mẫu dạng và tổng quát hóa kinh nghiệm bản thân, để tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai – nói ngắn gọn hơn, là khả năng tưởng tượng – là những gì đã giúp đưa con người vượt xa hơn những giống thú khác. Chính khả năng đó đã cho phép con người đứng lên thống trị và làm chủ những giống nòi khác trên trái đất này.
Nếu biết âm nhạc có liên quan mật thiết đến cái cơ cấu quan trọng nhất cho sự tồn vong của loài người, thì chúng ta không còn hoài nghi vì sao con người lại yêu thích âm nhạc nhiều đến thế. Trong tất cả các cuộc thăm dò, người ta luôn luôn xếp âm nhạc là một trong những thứ mang đến nhiều lạc thú nhất cho cuộc sống.
Âm nhạc là thứ nghệ thuật dễ làm rung cảm lòng người. Giai điệu và nhịp điệu của nhạc có thể gây nên cho chúng ta cảm xúc từ u sầu tới thơ thới hân hoan tới vui sướng chan hòa. Những âm thanh ấy có thể kéo những kỷ niệm mãi từ thời thơ ấu trở về thật sống động. Một bài hát có thể làm ta nhớ lại một buổi học, một trưa hè, một sáng có nắng lung linh trên con đường tới trường. Một khúc nhạc có thể gợi cho ta một khuôn mặt, một hàng cây, một góc phố lao xao tiếng nói cười.
Theo tác giả Michael D. Lemonic, nhìn từ quan điểm tiến hóa, âm nhạc dường như không có ý nghĩa gì cả, nó không có chút gì liên quan đến hành trình của nhân loại xuyên qua lịch sử. Không giống như chuyện tình dục hay ăn uống, nó không đóng góp vai trò nào trong việc giúp tổ tiên của loài người tồn tại và sinh sản. Tuy vậy, âm nhạc và những ảnh hưởng của nó đã để lại những minh chứng hùng hồn trong rất nhiều nền văn hóa lớn nhỏ được in đậm trong sách sử và tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay, vậy nó chắc phải đáp ứng được một phần nào nhu cầu trong cuộc sống chung của nhân loại mà chúng ta chưa thể đo lường được.
Nghe nhạc không chỉ mang lại khoái cảm mà còn mang đến những lợi ích sức khỏe cho con người. Theo kết quả của một nghiên cứu cho biết những bệnh nhân nào nghe nhạc sẽ giảm bớt lo lắng và hạ thấp lượng cortisol, là loại hormone có liên quan tới căng thẳng tinh thần, hơn là những bệnh nhân chỉ chữa bệnh bằng cách uống thuốc. Điều hứa hẹn ở đây là âm nhạc đỡ tốn kém hơn thuốc rất nhiều mà lại không có hại cho cơ thể cũng như không gây ra phản ứng phụ.
Có những bằng chứng nghiên cứu cho thấy âm nhạc có sự liên đới tới hệ miễn dịch cũng như làm tăng huyết cầu giúp chống lại một số vi trùng mang mầm mống gây bệnh.
Một nghiên cứu khác nói rằng trẻ sơ sinh khi còn trong bụng mẹ đã biết nghe nhạc và nếu người mẹ chịu khó nghe những loại nhạc cổ điển thì rất có thể sẽ giúp đứa trẻ thông minh hơn, có óc sáng tạo hơn khi lớn lên.
Vậy, nếu hôm nào bất chợt bắt gặp nhóm trẻ nào đó vô tình mở nhạc thật lớn ở một nơi công cộng thì bạn chớ vội tỏ ra khó chịu mà không chừng may ra nhờ những tiếng đàn tiếng trống ồn ào đó làm nứt ra trong óc một vài ý tưởng mới lạ hay ho nào chăng.
Huy Lâm (Thoibao)