Hiện nay, ai cũng biết bên cạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật đa dạng của thời đại hầu như vượt khỏi tầm suy nghĩ và tưởng tượng của loài người nói chung, tất nhiên ngoại trừ tác giả của những tiến bộ ấy, những tiến bộ trong ngành sắc đẹp cũng kỳ diệu không kém.
Theo một tài liệu trên mạng, các nhà phân tích của công ty tài chánh Goldman Sachs ước đoán con số thu hoạch hàng năm do kỹ nghệ làm đẹp trên toàn thế giới mang lại, bao gồm dịch vụ săn sóc da, lên tới $24 tỷ; dịch vụ trang điểm, $18 tỷ; các sản phẩm liên quan đến tóc, $38 tỷ; nước hoa, $15 tỷ, cộng chung là $95 tỷ. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở khu vực này là 7%, gấp đôi chỉ số GDP thế giới.
Một tài liệu khác đưa ra con số cập nhật năm 2014 cho thấy dịch vụ săn sóc da chiếm 35.3% thị phần toàn cầu, trong đó, mỹ phẩm trị giá $121 tỷ. Từ năm 1940, đế chế Estée Lauder đã khởi sự bán ra các hũ kem làm đẹp da tại các cửa hàng quanh vùng New York. Đến nay, thừa kế của đế chế này thụ hưởng một tài sản trị giá $18 tỷ.
Không đợi đến đầu thế kỷ 21 người ta mới biết sắc đẹp là yếu tố thành công của nữ giới. Những câu nói cửa miệng của nhân gian như “Trai tài, gái sắc” hay “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” vốn đã trở thành định luật muôn đời đúng, càng ngày càng đúng, xóa sạch trơn nền luân lý nệ cổ chủ trương “Cái nết đánh chết cái đẹp,” không hưởng ứng việc người phụ nữ mất nhiều thời giờ soi gương chải chuốt vóc dáng mình cho người khác ngắm, thậm chí thèm muốn.
Mặc dầu vậy, ngay trong thời điểm triết lý “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” lên ngôi dưới mỗi mái nhà Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước, vẫn có những cô thiếu nữ dậy thì kín đáo xé cái bao nhang giấy đỏ, thấm lên đôi môi cắn chỉ cho khuôn mặt “ánh hồng.” Chữ “Dung” ở đây dù được nhắc đến thì cũng chỉ là sự tươm tất, sạch sẽ, tươi tắn, thơm tho của bông hoa nở tự nhiên, tạo hóa cho sao biết vậy. Chỉ là phong cách ăn/nói/đứng/ngồi sao cho đoan trang, nề nếp, duyên dáng, ý nhị, theo giáo dục của gia đình, không phải cái “Dung” nếu chẳng may “trời cho không đẹp mấy” thì phải nhờ đến quý bác sĩ dùng dao/kéo chỉnh sửa như trong thời gian qua, hiện nay và sau này.
Đầu thế kỷ 21, cuộc cách mạng tin học thần kỳ bùng nổ ở cao điểm, thu gọn thế giới trong những mặt phẳng bé nhất bằng một bàn tay đàn bà, thu gọn thời gian phổ biến một thông tin lâu nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ, tăng cường tốc độ cuộc sống và khả năng ứng xử của con người đến chóng mặt. Hệ quả tất nhiên của khoa học tiến bộ làm thay đổi mô hình tổ chức xã hội, trong đó, phụ nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào mọi hình thức sinh hoạt cá nhân và cộng đồng. Từ đây, phát sinh ý thức cạnh tranh để sống còn, để thăng tiến trong nữ giới và sẽ không lạ khi họ sớm nhìn ra vũ khí thông thường, hiệu quả của họ là nhan sắc, một thứ vốn liếng trời ban.
Vẻ đẹp cho họ lòng tự tin, lợi thế và sức mạnh trên mặt trận bảo vệ hạnh phúc gia đình và thăng tiến sự nghiệp, mở cho họ những cánh cửa chật, khó đi qua nhất. Vì vậy, nhu cầu xinh đẹp hay làm cho mình đẹp ở người phụ nữ ngày càng gia tăng rõ rệt, khiến cho giới kinh doanh đánh hơi được nguồn lợi to lớn này và hướng sự đầu tư của họ vào kỹ nghệ hoặc nghiên cứu chế tạo các loại mỹ phẩm giúp làm tăng nhan sắc của nữ giới, giúp họ giữ được tuổi xuân lâu hơn, hoặc nghiên cứu sự vận hành sinh học trong cơ thể con người để tận dụng hoặc thúc đẩy tiềm năng sẵn có ấy vào mục đích họ muốn, tựa như người làm vườn chuyên nghiệp biết rõ cấu tạo cái cây cần gì để phát triển tươi tốt.
