Nếu anh có một gia đình êm ấm, đồng lương ổn định, sức khỏe tốt, không có tham vọng thay đổi cuộc sống để làm giàu, cũng không có điều gì lo sợ, tôi nghĩ anh không bao giờ cần phải xin một cái hẹn với nhà tướng số hay gõ cửa nhà một bà bói bài Tây hay bài Taro. Con người ta thường yếu đuối không tin ở mình hay không tin số mệnh đã dành cho mình, phải tựa vai bà bói bài hay đưa tay cho ông chấm tử vi dẫn đường mới chịu yên tâm.
(Hình minh họa: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)Có những thầy bói ngồi ở gốc cây đa, bến đò, cổng chùa nhưng cũng có những nhà tướng số tiếp khách trong những ngôi nhà lộng lẫy. Tùy theo vị trí của thầy, khách xem có thể là anh chàng cùng đinh, mà cũng có thể là một viên tướng lãnh hay ông đầu tỉnh.
Ngày xưa, dân gian đã mỉa mai nghề bói toán qua những câu ca dao:
“Số cô không giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng không gái thì trai.”
Tuy vậy, Việt Nam trong vòng nửa thế kỷ nay đầy rẫy những tai ương, chết chóc, chia lìa, tù đày, phiêu bạt, đôi khi đêm nay ngủ không biết số phận ngày mai của mình ra sao, nên con người yếu đuối phải nhờ đến một nhà tiên tri đọc được những vì sao trên trời hay những con bài quái dị, những con bích, chuồn, rô, cơ... số phận của đời mình. Nếu nói rằng miền Nam trước tháng 4, 1975 là vùng đất có nhiều thầy bói nhất thì cũng không sai.
Sau thời gian này, dù nghề bói toán không thể công khai, nhưng còn phát triển gấp bội, vì nghề này đã có thêm nhiều thân chủ mới. Khi anh chỉ có đôi dép râu, cái nón cối, cái xắc cột, miếng vải dù, cái chén nhôm và đôi đũa, thì chẳng cần coi bói làm gì, vì quá khứ, vị lai thì cũng ngần chừng đó. Nhưng khi anh cướp được chính quyền, có nhà đất, có của cải, địa vị, cần thăng quan tiến chức, cần mưu đồ chuyện tương lai, thì phải nhờ đến những vị cố vấn đường phố xem đến tử vi, bàn tay, thậm chí đến mồ mả của ông cha anh.
Tháng 4 năm 1975, sau khi cộng sản vào Saigon, không gia đình nào ở miền Nam không chịu cảnh ly tán, tù đày, mất mát. Gần như một trăm bà vợ có chồng đi tù thì có đến chín mươi chín bà đi gặp thầy bói toán, hoặc là ông thầy mù xủ quẻ dịch, hoặc là cô xem chỉ tay, hay bà bói bài, với duy nhất một câu hỏi: “Bao giờ thì chồng tôi được về hả thầy?”
Nếu thầy hiểu bài bản của nhà tù tập trung của cộng sản, và trả lời theo bài học tập lên lớp, thì câu trả lời là: “Bao giờ ông nhà học tập tốt, lao động tốt thì sẽ được Cách Mạng khoan hồng cho về sum họp với gia đình!”
Nhưng dù thầy có học hành đôi chút, hay bà bói bài mù chữ ở cạnh Lăng Ông, chưa hề một ngày sống với cộng sản, chẳng hiểu cộng sản là gì, thì câu trả lời ăn tiền chung chung để cho người xem nuôi hy vọng, vẫn là mùa Xuân, mùa Hạ, Thu này, Ðông tới... hay đến trăng tròn, trăng khuyết. Nếu thầy thật giỏi, nói như đóng đinh vào cột là “mười bảy năm nữa, may ra ông nhà mới có ngày ra tù...” thì thầy sẽ không có tiền mua gạo, mà mang thêm tội khi người vợ tù tuyệt vọng đi tìm cái chết. Làm sao một người đàn bà yếu đuối có thể vượt qua sự sợ hãi, khi nghĩ đến tương lai mờ mịt, phải nuôi bầy con dại, trong một xã hội bất an, cướp bóc, nghèo đói, kỳ thị như thế để chờ chồng mười bảy năm dài.
