Bàng quang sở dĩ thải được nước tiểu ra ngoài, phải nhờ vào khí hóa của tam tiêu. Tam tiêu dùng được tác dụng của khí hóa lại cần vào sự chưng bốc của thận dương, vì chỉ trong trạng huống thêm tam tiêu và bàng quang cùng hợp tác với nhau mới có thể hoàn thành được chức năng thải nước tiểu ra ngoài.
Những nguyên nhân gây ra tiểu tiện khó thường liên quan tới tam tiêu. Y Khoa Đông Phương chia tam tiêu ra ba vùng và liên quan với những tạng phủ của từng vùng như sau:
-Thượng tiêu: Vùng đầu, tim và phổi.
-Trung tiêu: Dạ dày, lá lách.
-Hạ tiêu: Gan, thận, đại trường, tiểu trường và bàng quang.
Theo sách Nội Kinh, tam tiêu điều hòa thủy dịch trong cơ thể và là hệ thống chính thông điều thủy đạo. Thượng tiêu như sương, trung tiêu như bọt và hạ tiêu như ao hồ.
Sự mất quân bình của tam tiêu ảnh hưởng tới bàng quang có thể gây ra đi tiểu nhiều, tiểu ít, tiểu gắt, tiểu khó và đi tiểu ra máu…
Sau đây là những nguyên nhân thường gây ra đi tiểu khó, không thông và đôi khí có máu: phế nhiệt, tâm nhiệt, thấp nhiệt tại trung tiêu, trung khí suy, thấp nhiệt trong bàng quang, nguyên khí suy (gồm tiên thiên và hậu thiên khí), mạng môn hỏa suy.
Phế nhiệt gây ra tiểu tiện khó
Phế chủ khí, là tạng trọng yếu duy trì sự sống. Khí được tạo bởi hai nguồn: Một là khí ở trời do phế hít vào, hai là tinh khí trong đồ ăn uống vào dạ dày được phối hợp với tì và chuyển hóa thành hai phần khí.
Phần thanh khí chuyển lên phổi để đưa vào tim đi nuôi cơ thể. Phần trọc khí đưa xuống ruột non, ruột già thanh lọc một lần nữa, phần thanh đưa lên phế và phần trọc đưa xuống ruôt già và bang quang thải ra ngoài.
Hai khí này kết hợp lại chứa ở lồng ngực gọi là “tôn khí.” Tôn khí là nguồn gốc của khí trong toàn thân có nhiệm vụ trao đổi hít thở, dồn về tâm và đưa vào kinh mạch đi nuôi cơ thể.
Một khi phế nhiệt đưa xuống ruột non, ruột già và bàng quang bị nóng, nước tiểu vàng đậm. Khí nóng sẽ gây sưng đường tiểu tiện, làm ống dẫn tiểu bị thu nhỏ lại, gây ra đi tiểu khó và không thông. Bệnh nhân thường hơi thở nóng, ho khan, ít đàm và gây suyễn. Lưỡi khô và đỏ. Mạch sác.
Chủ trị: Thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đàm, giáng phế khí, đồng trừ sưng và lợi tiểu bàng quang.
Bài thuốc
1-Hoa kỳ sâm 6 grs
2-Bán hạ 3 grs
3-Mạch môn đông 6 grs
4-Thiên môn đông 6 grs
5-Thạch cao 3 grs
6-Hoàng cầm 3 grs
7-Cam thảo 3 grs
8-Tri mẫu 6 grs
9-Xa tiền tử 6 grs
10-Trạch tả 6 grs
11-Địa cốt bì
-Bán hạ, mạch môn đông, thiên môn đông: Tiêu đờm, bổ phế.
-Thạch cao, hoàng cầm, tri mẫu, địa cốt bì: Thanh phế và bàng quang, giảm sưng.
-Xa tiền tử, trạch tả, địa cốt bì: Thông tiểu tiện.
Tâm hỏa gây tiểu tiện khó
Đôi khi tâm hỏa cũng gây ra tiểu tiện khó, không thông, nước tiểu có lẫn ít máu. Tâm thuộc hành hỏa, khi hỏa vượng, nhịp đập của tim sẽ nhanh hơn và làm thần không có chỗ tàng, nên ngủ không được, bệnh nhân thấy chóng mặt, miệng khô và đắng, ăn không biết ngon, tâm thần mệt mỏi, hoảng sợ, buồn phiền. Tại sao lại như vậy?
