Nắng mưa là bệnh của trời
“Sổ mũi, nghẹt mũi” là bệnh của người trần gian
Ai mà không từng bị nghẹt mũi sổ mũi? Chuyện quá thông thường nhưng nhiều khi cũng rất là bực mình, nhất là nếu bạn lại bị tới bị lui hoài không hết. Sổ mũi nghẹt mũi có nhiều nguyên nhân, thông thường nhất là do bệnh cảm, cúm hay dị ứng mũi. Ngay cả căng thẳng, “stress”, cũng có thể gây ra triệu chứng này. Thường là bệnh tự hết. Nhưng đôi lúc cũng phải dùng thuốc. Dưới đây là những cách bạn có thể làm để giúp mình cảm thấy dễ chịu, mau hết bệnh hơn.
1. Sổ mũi
Trong mũi chúng ta có nhiều tuyến tiết ra chất nhờn liên tục, có thể tới 1 hay 2 lít mỗi ngày. Chất nhờn này rất cần thiết để giúp chúng ta làm sạch và trơn màng nhầy của mũi cũng như giúp chống nhiễm trùng. Thường chúng ta không nhận ra sự có mặt của chất nhờn này cho đến khi mũi chúng ta gia tăng tốc độ, tiết ra thật nhiều chất nhờn, mục đích là tống những con siêu vi gây cảm cúm hoặc những thứ bụi gây dị ứng ra khỏi mũi. Nhiệt độ lạnh, thức ăn nhiều gia vị hoặc thay đổi chất kích thích tố trong người cũng có thể gây ra sổ mũi.
Khi nào thì sổ mũi trở thành nghiêm trọng?
Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu ở vào những trường hợp sau:
- Sổ mũi kéo dài quá 3 tuần lễ hoặc bị sốt kèm theo, nước mũi đặc, màu xanh lá cây hay vàng, vùng mặt hai bên mũi tức vùng xoang mũi bị đau. Những triệu chứng này cho thấy có thể bạn bị nhiễm trùng.
- Chỉ chảy mũi một bên và kéo dài không dứt. Ở trẻ nhỏ, đây có thể là do em bé nhét vật lạ vào mũi.
- Nuớc mũi có máu. Nếu chảy nuớc mũi trong sau khi bị chấn thương đầu, đây có thể là nước trong óc chảy ra.
- Bạn bị suyễn, bị khí thủng (emphysema) hay đang uống những loại thuốc làm hệ miễn nhiễm bị suy.
Cách chữa:
- Khi bị sổ mũi, nước mũi đọng bên trong quá nhiều, bạn cần hỉ mũi, nên hỉ nhẹ nhàng, đừng xì quá mạnh. Nhưng nếu nước mũi chảy liên tục, bạn có thể dùng thuốc chống histamine (antihistamine) là chất gây ra triệu chứng dị ứng. Rất nhiều loại antihistamine hiện được bán tự do, không cần toa bác sĩ. Nên đọc kỹ lời dặn trên nhãn thuốc và theo đúng. Bất lợi: nhiều loại thuốc này sẽ làm bạn buồn ngủ, dật dờ. Thêm nữa, vì thuốc làm chất nhờn bớt ra, vi trùng sẽ ở trong mũi bạn lâu hơn.
Đối với trẻ nhỏ, bạn có thể dùng bầu hút (bulb syringe) có bán ở các tiệm thuốc, để hút mũi các em. Không nên tự động cho các em uống thuốc antihistamine mà nên hỏi ý kiến bác sĩ.
2. Chảy mũi phía sau
Chảy mũi phía sau là khi dòng chất nhờn chảy đằng sau mũi xuống cổ họng, thay vì chảy ra trước. Dòng chất nhờn này cũng có tác dụng lấy đi những thứ gây dị ứng và vi trùng. Bạn sẽ nuốt nó vào bụng và thải ra ngoài bằng đường tiêu hóa. Thường chúng ta vẫn nuốt chất nhờn này mà không để ý. Nhưng nếu bị ra nhiều chất nhờn quá, bạn sẽ cảm thất “có đờm trong cổ”. Đờm này làm bạn rất khó chịu, phải ho, bị đau cổ và cứ phải tằng hắng liên tục.
