I.
Tôi muốn quay trở lại nhưng bật khóc khi nhận được trả lời của chồng Chồng tôi là một người rất tốt nhưng tôi quá ghen nên tự xóa bỏ hạnh phúc của mình. Sau khi ly hôn, chồng tôi để nhà cửa cho tôi và vẫn luôn quan tâm giúp đỡ hai mẹ con tôi. Tôi vẫn còn thương yêu anh nên ngỏ ý muốn cùng anh làm lại từ đầu…
Năm năm trước, tôi và chồng đều đồng ý ký vào đơn xin ly hôn do những mâu thuẫn tích tụ đã lâu không thể cởi bỏ. Chồng tôi thuận tình để lại cho hai mẹ con tôi ngôi nhà hai vợ chồng đã cố gắng mua được, đồng ý gửi tiền trợ cấp cho con trai hàng tháng.
Tôi với chồng làm đám cưới sau đó ly hôn khi cả hai còn quá trẻ. Chồng tôi là nhân viên môi giới bất động sản. Công việc giúp anh kiếm được khá nhiều tiền nhưng anh lại thường xuyên phải di chuyển và gặp gỡ nhiều người. Với ngoại hình cao ráo, sáng sủa, anh nhận được thiện cảm của đa số khách hàng, đặc biệt là các khách hàng nữ.
Bản năng của người vợ khiến tôi luôn tìm cách theo dõi chồng, quản lý chồng thật chặt. Tôi đồng bộ hóa tài khoản iCloud, nghĩa là mua một cái iPhone Apple giống hệt cái iPhone Apple của chồng rồi nhập chương trình, đồng bộ hóa nó để kiểm soát toàn bộ các thư từ, tin nhắn, giao dịch của chồng. Tôi đã nhiều lần nổi cơn tam bành khi đọc được những dòng tin nhắn gạ tình của các khách hàng nữ, thường là những quý bà giàu có. Tôi nhớ là đã không ít lần đập điện thoại của anh khi đọc được những dòng tin nhắn đó. Mỗi lần cãi vã, tôi vẫn nhớ những lời mà anh nói: “Anh thực sự rất thất vọng. Em chưa bao giờ tin anh. Em có biết lòng tin quan trọng như thế nào đối với hôn nhân hay không?”
Sau khi cài phần mềm theo dõi trên điện thoại của chồng, tôi tá hỏa tam tinh khi thấy anh đến gặp khách hàng trong khách sạn.
Lúc ấy, tôi vừa rơi nước mắt vừa gửi con để đến tận nơi đánh ghen. Sau một màn nắm tóc, chửi bới rồi nhào vô đánh “con mụ già kia”, tôi ê mặt khi phát hiện ra mụ “khách hàng” của chồng chính là bà quản lý của khách sạn đó!
Sau hôm ấy, chồng tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định ly dị. Anh nói anh không thể sống với một người vợ ghen tuông vô lý, không tin tưởng chồng và luôn coi anh là một tù nhân như vậy. Tôi cũng cảm thấy quá mệt mỏi vì luôn nghi ngờ rằng chồng gian díu với người này người khác ở bên ngoài nên đồng ý ký đơn ngay lập tức.
Sau khi ly hôn, tôi dành trọn thời gian cho con trai nhỏ. Còn anh, tôi thấy anh vẫn không có người phụ nữ nào khác. Tính nết anh xưa nay vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm như vậy. Những lúc rảnh anh thường tới giúp đỡ tôi việc này việc kia hoặc chăm sóc con giùm tôi. Ngay cả những khi con cảm sốt hoặc đau ốm phải đi bệnh viện, đang đêm tôi cũng gọi anh đến chở tôi đưa con đi.
Tôi với anh vẫn chuyện trò với nhau bình thường nhưng chủ yếu là về các vấn đề liên quan đến con. Lúc này, tôi mới thấy ân hận vì khi xưa đã không tin tưởng và trân trọng anh. Bây giờ anh vẫn khiêm tốn, hiền lành, ít nói và tốt bụng như thế nhưng không còn thuộc về tôi nữa, thậm chí một chút quyền nào đó trên danh nghĩa cũng không còn. Điều này làm tôi rất đau đớn và bị giằng xé hằng đêm.
Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi đánh liều hẹn anh đến quán café trước đó anh và tôi hay ngồi. Nhìn anh, tôi ngỏ lời: “Em với anh đã ly dị được 5 năm rồi. Cả hai chúng ta vẫn chưa có người khác, đều chưa tái hôn. Liệu chúng ta có thể cho nhau một cơ hội nữa được không?”
Bất ngờ, anh trả lời khiến tôi chết lặng:
– “Anh nghĩ là không được đâu em ạ”.
– “Vì sao thế anh? Em thấy anh vẫn đối xử tốt với mẹ con em giống như ngày xưa?”.
– “Vì con mà thôi. Anh làm tất cả vì con và vì trách nhiệm của người cha. Nếu không có con, chắc chắn anh sẽ không gặp lại em. Em biết không, những năm tháng ở bên em, thói ghen tuông của em, tất cả đối với anh là quá đủ rồi. Anh không muốn quay về bên em nữa”.
Những lời nói của chồng làm tim tôi đau nhói đến trào nước mắt. Tôi đã gây cho anh quá nhiều niềm đau và chuyện tình của tôi với anh chắc đã kết thúc thật rồi.
II.
Nàng dâu trốn ngày giỗ ở quê để đi đón đội tuyển U23 Việt Nam đại thắng trở về, và cái kết đắng ngắt dành cho… tôi!
Dù đã được mẹ tôi thông báo ngày giỗ ông ngoại cả tháng, nhưng đến trước hôm giỗ, vợ tôi nhất định ở lại Hà Nội để đi đón đội tuyển U23 Việt Nam vinh quang trở về.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo khó. Nhà tôi trước kia nghèo đến mức bố mẹ tôi phải ở một căn nhà đắp đất đơn sơ, khi gió mạnh hay mưa to, căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Thời gian dần dần trôi qua, cuộc sống của mọi người đã khá giả hơn trước, nhưng cái chất “quê” không thể mất đi trong con người tôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định ở lại Hà Nội để sống và làm việc. Tôi cưới một cô gái khác quê. Làng cô ấy cách làng tôi khoảng 100 km. Trước khi lấy nhau, cô ấy bị nhiều lời chê bai, chỉ trích từ mẹ, các cô, các dì tôi. Có lẽ vì thế vợ tôi bị mặc cảm, thậm chí có ác cảm với họ hàng nhà tôi.
Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Chạp, gia đình tôi thường làm đám giỗ ông ngoại tôi. Năm đầu, vợ tôi rất phấn khởi vì lần thứ nhất được tôi đưa về giới thiệu với họ hàng. Nhưng càng năm sau, cô ấy càng thấy sợ hãi vì đám giỗ nào nhà tôi cũng thịt lợn thịt gà, làm 20-25 mâm cỗ khiến em sấp ngửa nấu nướng, bưng bê, rửa bát chén, phụ bếp từ sáng tới tối. Vậy là cứ đến ngày giỗ ông ngoại tôi, vợ tôi toàn tìm cách về quê thật muộn và đi thật sớm để trốn việc.
Nàng nói: “Em sống nhiều ở thành phố, chưa bao giờ phải làm việc quá mức như vậy. Giỗ chạp trong nhà em cũng ở nhà quê nhưng rất đơn giản, chỉ mời những người trong họ hàng chứ không “đại trà” hàng mấy chục mâm như thế. Gần đây, đến ngày giỗ, bố mẹ em thuê nguời từ A đến Z, con cháu chỉ việc ăn thôi, chẳng phải làm gì cả. Giỗ chạp ở nhà anh, nhìn thấy công việc em muốn phát khóc”.
Tháng trước, khi thầy mẹ tôi thông báo ngày giỗ ông ngoại, vợ tôi sa sầm mày mặt, chắc cô ấy tưởng tượng ra cảnh nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát chén đến tận khuya và ánh mắt soi mói của mọi người. Tôi phải khuyến khích mãi cô ấy mới đồng ý sẽ cùng tôi về quê trước hôm giỗ một ngày.
