Theo tín ngưỡng dân gian, dân chúng thường đốt vàng mã trong các dịp lễ, tết, giỗ chạp như một cách “tiếp viện” cho người mất. Âm sao dương vậy, người sống cần gì ắt cõi âm cũng muốn đúng như thế.
Sau một thời gian dài khốn khó ở miền Nam, cấm đoán ở miền Bắc, nay tục hóa vàng mã bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thiên hạ hối hả mang tiền thật mua cả bao tiền âm để đốt cho người thân.
Trong suốt thời gian dài, vàng mã chỉ là các hình thể giấy gấp hình thoi phết kim nhũ, ngân nhũ; giấy vàng, giấy bạc làm từ giấy Bãi Bằng xấu hay giấy bản mỏng phết nhũ; tệp tiền giấy âm phủ màu trắng in hình chuỗi xu…
Nhưng nay vàng mã đa dạng và thay đổi rất nhiều. Vàng thoi xưa rồi, tuy vẫn còn nhưng hình thức đã thay đổi thành các đĩnh vàng, thoi vàng to như thường thấy nâng trên tay Thần Tài xuất hiện khắp nơi trong các trang nhỏ thờ cùng với ông Địa. Tiền giấy được cập nhật theo hệ thống tiền tệ thế giới. Có tiền đô la Mỹ, đồng euro, tiền theo kiểu polymer đang hiện hành ở VN, nhưng có in hình… Diêm vương cho biết đó là tiền phát hành từ ngân hàng âm phủ, chứ giống tiền dương gian quá e bị bắt vào tội phát hàng tiền giả chăng. Và cuối cùng là tiền âm phủ theo kiểu cổ truyền là loại rẻ nhất in chữ và hình màu đỏ trên nền trắng đơn giản.
Giống như trong thực tế, đô Mỹ là một loại tiền “mạnh” thì trong tiền âm, đồng đô này vẫn giữ nguyên vẹn ưu thế đó. Mặc dù có vài ba loại ngoại tệ, nội tệ nhưng phổ biến nhất, dùng rộng rãi nhất, được hầu hết người mua chọn lựa thường là đô Mỹ. Những tờ tiền Mỹ một trăm đô mà người sống ít khi cầm tới thì được đốt hàng xấp dày. Tiền thật khó kiếm khiến cuộc sống thiếu thốn chứ tiền mã rẻ rề, đốt hết xấp này sang xấp khác có bao nhiêu tiền mà người chết được tiêu xài thỏa thuê (!). Bởi vậy chẳng mấy ai thấy tiếc khi mua vàng mã.
Ngoài tiền thì thị trường hàng mã vô cùng phong phú. Nó phản ảnh trung thực đời sống xã hội. Trước kia, chắc do nền kinh tế còn khó khăn nên hàng mã không nhiều lắm, không có sự thay đổi nhiều nhưng những năm sau này thì thay đổi đến chóng mặt cho người mua dễ dàng chọn lựa.
Tiền in ấn bằng máy ngày càng sắc nét hơn. Ngoại trừ những tờ tiền theo kiểu cũ thì tờ tiền nhác qua rất giống thật. Vì thế đã có người đi sau một đám ma, nhặt được tờ một trăm đô la Mỹ đã mang tới ngân hàng để đổi ra tiền Việt.
Hàng mã chưa khi nào thượng vàng hạ cám như bây giờ. Dĩ nhiên theo thói quen, ngựa vẫn còn đó nhưng ít hơn trước. Thay vào đó là xe gắn máy, xe hơi, nhà lầu, điện thoại, Ipad, Iphone, TV… rồi quần áo, giày dép, mũ nón… không thiếu thứ gì.