Thoạt tiên, bản thân tôi vốn an phận thủ thường, lại thêm tính nhát nhúa, sợ đau, nên không bao giờ nghĩ tới việc đi sửa sắc đẹp. Vả lại, nếu gọi là sửa thì chỉ thêm bớt đôi chút thôi chứ làm sao mà sửa toàn diện từ chính tôi ra người khác được? Chưa kể cái tâm lý thông thường trong nhân gian là khi mình không thích điều gì hay không có khả năng làm điều gì thì mình cũng không ưa ai thích hay làm được điều đó. Có một lúc, tôi nghĩ việc đi sửa sắc đẹp là phù phiếm, không cần thiết, chi phí ấy nên dùng vào những việc khác có ý nghĩa hơn. Bây giờ thì tôi biết tôi đã nghĩ cạn, đã lầm, thực tế là tôi chẳng biết gì cả! Người bạn khai quang điểm nhãn cho tôi là cô hàng xóm làm móng tay.
Một hôm, cô mở điện thoại thông minh, chỉ cho tôi xem hình một cậu thanh niên trẻ, chừng mới ngoài hai mươi. Hình chụp thẳng và hình chụp nghiêng. Chụp kiểu nào thì cũng là một thanh niên xấu trai. Cô cho biết đây là ca sĩ XYZ, giọng ca hiện nay đang rất nổi trong nước. Tôi liên tưởng ngay đến sự tích anh Trương Chi, “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay.” Mỵ Nương con quan thừa tướng, từ trên lầu cao, mê gần chết tiếng hát Trương Chi nhưng khi thấy mặt chàng thì che quạt quay đi. Trái lại, Trương Chi nhác trông Mỵ Nương thì hồn phi phách tán trước dung nhan chim sa cá lặn của nàng, ra về ôm mối hận tình theo chàng xuống tuyền đài vẫn chưa tan.
Đang miên man câu chuyện đời xưa quá tội nghiệp thì cô bạn lại chìa vào mặt tôi những tấm hình khác và hỏi: “Chị nhìn đi, có đoán ra là cậu bé ca sĩ lúc nãy không?” A! Thì ra cô bạn đang biểu diễn huyền sử “before & after” với tôi. Chưa xong, cô còn cho tôi nghe phần âm thanh đi kèm những tấm hình này, giọng cậu ca sĩ nghẹn ngào nước mắt của hạnh phúc: “Em rất cảm ơn bác sĩ Hàn Quốc và khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã ban cho em một đời sống tuyệt diệu!” Hỏi ra, cậu đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật để lột xác từ một nam nhân mắt ti hí, mũi hếch, miệng vẩu, cằm lẹm thành một hoàng tử Ba Tư đẹp trai, hàm én, mày ngài, mặt trái soan; một diễn viên điện ảnh Đài Loan làm say mê khán giả cỡ như Tần Hán trong các phim truyện Quỳnh Dao. Ngoại hình hoàn chỉnh này sẽ chắp cánh cho tiếng hát của cậu bay cao và bay xa, làm thay đổi định mệnh u ám đời cậu.
Hóa ra những người đi sửa sắc đẹp là những chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, không chấp nhận số phận an bài mà vượt qua mọi thử thách để đi tìm cho mình một số phận khác bằng nghị lực riêng trên mặt trận sinh tồn.
Trong một dịp trò chuyện với Bác Sĩ Lee hiện hành nghề tại Los Angeles County và Orange County, hỏi ông về lý do khiến ông chuyển từ lãnh vực y khoa thuần túy qua lãnh vực y khoa thẩm mỹ, có phải để kiếm tiền nhiều hơn không? Ông trả lời với một chút ưu tư trong ánh mắt, như thể ông chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong nhu cầu to lớn của những đối tượng đi tìm sự giúp đỡ của y khoa thẩm mỹ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp được ai đó cơ hội để họ có thêm thành công trong cuộc sống.” Ngoại hình bất như ý không phải là căn bệnh đe dọa tính mạng nhưng nó đưa tới tâm lý tiêu cực mà nếu không được chữa trị trên đường dài, có thể gây ra mặc cảm buồn sầu và bất an, ảnh hưởng thầm lặng tới phẩm chất cuộc sống của các đương sự.
