Máy tính bảng và smartphone Lenovo được trưng bày tại Hồng Kông ngày 23/05/2013.
ReutersSau khi đã khẳng định vị trí trên thị trường máy vi tính, Lenovo đang đang chuẩn bị thâu tóm luôn cả thị trường điện thoại smartphone, các trò chơi điện tử và máy tính bảng của thế giới.
Chi nhánh tại Thượng Hải là phòng thí nghiệm khổng lồ của Lenovo. Tòa nhà cao tầng với diện tích 28 000 mét vuông, nằm ngay khu công nghiệp ngoại ô Thượng Hải là nơi những sản phẩm mới của tập đoàn tin học Lenovo được thiết kế. 1 400 nhân viên làm việc ngày đêm, thậm chí là cả ngày thứ Bảy, để sớm hoàn tất một kiểu máy tính xách tay, với những công dụng như máy tính bảng, hay là một loại màn hình phẳng với nhiều trò chơi điện tử để cả gia đình cùng chơi hay cùng xem hình hay video vào những cuối tuần.
Cho dù những ấn bản đầu tiên còn chưa hoàn hảo, thế nhưng việc khách hàng Trung Quốc luôn ưa chuộng những mặt hàng mới chính là một nguồn thông tin quý giá đối với Lenovo. Thị trường nội địa là một thí điểm tuyệt vời trước khi những sản phẩm mới của Lenovo được đưa ra thị trường thế giới. Đây là một tính toán rất khôn ngoan và là một chiến lược rất hiệu quả.
Vào đầu thập niên 1980, 11 kỹ sư Trung Quốc trẻ tuổi đã có sáng kiến lập công ty dưới sự điều hành của một nhà nghiên cứu. Năm 1984 Liên Tưởng Tập Đoàn Hữu Hạn Công Ty chính thức chào đời. Nhưng phải đợi đúng 2 thập niên sau, con chim đầu đàn của ngành công nghệ tin học Trung Quốc này mới đổi tên thành Lenovo. Đó là một cái tên dễ gọi khi thương hiệu này vươn ra quốc tế. Cột mốc quan trọng nhất đối với Lenovo là khi tập đoàn Trung Quốc mua lại chi nhánh sản xuất máy tính cá nhân của tập đoàn Mỹ IBM.
Gần 30 năm sau ngày được thành lập, doanh thu của Lenovo đã vượt quá ngưỡng 30 tỷ đô la, 40 % nguồn thu có được nhờ vào người tiêu dùng Trung Quốc. Về khối lượng, Lenovo hiện là nhà sản xuất máy vi tính lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có HP của Mỹ, nhưng đứng trước cả Dell, kiểm soát đến 27 % thị trường Á châu.
Trung Quốc đương nhiên là địa bàn hoạt động quan trọng nhất với hơn 55 000 cửa hàng phân phối, hiện diện tại 34 000 ngôi làng ở những vùng nông thôn.
Thế nhưng, Lenovo sớm ý thức được rằng không thể trụ được lâu trong lĩnh vực công nghệ cao với một sản phẩm duy nhất. Vào lúc trên thế giới người ta mua vào đến 1 tỷ chiếc smartphone, thì Lenovo đã sớm chen chân vào thị trường điện thoại di động : từ năm 2010 điện thoại thông minh của Lenovo đã bắt đầu phục vụ những khách hàng Trung Quốc đầu tiên. Đó là những thành phần không có đủ phương tiện sắm smartphone của Samsung hay dùng điện thoại có nhãn hiệu hình quả táo của Apple.
Hợp tác với China Mobile, chỉ trong hai năm Lenovo trở thành nhà cung cấp điện thoại di động nội địa lớn thứ nhì, chỉ thua có đối thủ Hàn Quốc Samsung mà thôi.
Mỗi năm tại Trung Quốc có thêm 60 triệu người dùng điện thoại di động. Trung bình mỗi khách hàng chỉ cần xài 8,5 euro/tháng, thì với 710 triệu hợp đồng thuê bao, China Mobile và Lenovo cũng đủ trọng lượng để trở thành một ông khổng lồ trong ngành. Trong ba tháng vừa qua, hơn 9 triệu chiếc smartphone nhãn hiệu Lenovo đã được phân phối trên toàn quốc.
Sau khi đã củng cố vị trí của mình trên thị trường nội địa, Lenovo đang nhòm ngó đến hai địa bàn có nhiều tiềm năng khác là Nga và Indonesia. Tại cả hai quốc gia này, máy vi tính của Trung Quốc đã áp đảo hẳn các đối thủ quốc tế khác. Trước mắt, các tập đoàn viễn thông của cả Nga lẫn Indonesia đều chưa sẵn sàng hợp tác với nhà cung cấp Trung Quốc Lenovo.
Điện thoại thông minh Trung Quốc phải đợi ít từ 1 đến 2 năm nữa mới hy vọng được đưa sang thị trường châu Âu. Từ nay đến đó, thể nào Lenovo cũng sẽ trình làng một vài sản phẩm mới. Năm ngoái Lenovo đã thí nghiệm với đối tượng Trung Quốc loại tivi đấu trực tiếp vào internet. Lại cũng Lenovo đang thương lượng với tập đoàn Sharp để mua lại một chi nhánh của Nhật chuyên sản xuất màn hình phẳng LCD tại Nam Kinh. Ngoài ra, Lenovo còn chuẩn bị trước để lao vào một lĩnh vực vốn được coi là « độc quyền » của Nhật đó là ngành sản xuất các trò chơi điện tử.
Một mặt, Lenovo không ngừng mở rộng các lĩnh vực hoạt động, từ điện thoại smartphone đến các trò chơi điện tử, để gặm nhấm dần thị phần của Microsoft, Nintendo hay Sony. Mặt khác, với sự yểm trợ của Nhà nước, Lenovo khóa chặt thị trường Trung Quốc với đại gia trong ngành.
Từ 13 năm nay, các trò chơi điện tử như PlanyStation của Sony hay Wii của Ninteldo, Xbox của Microsoft không được phép lưu hành trên quê hương Mao Trạch Đông. Nhưng đó chỉ là về phương diện chính thức. Trên thực tế, ai cũng biết đấy không phải là những mặt hàng xa lạ đối với một số ít các cô cậu con nhà giàu ở Trung Quốc.
Sau nhiều lần bị dời lại cuối cùng gần đây, Lenovo vừa tung ra trò chơi CT 510 để chiêu dụ khoảng 19 triệu người tiêu dùng có nhu cầu giải trí vào những ngày cuối tuần. Đầu máy chơi game của tập đoàn Trung Quốc này về hình thức là bản sao giống hệt đầu máy của Microsoft, nhưng lại không hiệu quả và không « nhạy » bằng đầu máy Xbox 360 của Mỹ !
Bị chỉ trích áp dụng chính sách bảo hộ, chủ nhân tập đoàn Trung Quốc giải thích rằng, sản phẩm mới CT 510 nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục cho giới trẻ, chứ đấy không phải là « games ». Vẫn theo lý giải của Lenovo thì đầu máy này là một thứ công cụ để con cháu của Tần Thủy Hoàng học sinh ngữ và luyện võ.
Source: RFI