Chỉ có điều trước kia y phục giản dị thì bây giờ có áo dài cho phụ nữ, sơ mi hay vest cho nam giới. Ra chợ hỏi một bộ mã cho phụ nữ, tùy tuổi người bán sẽ đưa ra một bộ gồm áo kiểu, bà ba hay áo đầm bằng gấm, nhung… đủ cả… cùng dép, kính đeo mắt, dây chuyền, vòng tay kim cương hay cẩm thạch, điện thoại… đàn ông thêm giày tây, mũ phớt, đồng hồ, radio…
Phú quý sinh lễ nghĩa. Tiền bạc rủng rỉnh hơn nên những yêu cầu về hàng mã cũng trở nên cao hơn. Hình thức hàng mã không nhỏ xíu mang vẻ tượng trưng mà có khuynh hướng ngày càng to lớn ra ngang với kích thước thực tế. Bà Múi vừa rồi nhân dịp giỗ lần thứ ba mươi của người chồng quá cố đã gửi cho ông chiếc xe xích lô đạp to bằng xích lô thật kèm một anh phu xe cũng to bằng người thật ngồi đạp xe đằng sau. Tuổi già ngồi trên chiếc xích lô ấy dạo chơi thong thả nhàn nhã, phù hợp hơn một chiếc gắn máy hay xe hơi mà chắc chắn ông già không biết lái.
Quần áo mã bằng giấy bé tí bằng lòng bàn tay vì người ta tin rằng khi đốt, nó sẽ biến to rộng thành vừa người mặc, ngựa giấy nhỏ bằng hai ngón tay và cũng mang ý nghĩa tượng trưng. Khi đốt về cõi âm, những con ngựa bé xíu, đơn sơ ấy sẽ biến thành hùng mã tung vó phi đường trường.
Ngựa xuất hiện nhiều trong hàng mã vì ngày xưa đó là phương tiện di chuyển duy nhất. Đường bộ dùng ngựa, đường thủy dùng thuyền. Nếu đốt một chiếc thuyền lại phải đốt thêm người chèo thuyền mất công quá. Đốt con ngựa xem chừng đỡ rắc rối hơn, ai cũng có thể cưỡi được.Vả lại đã thuyền mã là phải chiếc thuyền rồng diêm dúa chứ đâu phải ghe ba lá được, mà thuyền rồng ắt phải quyền cao chức trọng chứ đó không phải là thứ dành cho dân thường.
Bây giờ ít ai đốt ngựa nhưng ngựa voi hàng mã vẫn được sản xuất rất nhiều cung cấp cho các đền, phủ…Không phải những con ngựa giấy to bằng ngón tay nữa mà là ngựa phết giấy trang kim nhiều màu phất lên khung tre to bằng ngựa thật cao đến hai mét. Vì các vị được thờ trong đền, phủ… là quan, tướng ngày xưa nên lễ được hóa là ngựa cho ngài xông pha trận mạc và thuyền rồng đánh giặc trên sông. Tại đền Củi thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh, mỗi ngay hàng trăm con ngựa xếp hàng trước sân đợi tới phiên ném vào lò thiêu. Ngay cả một số cá nhân cũng thích đốt ngựa giấy hàng đàn. Voi to quá không thể làm đúng kích thước nên thu nhỏ bằng ngựa. Như vậy không hay lắm nên người ta chuộng ngựa mã to bằng ngựa thật hơn voi mã thu nhỏ! Không kể số lượng hình nhân mang đốt cũng không ít.
Quan tướng mới cần tới ngựa và thuyền chứ người dân ngày nay chỉ chăm chăm đốt xe hơi, xe gắn máy đời mới, dàn loa nghe nhạc, mỹ phẩm, nữ trang… Quần áo, TV, điện thoại, laptop… Xăng hay pin không đốt được nhưng tiền vàng gửi xuống cõi âm rất nhiều, đủ để mua sắm thêm túy ý thích. Hàng mã đúng kích cỡ thật và ngày càng cẩu kỳ, tinh xảo hơn, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Riêng ngôi biệt thự ba tầng đầy đủ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ… với đầy đủ tiện nghi nội thất tỉ mỉ, đành phải làm nhỏ bằng nhà búp bê nhưng bù lại, có một cô hầu giúp việc nhà và anh làm vườn chạy việc ngoài giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu chứ chẳng ít.
Bà Trang, nhân viên văn phòng phân trần:
-Trước kia tôi cũng chỉ đốt thường thôi nhưng sau này hàng mã nhiều và tỉ mỉ quá, nhìn thấy rất thích. Người ta đốt nhiều lắm nên tôi cũng không dám ít hơn mọi người. Lúc trước ngày giỗ mua quần áo cho có, bây giờ ra hàng mã, người bán hỏi tuổi tác, nam nữ… rồi đưa ra những loại quần áo từ thời trang đến cổ điển vài ngàn một bộ cùng đủ thứ phụ kiện phù hợp đi cùng. Tiền cũng thế, tôi cũng phải mua đủ loại vàng, tiền to nhỏ khác nhau. Nếu không sắm đầy đủ những thứ đó, tôi sẽ cảm thấy mình thiếu sót và không an tâm.