Nếu ngày ra tù, anh còn được gặp vợ con, gia đình nguyên vẹn, thì anh cũng nên cám ơn ông thầy bói, không có thầy sờ mu rùa, phán là anh sẽ về trong cuối năm này, làm sao chị còn hy vọng mà sống. Cuối năm anh không về, chị lại tìm một bà thầy khác gieo quẻ bảo mùa Hạ sang năm. Tình cờ anh ra tù đúng lời thầy thì cũng tốt, không thì cũng chẳng sao. Cơm áo cũng cần, nhưng hy vọng lại cần hơn. Tuyệt vọng làm cho con người ta héo hon, đau khổ.
Sau năm 1975, khi “cái cột đèn có chân cũng vượt biên,” thì gia đình nào có chút tiền cũng muốn tìm cách ra đi. Nhưng biết tin ai bây giờ trước một quyết định một sống, hai chết. Chuyến này, tuổi này, thời gian này đi có an toàn không? Ðó là câu hỏi được mọi người lén lút nhờ thầy, sau khi tính toán, gieo quẻ, mở lời khuyên giúp.
Ông chủ ghe, dù đã tính toán, mua bãi, đút lót công an, đã chọn một đêm tối trời cũng không quyết định được thắng bại, huống chi ông thầy bá vơ, mà thời gian tranh tối tranh sáng này, đua nhau mở cửa hàng bói toán. Chuyến đi thành công tốt đẹp, năm mười ngày sau có “mật mã” đem về thì nhất định thầy được thưởng mà tiếng đồn cũng lan xa, nhưng nếu chẳng may chuyến đi bị bể, tiền mất tật mang, phải vào nhà tù, thì không có lẽ đi “níu áo” bắt đền ông thầy.
Vào thời gian chuyện vượt biên lên cao điểm, tôi biết một người thanh niên trẻ tuổi không có tiền nhưng muốn tìm đường vượt biển, anh ta bèn chuyển nghề coi bói, mà là sở trường coi bói chuyện vượt biển. Một ông chủ ghe đến tìm thầy, nghe thầy tán tụng tuổi và vận hạn của mình, tháng năm, địa điểm xuất phát đều hanh thông, có “quý nhơn phò trợ” thì mừng rơn, giữ cho thầy một chỗ ra đi khỏi mất tiền. Tôi thực không biết giờ này thầy ở đâu, chết hay sống? Ðánh đúng tâm lý người đời, hy vọng giờ này, còn sống ở đâu đó trên đất người, ông thầy bói trẻ tuổi năm xưa cũng đã có một đời sống tươm tất.
Thầy càng giỏi khoa tâm lý chừng nào, càng đông thân chủ từng đó. Thầy biết khai thác như khai thác tin tức tình báo, mới vào đầu câu chuyện, khách đã bày tỏ hết chuyện mình, thì lời khuyên hay câu giải đáp của thầy không còn là chuyện khó khăn.
Ðưa chồng con ra biển rồi thì lo lắng, pha lẫn niềm hy vọng chờ tin vui. Thời gian kéo dài thêm nữa thì bồn chồn, lo sợ, đành gõ cửa nhờ thầy. Trăm thầy bà coi bói, không có ông bà nào dám nói chuyện xui xẻo, cho là người ra đi gặp nạn, mà dùng những đáp số chung chung, người ngoài cuộc thì cho là vô lý, nhưng người trong cuộc, vì sống nhờ hy vọng, nên vẫn tin lời thầy. Ðó là “gian nan nhưng đến nơi đến chốn, chậm vì trở ngại nhưng sẽ có tin về.” Bản thân người viết bài này, sau khi con ra đi, ngoài việc cầu nguyện, còn tìm đến quý ông bà xem tử vi, bói bài, gieo quẻ, coi chỉ tay... nhớ lại mình đã gõ cửa không dưới mười lăm người, nhưng chưa hề nghe ai nói đúng một câu.
