Mỗi năm, vào ngày 1 tháng 4... là có những bản tin dỏm, tin giả, tin vịt... tung ra để cười chơi cho vui. Ngày tung tin giả đó gọi là Ngày Cá Tháng Tư.
Trong tự điển Wikipedia kể rằng Ngày cá tháng Tư, nhằm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm, còn gọi là ngày nói đùa, ngày nói dối, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước, là ngày mà theo phong tục cũ tại một số quốc gia, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau.
Cá tháng tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn là phong tục truyền thống tại nhiều quốc gia kỷ niệm hàng năm vào đúng ngày 1 tháng 4, bằng cách tung nhiều tin đồn hoặc nói xạo, nói đùa vô hại về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó. Những tin giả như thế thường được tung ra trong cả ngày 1 tháng 4 ở hầu hết các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Ireland,... trong khi tại một số quốc gia khác, nó phải được chấm dứt vào giữa trưa như Anh, Canada, Úc, New Zealand.
Tại Ý, Pháp, Bỉ, và các khu vực nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ và Canada, 1 tháng 4 truyền thống thường được gọi là "Cá tháng Tư" (Poisson d'avril tiếng Pháp hoặc Pesce d'aprile trong tiếng Ý). Điều này bao gồm cả cố gắng để lén dán một con cá bằng giấy vào lưng của "nạn nhân" mà không bị phát hiện. Những cá giấy như vậy cũng nổi bật trên nhiều bưu thiếp tại Pháp ngày đầu tháng tư vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Ghi nhận sớm nhất về ngày đùa tháng tư có thể tìm thấy trong tập The Canterbury Tales của nhà thơ Geoffrey Chaucer (1392). Một số ý kiến cho rằng sự phục hồi ngày 1 tháng Giêng là ngày đầu năm mới trong thế kỷ 16 đã là lý do tạo thành phong tục này, nhưng giả thuyết này không được ghi chép trong các tài liệu tham khảo trước đó.
Phong tục dành riêng cho một ngày để bày ra những trò chơi khăm vô hại với hàng xóm được phổ biến trên khắp thế giới.
Khó thấy chuyện cá tháng tư tại Việt Nam... vì hình như bất kỳ tin dỏm, tin giảm, tin ma nào cũng liên hệ tới nhà nước.
Thí dụ, câu: “Không có gì quý hơn Độc lập và Tự do”... cũng có thể bị xem là Cá Tháng Tư, vì không ai thấy ở đâu tại VN bây giờ.
Để kể về vài cú lừa Cá tháng Tư.
Tự điển Mở ghi rằng vào năm 1957, đài BBC đã lập một trò đùa, được gọi là "Mùa thu hoạch mì ống Thụy Sĩ" (Swiss Spaghetti Harvest), khi mà họ phát sóng một bộ phim giả của nông dân Thụy Sĩ đang thu hoạch mì ống (Spaghetti) tươi từ những cành cây. BBC sau đó đã được tràn ngập bởi những yêu cầu để hỏi mua một "cây spaghetti" như thế, buộc họ phải thú nhận bộ phim là một trò đùa trong những tin tức ngày hôm sau.
Hay là, năm 1980, BBC đưa tin rằng đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang chế độ đồng hồ điện tử và người ta sẽ sớm lắp bảng hiện số mới thay cho mặt đồng hồ cũ. Tin tức này ngay lập tức khiến thính giả Anh bị sốc, họ bức xúc, thậm chí giận dữ gọi điện đến yêu cầu phải bảo vệ đồng hồ Big Ben.
Tương tự, năm 1986, báo Le Parisienn làm cho bạn đọc được một phen hoảng hồn vì đưa ra thông tin chính phủ Pháp quyết định dỡ bỏ tháp Eiffel. Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Thay cho tháp sẽ là sân vận động dành cho Thế vận hội 1992.
Tương tự, năm 2003, CNN đưa tin, Chủ tịch tập đoàn Microsoft William H. Gates III đã bị ám sát tại Los Angeles trong khi đang tham gia một sự kiện từ thiện được tổ chức tại MacArthur Park. Tin ông Gates bị ám sát đã đồng loạt được 3 kênh truyền hình MBC, YTN và SBS của Hàn Quốc đồng loạt đưa tin. Theo BBC, trên thực tế, thông tin đó là một trò lừa bịp lấy từ website CNN.
Bạn thử nghĩ ra một tin gì cho ngày Cá Tháng Tư xem... Thí dụ, Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tuyên bố VN sẽ bầu cử đa nguyên, đa đảng...
Xuân Niệm
_____
*Trùng chủ đề