Bà nói thêm:
– Đó là tôi tiết kiệm và giản tiện, chứ không thì theo người ta còn phải đốt máy giặt, máy lạnh… cho tới bút viết, sổ sách… Bao nhiêu vật dụng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người sống, đều phải đốt đủ cho người âm. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Tốn ít tiền mà cảm thấy chu toàn bổn phận với người thân ở cõi âm.
Tiền thật mua được cả mớ tiền giả. Trả có hai trăm ngàn đồng lấy một bao lớn cả chục gói đĩnh vàng xài khi nào cho hết!
Đúng là hội chứng đám đông khi một người hùa theo, khó thoát khỏi thói quen lâu đời và thói quen ồ ạt của đám đông.
Trong một năm có khá nhiều dịp cần dùng tới vàng mã. Ngoài giỗ chạp và các ngày lễ lạt ở đền, phủ, còn đốt vàng khi tiễn năm cũ, đón năm mới, vía Thần Tài, tết Nguyên Tiêu vào rằm tháng Giêng đầu năm, cúng sao, Trung Thu… Tính ra mỗi năm dân Việt đốt khoảng năm ngàn tỷ đồng vàng mã cho khoảng năm mươi ngàn tấn hàng mã. Trong đó người Hà nội đốt khoảng bốn trăm tỷ.Trung bình vào dịp lễ Tết, mỗi gia đình tiêu tốn vài chục ngàn đồng cho vàng mã, có gia đình tiêu hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Giống như đốt pháo, cạnh niềm tin tâm linh, không ít người có thú vui khi nhìn đống hàng mã đẹp đẽ cháy ra tro trong ngọn lửa…Và cũng không phải chỉ có người dân mà ngay cả công ty, doanh nghiệp… cũng hăng hái đốt mã cầu may mắn trong công việc.
Vì thị trường vàng mã sôi động như thế cho nên ngoài các công ty, cơ sở còn có cả ngôi làng chuyên sản xuất hàng mã như làng Đạo Tú (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Duyên Trường (Hà nội)… cho tới làng tranh Đông Hồ lừng lẫy cũng chuyển sang hàng mã khi dòng tranh dân gian trở nên đìu hiu vắng khách. Tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng nhà máy sản xuất vàng mã cho thấy nhu cầu vàng mã trong dân chúng cao thế nào.
Để tỏ tấm lòng với người đã khuất thì việc đốt mã lắm khi gây hậu họa không ngờ.
Mới đêm giao thừa tết Mậu Tuất vừa qua, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi 2,5 ha rừng ở khu vực núi Sơn Đảo (Hải Phòng) mà nguyên nhân được xác định do dân địa phương đốt vàng sơ ý để lửa bùng phát.
Trước đó, nhiều vụ cháy xảy ra cũng từ đốt vàng mã. Năm 2016, xe bồn chở xăng chở gần 23.000 lít xăng A92 đến cửa hàng xăng dầu Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) để tiếp xăng gặp gia đình sống cạnh đó đang làm lễ cúng trong nhà và trước đầu xe khách có thắp hương và bày vàng mã. Ngay sau đó, đám cháy xảy ra khiến xe bồn bị cháy hoàn toàn, một phần cây xăng cũng bị cháy, hư hỏng. Năm 2015, chợ Kinh Môn (Hải Dương) bỗng bùng cháy dữ dội đã thiêu rụi 100 ki ốt trong chợ, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng nguyên nhân một tiểu thương trong chợ làm lễ hóa vàng. Năm 2014, lửa cháy dữ dội trên núi Bà Hỏa (Bình Định) do một người dân thắp hương và hóa vàng khi viếng mộ khiến lửa lan sang khu rừng…
Đó là những trận hỏa hoạn khủng khiếp, còn vì đốt vàng mã mà cháy nhà, chết người thì đâu cũng có khắp cả nước.
Bỏ hẳn đốt vàng mã khó vì đó là tập tục lâu đời nhưng giới hạn lại, đốt… ít ít như xưa thì cũng chẳng hại gì mấy!
SGCN
Sửa bởi người viết 31/03/2018 lúc 09:08:06(UTC)
| Lý do: Chưa rõ