Đến đây, tôi có câu trả lời cho những trường hợp chính phu quân các bà lên mạng, tìm kiếm bác sĩ giỏi để đưa “một nửa” của mình đi sửa sắc đẹp. Các ông này biết rõ hơn ai hết “bản lai diện mục” của vợ, đẹp hay khuyết điểm thế nào nhưng một khi ván đã đóng thuyền, nếu cần sửa thì những cái sửa nội tâm để thích nghi vào nhau có lẽ cần hơn. Tuy nhiên, nếu “nửa kia” nhìn ra xung quanh, cảm thấy, ước ao, giá cái mũi của mình cao hơn, thon hơn; giá đuôi mắt mình không bị dấu chân chim, chắc phu quân sẽ bằng lòng hơn, hãnh diện hơn, thấy mình ít tàn tạ hơn, quan tâm ấy dù không đúng lắm song cũng đáng yêu, đáng được thông cảm. Các ông có sự lựa chọn giữa cho “một nửa” của mình sự yên lòng, niềm vui được thỏa nguyện hay ngăn cản với nhiều lý do viện dẫn không hoàn toàn thuyết phục, câu hỏi “Tại sao phải nói không?” sẽ hiện ra và đòi câu trả lời. Cho dù tình nghĩa tào khang, các ông không cần các bà “đẹp” hơn nhưng “vui” hơn thì sao nhỉ?
Một buổi sáng Thứ Sáu đầu năm, tôi được mời dự khán một show thu hình trực tiếp cho truyền hình: “Nâng sống mũi” không cần phẫu thuật, thực hiện cho một phụ nữ trẻ, tôi đoán ở tuổi 40.
Chị nằm ngay ngắn trên chiếc giường nhỏ, dưới tấm chăn mỏng kéo lên tới cằm và dưới ánh sáng của mấy cái bóng đèn hỗ trợ máy quay video, nét mặt có chút căng thẳng tuy chị vẫn giữ được nụ cười thấp thoáng giữa hai cánh môi hồng. Khi kim thuốc tê của bác sĩ đi vào chóp mũi chị, mấy ngón chân chị cong lên bên dưới tấm chăn, bàn tay chị nắm đệm giường chặt hơn, suy từ bản thân, tôi biết chị gồng mình. Chỉ vài giây đồng hồ, chị thư giãn trở lại, mỉm cười và giải thích phản ứng ban đầu, tiếng nhẹ như gió thoảng: đau! Chỉ có vậy.
Sau đó, chị nằm yên. Thỉnh thoảng bác sĩ trả lời câu hỏi của phóng viên đài truyền hình nhưng mắt không rời công việc ông đang làm, hai bàn tay thao tác không thay đổi nhịp điệu, từ tốn, chính xác. “Chỉ thẩm mỹ” được bác sĩ luồn theo sống mũi với dụng cụ dùng một lần cho mỗi người, những ngón tay đeo găng của ông vuốt nhẹ lên hai cánh mũi của khách hàng, có lẽ để cùng với chỉ, tạo dáng cho một chiếc mũi dọc dừa mà khách hàng mong đợi. Suốt nửa tiếng đồng hồ cần để hoàn tất dịch vụ, bác sĩ vừa tiến hành các bước kỹ thuật, vừa thấm những giọt máu li ti rịn ra từ lỗ kim.
Sau sợi chỉ cuối cùng, mọi người thở phào chào mừng chiếc mũi mới, cao mà mềm mại, không thẳng băng, cứng đơ như kỹ thuật giải phẫu đặt vật liệu nâng mũi hay đặt sụn trước đây. Chị cầm cái gương vừa được đưa vào tay, ngắm thẳng, ngắm nghiêng, bên phải rồi bên trái, ngắm mãi. Chị cười thật tươi: “Để coi ông xã em có nhận ra không?” Chị hỏi như vậy vì trên khuôn mặt không có vết sưng và cũng sẽ không có vết bầm, sống mũi cao vừa phải, không lộ, cánh mũi tuy thon hơn nhưng cũng không nhìn phớt qua mà thấy.
Dễ dàng. Không tốn nhiều tiền và thì giờ. Chỉ đau hơn mũi chích ngừa flu một chút (hay hơn một chút vì sợ) để chỉnh đốn công trình của tạo hóa trên dung nhan mình, để có phần thưởng cho sự gan dạ thực hiện ý muốn thấy mình xinh đẹp hơn. Có lẽ câu trả lời của nhiều chị sẽ là “Tại sao không?”
Riêng tôi, tôi bắt đầu thôi xem nhẹ việc đi sửa sắc đẹp một khi tôi hiểu được lý do sâu xa đằng sau quyết định này, không hoàn toàn phù phiếm như tôi từng nghĩ. Nhìn một cách khác, cùng với mọi nỗ lực tranh sống gay go của bất cứ ai trong nhiều lãnh vực, làm đẹp cũng mang ý hướng tìm kiếm một cuộc sống tự tin, cơ hội thành công và hạnh phúc trong đời.
Cho nên, ngày nay, không lạ khi thấy ngày càng có nhiều trượng phu lui tới beauty salon, ở nhà dùng chung hũ kem dưỡng da với vợ, ít nhất để có một tâm thế lạc quan, khuôn mặt sáng, một sống mũi thẳng biểu lộ nam tính và chủ về công danh thuận lợi. Cứ vui là được!
Bùi Bích Hà