Không ngờ, hơn nửa tháng nay đội tuyển U23 Việt Nam liên tiếp thắng vang dội trong giải U23 châu Á, thắng toàn những đội sừng sỏ như Syria, Australia, Qatar..vv..và vào chung kết, sẽ đấu tay đôi với đội “vô địch” Uzbekistan, đội này đã thắng Nhật Bản tới 4-0 và Hàn Quốc tới 4-1.
Kể từ khi “đội nhà” sẽ vào chung kết, vợ tôi như người phát điên, suốt ngày kể chuyện về các cầu thủ trẻ, hết khen họ đá hay, đá giỏi, tinh thần thi đấu quật cường vì “màu cờ sắc áo”, lại khen họ đẹp trai, ai cũng đáng yêu, hình thể nổi bật, chả bù cho tôi mỗi sáng chỉ tập thể dục một lúc mà cũng thở hổn hển như mệt lắm vậy. Coi trang cá nhân của vợ, tôi thấy nàng toàn nói về các cầu thủ chứ chả có tiếng nào về hai bố con tôi mặc dầu thằng bé mới chập chững biết đi rất dễ thương.
Biết được ngày giờ các tuyển thủ sẽ từ Thường Châu Trung Quốc về tới phi trường Nội Bài Hà Nội sau khi đoạt huy chương bạc U 23 châu Á và sẽ có cuộc tiếp đón nồng hậu, vợ tôi đã mua đủ băng rôn, cờ, đề-can đeo trên đầu, áo thun đỏ có ngôi sao vàng “vĩ đại” trước ngực..vv.. để đi cổ vũ. Nàng cũng nhất định ở lại Hà Nội để tối Thứ Bẩy thì đi diễu phố, hò hét ủng hộ (gọi là đi “bão”) với bạn bè, còn sáng Chủ Nhật thì sẽ tập trung tại sân bay Nội Bài đón các cầu thủ. Vợ tôi nói: “Về quê, anh cứ bảo là em bị sốt vi-rút rất nặng và rất nguy hiểm, hay lây, không thể về ăn giỗ được vì sợ lây sang người khác”. Mặc tôi giải thích thế nào vợ tôi cũng không thay đổi ý kiến: “Giỗ ông ngoại thì thì năm nào chả giỗ, còn đội tuyển U23 Việt Nam từ trước tới giờ đã chiến thắng vang dội lần nào đâu, phải đi đón chứ!” và nàng nhất quyết ở lại Hà Nội đón các cầu thủ. Bực quá, tôi nói: “Cô muốn đi đâu thì đi, tôi không cần cô nữa”. Nàng coi lời nói của tôi như pha, chẳng đáng gì cả.
Sáng hôm sau, tôi đành lếch thếch bế con đi xe đò về quê. Tới làng, tôi rất nóng mặt khi gặp họ hàng, ai cũng hỏi: “Vợ đâu, sao chỉ có hai bố con về thôi à?”, tôi phải trả lời cho qua rằng vợ tôi bị sốt nặng không về được.
Chiều Chủ Nhật, khi bữa cỗ đã xong, mâm chén đã dọn dẹp, cả nhà đang ngồi chuyện trò thì người chị họ tôi hối hả kêu lớn: “Ơ, thím Hậu (mẹ tôi), thím lại đây coi con dâu thím đi đón đội tuyển Việt Nam, người ta đang phóng hình lớn trên ti-vi đây này!”.
(H.3)
Mẹ tôi ghé nhìn, thấy vợ tôi mặt mày tươi rói đang cười nói, hò hét ủng hộ các tuyển thủ và ông huấn luyện viên siêu đẳng người Hàn Quốc Park Hang Seo. Mặt bà tối sầm lại, bà mắng tôi một trận rất nặng vì không biết dạy vợ. Cả nhà cũng được thể bình luận và nói vợ tôi không biết phép tắc nhà chồng, đến giỗ ông ngoại cũng không thèm về. Tôi gọi điện thoại kể hết sự việc với vợ thì cô ấy đang mải vui nên lớn tiếng nói rằng nếu mọi người trong gia đình tôi còn ích kỷ, tiểu nhân như vậy thì từ giờ trở đi đừng hòng cô ấy về quê giỗ chạp hay bất cứ dịp nào nữa.
