Hình ảnh cô và trò ngày khai giảng năm học mới tại 1 trường học ở Hà Nội.
AFP
Học sinh ở Việt Nam và một số khu vực phía Đông Trung Quốc đã vượt qua nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.
Một báo cáo do Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế công bố vào hôm 19 tháng 3 và được mạng báo Nikkei loan đi cho biết như vừa nêu. Đây là chương trình đánh giá và xếp loại học sinh dựa trên các lĩnh vực như toán, khoa học và kỹ năng đọc hiểu.
Báo cáo cho thấy ở Trung Quốc, các khu vực tập trung học sinh vượt trội bao gồm thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉnh Giang Tô và Quảng Đông.
Học sinh Việt Nam và 4 tỉnh thành này của Trung Quốc chiếm 12% trong số 330 triệu học sinh trong khu vực, và chiếm tới 1/4 tổng số sinh viên toàn cầu.
Báo cáo nói rằng, rõ ràng học sinh từ những vùng nghèo khó hoàn toàn có thể học ngang bằng và thậm chí là giỏi hơn những vùng giàu có. Từ đó báo cáo kết luận các quốc gia thu nhập trung bình hoặc thấp đều có thể sản sinh ra những học sinh có học lực ngang bằng hoặc cao hơn các nước thu nhập cao.
Ông Michael Crawford, đồng tác giả của báo cáo và cũng là chuyên gia giáo dục hàng đầu của Ngân hàng Thế giới nhận định đây là một điều đáng chú ý, bởi vì thông thường học sinh từ các nước nghèo khó có thể sánh bằng các nước giàu.
Bản báo cáo cũng cho biết nhìn chung 40% học sinh thuộc 18 quốc gia Đông Á đều có học lực tốt và nổi bật là nền giáo dục của Nhật Bản và Singapore tạo điều kiện cho học sinh của họ học nhiều bằng, hoặc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ tại châu Á, vấn đề là khoảng cách nền giáo dục giữa các nước còn khác xa nhau, chứ không phải giữa nước giàu hay nước nghèo. Ngân hàng Thế giới World Bank cho biết 60% học sinh trong khu vực được đào tạo trong các hệ thống giáo dục kém chất lượng.
Theo RFA