Nếu bạn có việc phải lái xe vài tiếng sau chiều thứ sáu tan sở thì chắc chắn là đêm đó bạn bạn sẽ ngủ trễ với niềm vui hội ngộ. Rồi thì thứ bảy bù khú, chủ nhật ăn sáng đậm đà đến trưa hay chiều gì đó thì cũng phải chia tay để về vì sáng thứ hai còn đi làm.
Ôi! Cái sáng thứ hai đầu tuần của người còn đang vui và mệt với hội ngộ mà phải bước vô hãng xưởng thì khủng khiếp…
Nhưng nhìn chung sinh hoạt của những người đi làm ở Mỹ thì chu kỳ mỗi tuần là thứ hai đến thứ sáu đi làm, thứ bảy và chủ nhật nghỉ ngơi, vui chơi. Chu kỳ ấy đều đặn như cuộc đời của những người đi làm hãng xưởng rất bình lặng, an phận, cuộc sống một ngày như mọi ngày, không phải lo lắng bất trắc nhiều như thương gia trên thương trường, chính khách trên chính trường chính trị… lại là những người đôi khi thèm muốn có được sự bình yên của tầng lớp lao động với thời khoá biểu là tất cả những sinh hoạt vui chơi đều dồn vào hai ngày cuối tuần.
Nhưng được ăn chơi thoải mái trong hai ngày cuối tuần nên tâm lý chung là chẳng ai mong chờ ngày thứ hai trở lại làm việc. Vì thế sự lạnh nhạt của nhiều người đối với ngày thứ hai ấy mà người Mỹ có câu thành ngữ “Blue Monday”, nói lên tâm trạng không vui vẻ gì của nhiều người trong những ngày thứ hai đầu tuần. Tâm lý người ta sau hai ngày cuối tuần không phải đi làm, được nghỉ ngơi, ăn chơi, không phải lo dậy sớm, hai ngày có thì giờ vui chơi, tiệc tùng vui vẻ. Nhưng hai ngày cuối tuần rồi cũng qua với năm ngày làm việc đang chờ đợi ở phía trước thì ai mà không cảm thấy ngán ngẩm và đổ hết lên đầu ngày thứ hai như ngày buồn chán nhất trong tuần với câu cửa miệng khi gặp lại đồng nghiệp trong chỗ làm vào sáng thứ hai, ai cũng thường ca cẩm, “thứ hai ngày dài…” Bởi tâm trạng chán nản vì còn nuối tiếc mấy ngày vui cuối tuần qua mau. Nhưng có phải thật sự người ta mang tâm trạng chán ghét cái ngày thứ hai đó hay không? Hay chỉ vì nghe nhiều người nói nên nhập tâm để rồi bắt chước lập lại. Cứ nghe nhắc tới thứ hai là nghĩ nó là một ngày uể oải, buồn chán, một ngày lê thê…
Trong một cuộc nghiên cứu mới nhất của viện Gallup nói rằng thứ hai không hẳn là ngày tệ hại nhất trong tuần như người ta hằng nghĩ. Thật ra nó cũng là một ngày tương tự như những ngày khác trong tuần. Những người tham gia cuộc nghiên cứu được yêu cầu trả lời những câu hỏi đại loại như cảm xúc, suy nghĩ của họ trong ngày ra sao: hạnh phúc, vui vẻ, lo lắng, buồn rầu, căng thẳng hay giận dữ… Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy là tâm trạng của người ta có phần tích cực hơn và bớt tiêu cực vào những ngày thứ bảy và chủ nhật, so với những ngày khác trong tuần, và đối với những người càng lớn tuổi hoặc những người đã nghỉ hưu thì ảnh hưởng của mỗi ngày cũng bớt đi nhiều, nghĩa là một ngày như mọi ngày.
Mặc dù không được so sánh ngang bằng với hai ngày cuối tuần, nhưng những bằng chứng cũng cho thấy là người ta vui vẻ hơn vào ngày thứ sáu so với những ngày khác trong tuần và điều này phù hợp với câu mà người Mỹ thường nói “Thank God It’s Friday!” Sau cả tuần làm việc thì ngày cuối tuần đương nhiên vui. Tuy so ngày thứ hai với những ngày làm trong tuần thì các nhà nghiên cứu cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có những khác biệt trong tâm trạng của những người được hỏi đối với những ngày làm khác trong tuần.