Tôi buồn lắm và suy nghĩ rất nhiều, không biết phải làm sao với cô vợ vô tâm vô tính, có con có cái rồi còn ham chơi này. Tôi đã bảo họ hàng nhà tôi gốc nhà quê, ai cũng “ích kỷ, tiểu nhân”, coi trọng việc cúng giỗ chứ đâu có “tiến bộ” như người ta. Năm tới tôi cũng chẳng cần cô ấy phải về cúng giỗ nữa để khỏi bị mẹ tôi mắng là không biết dạy vợ.
III. Mẹ người yêu ném 50 triệu đồng trước mặt bố mẹ tôi để đòi đổi lấy cháu bé…Hai mẹ con anh ta cầm cả xấp tiền ném về phía bố mẹ tôi rồi hằn học: “Chỗ này là 50 triệu, thừa sức để đổi lấy việc con gái ông bà đẻ cháu cho chúng tôi. Nhà ông bà nghèo quá không nuôi nổi nên tôi đưa cháu về, còn mẹ nó ông bà muốn gả cho ai thì gả, con trai tôi không lấy con nhà nghèo”.
Câu chuyện của tôi kể ra đây có lẽ ai cũng bảo tôi ngu, nhưng thực lòng tôi chỉ là một đứa con gái mới lớn, rất thật thà và ngây thơ khi tin vào lời nói ngon ngọt của anh ta. Tôi còn trẻ lắm, mới 19 tuổi đầu thôi, chưa có chồng nhưng có một con nhỏ hơn 2 tháng.
Tôi và anh học cùng lớp cấp 3. Tình yêu tuổi học trò mới đẹp và mãnh liệt làm sao! Càng giấu giếm, càng vụng trộm lại càng bùng cháy dữ dội.
Yêu nhau được gần một năm thì gia đình anh ta biết nên phản đối kịch liệt. Vấn đề không phải vì chúng tôi còn ít tuổi mà là vì gia đình tôi nghèo – rất nghèo ở trong làng, còn gia đình anh ta thì buôn bán, kinh doanh ngoài thị trấn, nhà cao cửa rộng, lại có mấy khu đất cho người ta thuê trồng trọt nên rất khá giả. Tốt nghiệp xong cấp 3, hai đứa chúng tôi muốn về nhà làm ăn rồi lấy nhau chứ không muốn theo đuổi việc học lên trên. Thời gian này chúng tôi quấn quýt với nhau như sam.
Nhưng bố mẹ anh phản đối quá, bảo gia đình tôi không môn đăng hộ đối. Thấy vậy tôi bị chạm tự ái nên đòi chia tay. Anh sợ quá, van xin tôi đừng làm như thế, hãy cho anh có thời gian thuyết phục cha mẹ. Tôi không đồng ý, một mực nói đường ai nấy đi, anh dọa sẽ uống thuốc ngủ tự tử.
Nói vậy thì nói chứ sự thực tôi cũng lưu luyến, không muốn chia tay anh. Một thời gian sau, anh nảy ra một mưu kế là bảo tôi cứ có bầu trước đi để anh ép gia đình phãi chấp nhận. Tôi ngần ngừ rồi cũng theo ý anh vì tin anh rất thành thật. Đến lúc tôi thông báo cho anh biết là tôi đã có thai được hơn 2 tháng thì anh bảo cứ từ từ, đợi cái thai lớn hơn nữa thì bố mẹ anh có biết cũng không bắt phá đi được.
Chuyện không như chúng tôi tưởng tượng. Khi mẹ tôi thấy tôi vác bụng lùm lùm về nhà thì vừa xấu hổ vừa thương con, đành muối mặt tới nhà anh xin họ cưới giùm. Chẳng ngờ mẹ anh làm ầm ĩ, nói tôi là loại con gái hư đốn, chắc gì cái thai trong bụng tôi đã là của con trai bà. Thời gian ấy anh cũng ấm ức, bỏ nhà đến nhà tôi ở, đi làm thêm để kiếm tiền nuôi tôi và chăm sóc tôi. Bố mẹ tôi cũng chẳng biết phải làm sao hơn.