Những người nhận được mật mã của thân nhân chắc chắn sẽ có quà hậu hỹ cho thầy, nhưng những gia đình có người mất tích, tháng ngày biền biệt, tuyệt vọng, đâu còn bụng dạ nào trở lại nhà thầy để nói một đôi câu trách móc.
Trở lại câu chuyện ngày xưa, cũng vì chuyện thích “coi bói” của dân chúng, quan chức miền Nam, nên chắc chắn là cộng sản đã đào tạo một đội ngũ tình báo qua mạng lưới thầy bói, tử vi thâm nhập, tiếp cận ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền. Có những ông thầy bói được trực thăng chở từ Ðà Lạt về “dinh.” Không ít những ông tư lệnh cầm quân, trước khi đi đánh trận, hỏi thầy đi hướng nào tốt, ngày lành tháng tốt ra sao. Ở cấp chỉ huy nhỏ hơn, cấp quận, tỉnh cũng thường xuyên lui tới lấy lời cố vấn của thầy, đổi lại là số mạng của bao nhiêu binh sĩ!
Không biết sau này, trong đám bói toán này, có ai được đảng phong tặng danh hiệu “Thầy Bói Anh Hùng” hay “Thầy Bói Nhân Dân” chưa, nhưng lực lượng thầy bói này đã góp công vào việc tan rã của miền Nam không phải là ít.
Nhiều người có cá tính mạnh mẽ, tự tin nhưng cũng có người yếu đuối, không nghị lực cần nương tựa vào người khác, mà thầy bói toán là một trong những người họ muốn tìm đến. Tôi thường không thích và không hề tin chuyện bói toán, nhưng đã nhiều lần gõ cửa họ, không phải vì mình mà vì lo cho người khác hay đi tìm sự yên tâm cho gia đình. Lũ trẻ ngày nay, nhất là những em lớn lên trên đất Mỹ, chắc không hề biết đến chuyện bói toán mà cũng chẳng bao giờ cần đến chuyện này. Ðất nước chúng ta đã khổ vì chuyện bói toán quá nhiều rồi!
Trong các chuyện bói toán, bói Kiều là chuyện bói khá tao nhã, mà các cụ văn nhân ngày xưa, khi gặp gỡ nhau, nhân chuyện thắc mắc, khó xử vẫn cầu đến “Vua Từ Hải, Sãi Giác Duyên, Tiên Thúy Kiều...” cố vấn. Trong nghịch cảnh của gia đình Vương Viên Ngoại, tiếp đến cuộc đời mười năm lưu lạc của nàng Kiều, trong 3,254 câu thơ của Nguyễn Du đã mô tả biết bao nhiêu thăng trầm, hoạn nạn rồi vinh quang, chia ly rồi kết hợp, câu nào trong chuyện Kiều cũng có thể đúng với hoàn cảnh riêng biệt của chúng ta, nên người bói Kiều rất dễ tin tưởng.
Ngày xưa thời ở trung học, lo lắng trước kỳ thi, bắt chước bạn bè, tôi lấy tập Kiều của hai ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (hiệu đính) ra, bằng hai tay, trân trọng nâng cuốn Kiều lên ngang chân mày, lâm râm khấn vái, mở cuốn Kiều ra đặt một ngón tay vào giữa trang sách.
Hai câu thơ cô Kiều “ban” cho tôi là:
“Ðường xa chớ ngại Ngô Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta!”
Tác già: Huy Phương
Sửa bởi người viết 02/07/2013 lúc 06:40:29(UTC)
| Lý do: Chưa rõ