Đa số các công ty, ngay cả khi giả bộ nhân từ và có lương tâm, không hề có ý muốn hại ai. Đúng ra, những lời đẹp đẽ cũng bắt nguồn từ một cảm xúc thường đẹp đẽ là tình yêu, chỉ là trong trường hợp này là tình yêu tiền và lợi nhuận.
Nếu đi lạc đề một chút, tình yêu đã dẫn đến rất nhiều giả dối trong xã hội con người, ngay cả tình yêu lãng mạn cũng thế. Khi yêu, người ta che giấu những điều không đẹp về mình, không phải vì không yêu đủ người đối diện, mà chỉ là yêu chính mình nhiều hơn.
Nhưng hãy trở lại vấn đề các công ty và phương pháp kiếm lời đã khiến họ phải giả dối và làm bộ có lương tâm. Để dễ hiểu, hãy dùng ví dụ của hai công ty lớn làm bộ nhân từ trong thời gian gần đây. Thứ nhất là Walmart, quảng cáo rầm rộ rằng họ bảo đảm 100% rau trái của mình. Có nghĩa là khách hàng mua rau quả của Walmart, ăn thử, không hài lòng, có thể mang trả lại và lấy lại tiền của mình. Thứ nhì là H&M, một công ty thời trang Thụy Điển có nhiều cửa tiệm khắp thế giới. H&M thông báo rằng từ nay trở đi, để góp phần giảm bớt phí phạm, khách hàng có thể mang quần áo, giày cũ đến H&M và sẽ nhận được giảm giá cho những món hàng họ mua trong tiệm.
Cả hai nghe rất hấp dẫn, êm ái và lọt tai, và có lợi cho những khách hàng của Walmart và H&M. Nhưng có lợi hơn nữa chính là hai Walmart và H&M. Thứ nhất, họ gây được chú ý và thiện cảm của giới tiêu thụ, hai thứ dễ dàng biến thành tăng gia doanh số. Trong trường hợp Walmart, sự bảo đảm rau trái thực ra không có gì mới. Những chuỗi tiệm khác như Safeway/Vons hay H-E-B của Texas đã có bảo đảm này từ lâu. Ngoài việc tăng thiện cảm của khách hàng, tuyên bố “bảo đảm” này của Walmart còn góp phần làm dư luận quên đi những tin xấu về Walmart dạo gần đây: cửa tiệm thường xuyên thiếu rau trái để bán, mối liên hệ đến xưởng may bị cháy với 400 người thiệt mạng ở Bangladesh.
Tuy “bảo đảm” nghe như làm lợi cho khách hàng, nó không thiệt hại gì cho Walmart. Tỷ lệ khách hàng đem trả những món đã mua chỉ khoảng 5-6%, và con số này bao gồm những người thường trả hàng, chẳng hạn mua quá tay rồi sau đó đem trả bớt. Dù chi phí của bảo đảm này có nhiều hơn dự tính, những công ty như Walmart có thể cộng chi phí ấy vào giá bán, và cuối cùng chính những khách hàng là người chịu chi phí “bảo đảm” cho lẫn nhau. Theo thăm dò, bảo đảm này có giá trị khoảng 1/3 giá hàng, có nghĩa khi khách hàng mua một món không có bảo đảm, họ chỉ mua nếu giá món hàng ấy rẻ hơn 1/3, và ngược lại. Bảo đảm trả lại cũng gần như là một bảo đảm tăng số bán, vì khách mua với tâm lý “không thích thì trả”, nhưng đa số khách hàng ngại, lười, hoặc quên đi trả, cuối cùng có thêm những món không dùng đến mà thôi.
Trong trường hợp H&M, giảm giá dựa trên số quần áo cũ cũng không thiệt hại gì cho H&M. Theo phương pháp tính giảm giá của công ty, mức giảm giá tối đa chỉ khoảng 17%, và ít hơn nữa nếu tổng số mua tăng lên. 17% thật không thấm vào đâu so với mức lời 60% trong giá bán của H&M, và sau tất cả chi phí mức lời vẫn còn vào khoảng 15%. Hơn nữa, công ty sẽ tái dụng số quần áo cũ ấy, tặng từ thiện một phần nhưng cũng bán một phần. Với mức tiêu thụ của dân Mỹ, chính sách “làm lợi cho trái đất” của H&M có nhiều cơ hội làm lợi cho công ty nhiều hơn. Mức giảm giá, dù ít oi, sẽ khiến khách hàng có cảm tưởng mình đang được “quà”, dẫn đến khả năng mua sắm nhiều hơn vì “được rẻ.” Số hàng ấy nhanh chóng trở lại tiệm trong dạng quần áo cũ (bỏ nhanh cũng không sao, mua hàng mới được giảm giá mà), và H&M lại bán được thêm hàng mới.
Tính toán kiếm lợi là nghề của các công ty, dĩ nhiên họ thành thạo là phải. Walmart và H&M, với hai chiến lược mới nặng phần quảng cáo nhiều hơn thực chất, rõ ràng đã “được ăn, được nói, được gói mang về.”
Tiểu Thư
Theo Viendongdaily