Đúng 9 tháng 10 ngày, tôi sinh con trai, mẹ tròn con vuông. Tôi và anh mừng lắm, cứ tưởng sống với nhau như vậy là xong, hạnh phúc lắm rồi, cũng chẳng cần đến bên nội phải đồng ý làm gì.
Bất ngờ khi con vừa đầy tháng thì anh bảo anh về nhà mấy bữa đễ dẫn bố mẹ anh đến nhà tôi nói chuyện. Tôi và bố mẹ tôi rất mừng, nghĩ rằng vài bữa nữa bố mẹ anh sẽ đến đón hai mẹ con tôi về.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Tôi nhớ rõ buổi chiều hôm ấy, trời lất phất mấy hạt mưa. Mẹ anh mặc chiếc áo khoác sang trọng màu đen, đi cùng anh đên nhà tôi. Bà nhìn ngắm căn nhà có vẻ khinh miệt. Bố mẹ tôi mời vào uống nước bà cũng không nói gì, chỉ chăm chăm quan sát thằng bé con tôi và giơ hai tay ra, bảo: “Lại đây bà bế nào”. Con tôi mới hơn một tháng, còn ẵm ngửa thì “lại đây” thế nào được, chính là bà nói với tôi nhưng không thèm nhìn tôi, chỉ nựng nịu và hôn hít thằng bé mà thôi, “Cháu bà xinh quá, ngoan quá”. Xong, bà mở túi xách, lấy ra một xấp tiền đặt cái “cộp” lên bàn trước mặt bố mẹ tôi và nói: “Chỗ này là 50 triệu đồng, coi như trả cái công con gái ông bà sinh cháu cho tôi. Nhà ông bà nghèo, nói thật là ăn còn chưa đủ thì làm sao nuôi đứa trẻ tử tế được. Nay mẹ con tôi tới đón cháu về, con gái ông bà còn trẻ, ông bà muốn gả cho ai thì gả, con trai không lấy con nhà nghèo”.
Bố tôi vốn nóng tính như lửa, cầm xấp tiền ném trả cho bà ta rồi nói như hét: “Bà đi đi! Giàu hay nghèo mặc kệ chúng tôi. Giàu có như bà mà nuôi đứa trẻ thì nó lớn lên cũrng thiếu đức độ, chỉ coi đồng tiền trên hết như bà mà thôi. Bà đi đi, cháu chúng tôi tôi nuôi, không liên quan gì với bà!”. Tôi bế con đứng chết sững chứng kiến cái cảnh oan nghiệt ấy. Điều khiến tôi đau đớn hơn cả là cách cư xử của “người yêu”. Anh ta dẫn mẹ đến, ngồi bên cạnh giữ túi xách cho mẹ, hoàn toàn nín thinh không hề tỏ thái độ gì khi mẹ anh ta nói nặng tôi va xúc phạm bố mẹ tôi.
Sau khi họ ra về, tôi uất nghẹn đến trào nước mắt. Năm nay tôi hơn 19 tuổi một chút, học hành mới hết cấp 3, còn ngu dại lắm, chưa có chồng nhưng lại có con và sẽ phải nuôi con một mình.
IV. Quỳ lạy xin người yêu cứu vớt nhưng cũng không xongHắn nói: “Cô biến đi, đừng bám lấy tôi nữa. Cầm 500 ngàn đồng này mà mua thuốc uống cho nó ra”. Nói xong, hắn nhét vào tay tôi tờ 500 ngàn đồng rồi định phóng xe chở người yêu đi. Nhưng…
Năm năm yêu nhau, tôi đã hi sinh tất cả những gì mình có cho Hoàng. Tôi không phải là người thành phố nhưng bố mẹ tôi ở nhà quê có cửa hàng tạp hóa buôn bán sầm uất nên gia đình cũng khá giả và tôi được sống đầy đủ từ nhỏ. Khi tôi thi đậu vào đại học ở Hà Nội, bố mẹ cho tôi tiền thuê một mình một căn phòng trọ để ăn đi học. Tuy nhiên, kể từ khi gặp Hoàng năm thứ 2 đại học thì mọi chuyện khác hẳn.
