Thác Ban Giốc nằm trên khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam vào ngày 12 tháng 3 năm 2017.
AFP
UNESCO vào ngày 12 tháng 4 chính thức thông qua nghị quyết công nhận non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu thứ 2 ở Việt Nam, sau cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang.
Mạng báo Thanh Niên dẫn lời Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng viện Khoa học, địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho biết trong hồ sơ gửi đến UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh: Non nước Cao Bằng là miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại như hóa thách, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản. Đặc biệt, cảnh quan đá vôi là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa của địa cầu.
Ông Văn cũng nói thêm, để được công nhận, UNESCO đã yêu cầu Việt Nam phải chứng minh được sự khác biệt giữa Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn, vì nhìn sơ qua cũng chỉ là những vùng đá vôi.
Non nước Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 kilomet, có diện tích hơn 3 ngàn m2, là nơi sinh sống của các dân tộc ít người chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng.
Về mặt sinh học, non nước Cao Bằng có độ che phủ rừng lớn cùng các hệ sinh thái rừng rêu, rừng lùn. Địa hình đá vôi ở đây điển hình cho giai đoạn cuối của chu trình tiến hóa Karst cùng hệ thống các hang động, nhũ đá, và hệ thống sông hồ, hang ngầm phong phú.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính đến kỳ này, UNESCO công nhận trên thế giới có 127 công viên địa chất toàn cầu ở 35 quốc gia.
Công viên địa chất toàn cầu được đánh giá bởi các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ; cùng các minh chứng về sinh học, khảo cổ học, lịch sử, văn hóa – xã hội. Một công viên địa chất toàn cầu cần có tác động đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Theo RFA