Cách chữa
- Tránh những thứ gây khó chịu (irritants): những thứ này thường là khói thuốc hay sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, thí dụ như đi từ chỗ thật nóng vào vùng có máy lạnh thật mát chẳng hạn.
- Uống nhiều nước: nhiều nước giúp chất nhờn sau cổ họng loãng ra, dễ nuốt hơn.
- Dùng máy làm ẩm không khí (humidifiers): không khí khô sẽ làm chất nhờn khô lại khiến bạn khó chịu hơn. Không khí ẩm khiến chất nhờn loãng hơn.
- Xịt mũi bằng nước muối: bạn có thể mua nước muối xịt mũi ở nhà thuốc hay có thể pha chế lấy bằng cách pha 1/4 muỗng teaspoon muối trong 2 cup nước cất ấm. Dùng bầu bơm nhỏ nước muối này vào mũi.
- Đi khám bệnh: nếu bạn vẫn còn khó chịu dù đã thử mọi cách, bạn nên đi khám bệnh.
3. Nghẹt mũi
Nghẹt mũi cũng gây ra khó chịu không kém gì sổ mũi. Nguyên nhân thường cũng giống nhau: cảm, cúm, dị ứng với bụi, phấn hoa hay lông chó mèo. Nghẹt mũi cũng có thể do viêm những mạch máu nhỏ trong mũi, xẩy ra khi các mạch máu này trương nở khi gặp khi khí lạnh, đồ ăn cay, stress, vận động thân thể... Nhiều loại thuốc có thể làm khô mũi và họng như thuốc lợi tiểu, thuốc chống bệnh bồn chồn lo lắng, thuốc ngừa thai, thuốc chống bất lực như Viagra, thuốc beta blockers, thuốc chống nghẹt mũi khi dùng quá lâu ngày... Hiếm hơn, nghẹt mũi có thể gây ra do màng giữa mũi bị lệch, hay một cục bướu mọc trong mũi.
*Khi nào nên lo?
Nơi người lớn và trẻ lớn, nghẹt mũi chỉ là một chuyện khó chịu nhưng đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng, nghẹt mũi có thể khá nghiêm trọng vì các em có thể không bú hay thở được. Nên gọi bác sĩ nếu em bé dưới 3 tháng bị bệnh. Với trẻ lớn hơn 3 tháng, ta có thể giúp em bằng cách cho uống nhiều chất lỏng, tăng độ ẩm của không khí trong nhà, hút mũi em thường xuyên sau khi nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối như Ocean, Nasal...
Cách chữa
- Dùng hơi nước: giống như cách “xông” người Việt mình hay dùng. Nấu một nồi nước sôi chừng 4 tới 6 cup nước, đem ra khỏi bếp, cho vào đó 3 giọt dầu gió. Cúi mặt trên nồi nước sau khi trùm đầu bằng khăn, hít hơi nước chừng 10 tới 15 phút. Coi chừng bị phỏng nếu không cẩn thận.
- Uống nhiều nước để giúp chất nhờn loãng ra. Không nên uống nước có chất caffein.
- Chicken soup đã được chứng minh là làm chất nhờn trong mũi thoát ra nhanh hơn, giúp đỡ nghẹt mũi và loại siêu vi khỏi mũi nhanh hơn.
- Nước muối: mua Ocean, Nasal ở tiệm thuốc hay pha lấy như trên đã nói. Nhỏ 1, 2 giọt vào mũi giúp đỡ nghẹt và bớt khô.
- Giải kẹp mũi (breathing strips) là những giải tự dính, được dán ngang sóng mũi, giúp mở rộng đường mũi khiến thở dễ hơn.
- Thuốc nghẹt mũi: Có thể giúp trẻ lớn và người lớn thở dễ hơn. Nhưng nếu dùng lâu quá 2, 3 ngày, ta có thể bị nghẹt nặng hơn. Ngoài ra, thuốc nghẹt mũi uống hay nhỏ vào mũi cũng có thể làm tăng huyết áp ở một số người. Thường thuốc nghẹt mũi không có tác dụng cho trẻ em nhiều lắm và có thể gây ra phản ứng phụ không tốt. Nên dùng thuốc ít thôi.
BS Nguyễn Thị Nhuận