Hoàng xuất thân từ một gia đình nghèo, bố mẹ làm ruộng. Nói chung, hắn chẳng có gì ngoài cái tài “chém gió”, bẻm mép, bố mẹ tháng nào có tiền thì gửi cho, tháng không có tiền thì hắn phải vay mượn của anh em, chờ đến cuối tháng chỗ hắn kèm trẻ trả lương hắn mới có tiền để thanh toán lại cho các bạn. Mà các bạn hắn đa số cũng thuộc loại “viêm màng túi kinh niên”, cố gắng lắm cũng chỉ cho hắn mượn được chút đỉnh nên chuyện hắn nhịn đói hoặc phải đến chùa ăn nhờ cơm chay từ thiện là việc bình thường. Từ khi chúng tôi quen nhau thì hắn được tôi giúp đỡ, không còn phải vay mượn bạn bè hoặc đến chùa ăn nhờ cơm từ thiện.
Tôi không thuê phòng trọ ở một mình nữa mà ra ở chung với các bạn cho rẻ, để dành tiền giúp đỡ hắn. Mọi khoản chi tiêu tôi đều tiết kiệm đên mức tối đa, để dành tiền bố mẹ cho hàng tháng để có thể trang trải được sinh hoạt cho cả hai đứa. Thậm chí, năm cuối tôi còn phải đi rửa bát chén trong các khách sạn vì hai đứa phải đóng lệ phí thi cử khá bộn mà tôi thì không dám xin thêm tiền bố mẹ vì sợ bị nghi ngờ.
Ỷ lại vào tôi nên Hoàng chỉ chơi không chứ chẳng lo nghĩ gì cả. Ra trường, hai đứa xin được việc làm nhưng Hoàng không có xe đi, hàng ngày phải đi xe bus, nhiều khi rất chậm trễ. Vậy là thương người yêu, tôi liều nói dối bố mẹ là mình đánh mất xe, xin bố mẹ tiền mua xe khác. Bố mẹ tôi vốn cưng con gái, không trách móc gì cả mà cho tiền mua xe mới. Từ đó Hoàng nghiễm nhiên làm chủ chiếc xe tay ga tuy cũ nhưng còn khá “xịn” của tôi. Anh ta đòi tôi sang tên cho anh ta với giá đề trên giấy tờ mua bán xe là 20 triệu đồng, nhưng thực chất anh ta đau có trả cho tôi đồng nào mà tiền sang tên hơn một triệu đồng tôi cũng phải trả nữa.
Đi làm được 2 năm, Hoàng chỉ toàn tiêu tiền của tôi còn tiền lương của anh ta thì Hoàng bảo để dành ít nữa sẽ lo đám cưới hai đứa. Tôi tưởng thật nên mừng lắm, ra sức xài tiền của mình. Sự thực, Hoàng toàn mua sắm hàng xịn cho bản thân và gửi về cho bố mẹ. Hoàng đổi xe máy và tất nhiên là bán cái xe cũ của tôi đi rồi bù thêm tiền vào đấy. Hoàng ăn mặc rất sành điệu, quần áo, giày dép toàn tiền triệu trong khi tôi thì mua cái áo trăm nghìn cũng đắn đo.
Có người yêu đẹp trai lại biết ăn diện nên bạn bè khuyên tôi phải cẩn thận không khéo Hoàng lại lăng nhăng với người khác. Tôi góp ý với Hoàng nhưng cái miệng dẻo quẹo của anh ta rất khéo: “Anh ăn mặc tử tế cũng là vì phải giao tiếp trong công việc mà cũng là vì em nữa. “Xấu chàng hổ ai”, anh ăn mặc bê bối thì em đâu có hãnh diện? Còn chuyện gái gú, em tin anh mới phải chứ sao lại tin mấy bà tám lắm chuyện đó”.
Vậy là tôi lại yên tâm mà không biết rằng anh ta có người khác thật. Hoàng đang theo đuổi con gái ông giám đốc của công ty mình. Trong khi đó thì chẳng may tôi “dính” bầu. Hoàng bảo phá song tôi không phá. Tôi nghe nói Hoàng có quan hệ với con gái ông giám đốc vừa trẻ vừa đẹp nên nghĩ rằng mình phải giữ cái thai để anh ta không trở mặt được.