Dựa theo Y Lý Y Khoa Đông Phương, thì thủy hỏa tương khắc. Tâm thuộc hành hỏa, trong khi thận thuộc hành thủy. Tâm hỏa vượng, gây ra thận thủy suy. Mà thận và bàng quang là một cặp âm dương làm việc hài hòa. Khi thận thủy suy, gây ra hư hỏa làm bàng quang nóng và là nguyên nhân làm đường tiểu tiện sưng, mà gây ra đi tiểu có máu và không được thông. Lưỡi đỏ và không có rêu. Mạch sác.
Chủ trị: Thanh tâm hỏa và bổ thận thủy và giảm sưng, thông tiểu.
Bài thuốc Thiên Vương Bổ Tâm An
1-Sinh địa 12 grs
2-Nhân sâm 9 grs
3-Thiên môn đông 9 grs
4-Mạch môn đông 9 grs
5-Huyền sâm 9 grs
6-Đan sâm 9 grs
7-Phục linh 9 grs
8-Viễn chí 9 grs
9-Đương quy 9 grs
10-Ngũ vị tử 9 grs
11-Bá tử nhân 9 grs
12-Toan táo nhân 9 grs
13-Cát cánh 9 grs
14-Chu sa 6 grs
-Sinh địa, mạch môn đông, thiên môn đông, huyền sâm: Thanh tâm hỏa.
-Đan sâm, phục linh, bá tử nhân, viễn chí, toan táo nhân, chu sa: An tâm và chấn thần.
-Đương quy, ngũ vị tử, cát cánh: Bổ tâm huyết, phế và tì khí.
Gia: Tang bạch bì, xa tiền tử, trạch tả, tri mẫu: Thanh nhiệt bàng quang, lợi tiểu và giảm sưng.
Thấp nhiệt tại trung tiêu gây tiểu tiện khó
Tính chất của thấp gây nặng nề, lười biếng không năng động, đau nhức, nước tiểu đục, thêm với ăn uống, rượu thịt quá chén sinh nhiệt, gây ra nhiễm trùng và sưng đường tiểu tiện, gây ra tiểu tiện khó và không thông, bụng và vùng thượng vị trương cứng. Cảm thấy nặng nề, không thích nói, khát nước nhưng không uống nhiều. Rêu lưỡi vàng, trơn. Mạch huyền và sác.
Chủ trị: Thanh nhiệt, tiêu thấp, tiêu sưng và lợi tiểu.
Bài thuốc Chư Linh Thang
1-Chư linh 6 grs
2-Hoạt thạch 6 grs
3-Phục linh 6 grs
4-Trạch tả 6 grs
5-A giao 6 grs
-Chư linh, phục linh, trạch tả: Thông tiểu, cùng với hoạt thạch giảm đau khi tiểu tiện.
-A giao: Ngưng ra máu trong nước tiểu và gia tăng khí lực.
Gia: Độc hoạt, tần giao, tục đoạn, hoàng bá: Tiêu thấp, thanh nhiệt và giảm sưng.
Khí suy gây ra tiểu tiện khó
Trung khí là một loại khí ở ngực, gọi là bể khí, bắt đầu từ ngực, nối với tâm và điều hòa hơi thở, nhịp tim và điều hòa huyết mạch liên quan tới khí ở ngực.
Trung khí suy thường gây ra đi tiểu nước trong, khó đi tiểu và tức. Tại sao như vậy? Vì muốn đi tiểu mà không đủ khí lực để tống nước tiểu ra ngoài, phải cố gắng đứng một lúc mới đi được, đôi khi đi không hết, phải đi nhiều lần, gọi là đi tiểu nhắt. Tinh thần mỏi mệt, không thích nói, thở hụt hơi vì thiếu khí. Lưỡi trắng lợt. Mạch vi và trì.
Chủ trị: Bổ khí và dương
Bài thuốc Tứ Quân Tử Thang
Gia:
-Đỗ trọng, cẩu tích, bá kích thiên, quế bì: Bổ dương khí, gia tăng sức mạnh giúp có lực để đẩy nước tiểu ra ngoài và tăng cường sinh lực.
-Xa tiền tử, trạch tả: Lợi và thông tiểu tiện.
Bác Sĩ Đặng Trần Hào