Trận đại dịch hạch năm 1665 tại Luân Đôn đã giết chết hơn 100 000 người. Wikimedia Commons
Người châu Âu có lẽ sẽ không bao giờ quên trận đại dịch hạch, hay còn gọi là « dịch hạch đen », theo cách gọi của các sử gia, cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người vào thế kỷ XV. Báo Le Figaro (16/01/2018) đăng kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất cho rằng « Dịch hạch là lây từ người, chứ không phải từ chuột ».
Người ta ước tính con số tử vong trong suốt ba trận dịch lớn vào thế kỷ XV có khi vượt quá con số 200 triệu người. Ngày nay, tuy bệnh dịch hạch không còn được xem như là một hiểm họa lớn nhưng vẫn gây chết chóc. Trong giai đoạn 2010-2015, vẫn có gần 3250 người mắc bệnh và hơn 580 người chết.
Trở lại với nguyên nhân gây ra trận đại dịch tại châu Âu, các nhà khoa học trường đại học Hồng Kông, phối hợp cùng với trường thú y Virginia-Tech tại Hoa Kỳ, trong một nghiên cứu khẳng định vai trò chính của những con đường giao thương trong việc lan truyền bệnh dịch hạch tại châu Âu, giai đoạn 1347-1760.
Vào thời kỳ này, giao thương giữa các châu lục phát triển mạnh mẽ. Nhưng điều kiện và ý thức về vệ sinh cá nhân lại rất yếu kém và tồi tàn. Bốn thế kỷ sau các trận đại dịch, các nghiên cứu khoa học đã lần lượt vén màn bí ẩn về trận dịch khủng khiếp đó.
Đầu tiên hết là việc phát hiện ra khuẩn Yersinia, tên của nhà bác học Alexandre Yersin, người đã có công khám phá ra tác nhân gây bệnh từ một phòng thí nghiệm ở Hồng Kông thế kỷ XIX, và tác nhân lây lan là loài chuột.
Rồi sau đó người ta xác định được tác nhân lây bệnh từ chuột sang người : đó là các loài bọ trên chuột. Rồi phải đợi đến tận những năm 1930, các nhà khoa học đã chỉ định một thủ phạm khác : các loại sinh vật ký sinh trên người như chấy rận hay bọ…
Cuối cùng, các nghiên cứu khoa học mới nhất gần đây ngày càng khẳng định chính các loài sinh vật ký sinh chuyển từ người này sang người khác đã làm cho dịch bệnh bùng phát dữ dội, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Theo RFI