Thấy bụng tôi mỗi ngày một lớn, Hoàng gay gắt hỏi tại sao lại để như vậy, tôi nói toạc ra rằng tại tôi sợ anh ta có người khác nên tôi giữ cái thai để anh phải có trách nhiệm. Hoàng tức lắm, tnha1ch thức: “Ừ thì tôi có người khác đấy, đã sao chưa? Cô làm gì được tôi? Tôi tuyên bố từ nay sẽ cắt đứt mọi liên hệ với cô”.
Tôi không ngờ Hoàng lại trở mặt dễ dàng như vậy. Anh ta công khai đi lại với con gái ông giám đốc, bỏ mặc tôi với cái bụng bầu khổ sở không dám về quê vì sợ bố mẹ biết sẽ buồn. Đã nhiều lần không làm sao được tôi đành mặt dầy mày dạn đến chỗ trọ của Hoàng để xin anh ta nghĩ lại nhưng anh ta tránh mặt. Gọi điện thoại thì nhìn thấy số của tôi là anh ta tát máy cái rụp, không thèm trả lời.
Một hôm, cái thai đã lớn quá rôi, sắp đến ngày sinh, tôi liều mạng đến chờ ở cổng công ty của Hoàng trong giờ tan sở mong được gặp Hoàng. Đúng lúc ấy Hoàng chở một cô gái rất trẻ và đẹp ăn mặc rất mốt với áo sơ mi trắng may theo kiểu hiện đại và chiếc mini-jupe xếp nếp màu đen. Tôi đoán cô là con gái của ông giám đốc đến công ty để Hoàng chở đi chơi trên chiếc xe tay ga mà hơn 2/3 tiền chiếc xe đó là tiền chiếc xe cũ của tôi Hoàng đã bán đi, bù thêm vào đấy để mua. Thật oan trái, nay Hoàng dùng nó để chở người khác. Bụng tôi khệ nệ với cái bầu sắp sinh. Tôi bước ra chặn chiếc xe lại. Trông thấy tôi, Hoàng cho xe định tránh nhưng tôi chắn lối không cho tránh. Nhiều người từ bên trong đi ra thấy lạ dừng lại coi. Bắt buộc Hoàng phải dựng xe rôi hai người bước xuống.
Tôi quỳ xuống đất, cầm tay Hoàng áp vào mặt mình, năn nỉ:
– Em sắp sinh rồi, xin anh thương em, thương con. Một mình em không biết xoay sở thế nào lúc sinh cả. Xin anh cứu vớt danh dự gia đình em…
Hoàng gắt:
– Cô câm đi, đừng bám lấy tôi như đỉa thế. Tôi chán cô lắm rồi. Cô ráng đẻ rồi cho nó đi, tôi không cần biết nó là con tôi hay con người khác, sao cô lì lợm thế…
Tôi năn nỉ nữa, anh ta tức giận tát tôi một cái méo mặt rồi giơ chân định đạp vào ngực tôi. Người con gái đẩy anh ta ra:
– Không được đánh chị ấy. Chị ấy mà ngã là anh chết đấy.
Sau đó cô nói tiếp:
– Không ngờ anh đốn mạt đến như vậy. Bố tôi vẫn nói anh là đứa chẳng ra gì nhưng tôi không nghe. Hóa ra cả tôi lẫn chị ấy đều bị anh lừa nhưng nhờ biết việc này nên tôi thoát nạn.
Đoạn cô đỡ tôi lên, ôm chầm lấy tôi hết sức thân thiết:
– Chị không cần phải qụy lụy, cầu xin một kẻ chẳng ra gì. Chị về nhà em ở, em với mẹ em sẽ trông nom cho chị, giúp chị nuôi cháu. Em xin lỗi là thằng cha đó giấu nên em không biết chị chứ nếu biết thì em không thèm quen hăn.
Cô gọi taxi rồi đỡ tôi lên xe đưa về nhà cô. Những người đi đường chứng kiến chuyện đó ai cũng hả hê còn những người làm trong công ty thì nói nhỏ với nhau: “Cô Tuyết con gái ông giám đốc đấy. Cô ấy tốt quá”. Riêng Hoàng, hắn đã “biến” từ lúc nào.
Đoàn Dự
_______
*Trùng chủ đề