Dù vẫn có nhiều người nghĩ rằng thứ hai là ngày làm việc chán nản và uể oải nhất. Trong một cuộc thăm dò cho thấy hơn sáu mươi phần trăm những người được hỏi cho rằng ngày thứ hai là ngày tệ hại nhất trong tuần. Trong khi đó một nghiên cứu khác xác nhận rằng cái ý kiến trên tràn lan trong đám đông, mặc dù sự thật là chúng ta không thật sự cảm thấy rầu rĩ, u sầu hơn trong ngày thứ hai hằng tuần.
Vậy tại sao chúng ta dễ tin điều mà ngay những bằng chứng từ cuộc nghiên cứu cũng như kinh nghiệm trực tiếp của chính chúng ta cho thấy một điều giản dị là nó không thật?
Theo các nhà nghiên cứu thì sự bí ẩn về ý kiến cho rằng thứ hai là ngày buồn nản chẳng qua là một hiện tượng quen thuộc trong môn khoa học nghiên cứu về hành vi của con người đó là óc phán đoán của chúng ta về kinh nghiệm của chính bản thân mình có thể không ăn khớp với kinh nghiệm thật sự mà ta trải qua. Nghĩa là óc phán đoán của chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng với môi trường xung quanh ở vào một thời điểm nào đó. Người ta đưa ra thí dụ về những kỳ nghỉ phép và thấy rằng những người vừa đi nghỉ phép thường thấy là những ngày nghỉ phép đó thật sự thú vị sau khi đã trở về nhà hơn là khi kỳ nghỉ phép còn đang diễn ra. Cũng thế, trong trường hợp khi chúng ta đau ốm: chúng ta thường nhớ tới những cơn đau hoặc triệu chứng của căn bệnh ở mức độ cao hơn thực tế khi mà căn bệnh còn đang vật vã, một phần là vì chúng ta không nhớ tới những khi không bị căn bệnh hành hạ mà chỉ nhớ những lúc thể xác bị đau đớn thôi.
Các nhà nghiên cứu giải thích là vì bộ não của con người tuy có nhiều khả năng nhưng cái khả năng nhớ lại và xử lý những thông tin được cất giữ trong đó thì lại giới hạn. Do đó, khi những thông tin không có sẵn để trả lời một câu hỏi, khi không thể moi ra từ ký ức ngay lúc đó thì chúng ta thường sử dụng những thông tin có sẵn ngay lúc đó để giải đáp và những thông tin tức thời đó thường không có sự chính xác nên người ta phạm phải sai lầm là nói sai.
Khi được hỏi thử nhớ lại những đau đớn thể xác trong tuần qua, phần lớn người ta không thể nhớ hoàn toàn những lúc đau và những lúc không đau trong suốt bảy ngày. Tuy nhiên, chúng ta lại thường nhớ tới những lúc đau đớn nhất và có thể dùng nó như là cách để tổng kết lại nỗi đau đớn trong nguyên tuần lễ. Khi được hỏi về sự thoả mãn trong cuộc sống hiện tại, chúng ta lại có khuynh hướng chú trọng tới những điều nảy ra trong đầu ngay lúc đó, chẳng hạn một cuộc cãi vã mới đây với người phối ngẫu hay một lời khen từ ông sếp ở sở làm.
Những sự kiện tâm lý trên có liên quan đến cái gọi là nhận thức của con người, mà con người vốn nhận thức lệch lạc do chú trọng tới những sự việc nổi bật và vừa mới xảy ra. Nnê trong trường hợp “thứ hai buồn” cũng thế. Cái suy nghĩ cho rằng thứ hai là ngày tệ hại nhất trong tuần có thể là vì chúng ta đã quá chú ý tới sự chuyển đổi từ ngày chủ nhật đang vui vẻ bước sang ngày thứ hai phải đi làm lại và sự kiện này tạo ra sự thay đổi lớn trong tâm trạng vui buồn trong suốt tuần lễ đối với một người đi làm bình thường.
Do đó, khi nghĩ về tâm trạng vui buồn của những ngày trong tuần, chúng ta phản ứng lại với sự thay đổi đột ngột đó hơn là bình tâm nhìn cho rõ hơn tâm trạng thật sự của từng ngày. Vì phản ứng theo bản năng nên chúng ta dễ bị lầm, ít nhất là trong việc cố gắng hình dung ra cái tâm trạng vui buồn thật sự đang tiềm ẩn trong trí nhớ.
Nên thứ hai không là ngày buồn. Nó cũng tương tự như những ngày khác trong tuần, chỉ thua kém một chút so với thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy thứ hai cần được hiểu đúng đắn hơn để mỗi sáng thứ hai khi bước vào sở làm, chúng ta không phải mang cái cảm giác hắc ám làm cản trở công việc…
Phan