Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Hà Nội. Photo courtesy of PLXHTỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ phổ thông của cả nước năm nay có giảm so với năm ngoái. Phải chăng điều đó cho thấy ngành giáo dục đang nỗ lực đánh giá đúng hơn nữa chất lượng dạy và học của thầy và trò. Và bệnh sính thành tích trong giới lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục có sự chuyển biến.
Tín hiệu đáng mừng?Ngày 18.06.2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 được tổ chức từ 2-4/6. Theo con số thống kê, năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ trung học phổ thông đạt tỷ lệ 97,52%, thấp hơn so với năm 2012 là 1,45% (năm 2012 là 98,97%).
Báo chí nhà nước đánh giá cho rằng đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành giáo dục đang nỗ lực đánh giá đúng hơn nữa chất lượng dạy và học của thầy và trò. Đồng thời bệnh sính thành tích trong giới lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục được đánh giá có sự chuyển biến đáng kể.
Đánh giá về kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, thầy giáo Đỗ Việt Khoa người nổi tiếng sau những lần tố cáo hành vi tiêu cực trong thi cử, từng được Bộ Giáo dục khen ngợi vì "dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực" cho biết:
Tỷ lệ tốt nghiệp trên cả nước năm nay nhìn chung là giảm, những nơi nào giảm mạnh thì đã chứng tỏ nơi ấy nghiêm túc hơn. Xu hướng chung là chất lượng giáo dục đã nâng dần, nhưng chậm, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Cứ năm nào có một cuộc vận động gì đó làm cho nó nghiêm, thì tỷ lệ giảm. Năm nào không có gì thì tỷ lệ đỗ cao chót vót. Tức là cái gian lận bùng nổ.”
Trên thực tế, từ nhiều năm nay có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá chạy theo nhiệm vụ chính trị, dẫn đến dễ dãi, sính thành tích… trong thi cử. Trước thực tế này, nhiều thầy cô thấy chán ngán cách làm cũ và mong muốn có sự thay đổi. Mà theo họ, chuyện đỗ thấp, đỗ cao không thành vấn đề, mà quan trọng là qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học phải đánh giá được kết quả, chất lượng học tập của học sinh cũng như việc dạy và học tại nhà trường.
Về vấn đề này, thầy giáo Dương Đình Giao, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Cổ đô thị xã Sơn tây, Hà nội cho biết “Thi cử để phục vụ nhiệm vụ chính trị, vì thế cho nên học hành thì chẳng ra sao, nhưng thì cử thì phải bằng như cũ, thậm chí hơn cũ. Dần dần trở thành thói quen và dần trở thành gian dối có mục đích. Rồi gian dối trở thành phục vụ cho thành tích của trường để đề bạt hay nâng cấp”
Cần chống gian lận thi cửNhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu tỉ lệ đỗ có tỉ lệ nghịch với việc nghiêm túc trong thi cử. Liệu công tác coi thi nghiêm túc hơn thì kết quả có thấp hơn nữa không? Về vấn đề này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết “Cá nhân tôi nghĩ, tỷ lệ trượt tốt nghiệp năm nay trung bình cả nước phải là trên 10%, nhưng Bộ thống kê số lượng trượt chỉ là 3%, đỗ 97%. Như thế không phản ảnh đúng thực chất. Tôi khẳng định, nếu như coi thi chặt, làm nghiêm, thì tỷ lệ trượt sẽ nhiều hơn. Vì chính Bộ Giáo dục cũng thừa nhận gian lận còn nhiều, chưa phát hiện được hết”
Thí sinh trong giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013. Photo courtesy of vov.Nói về nguyên nhân của tình trạng gian lận trong thi cử, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết “Đây là một biểu hiện của sự gian dối của các cấp lãnh đạo. Cái gian dối này xuất phát từ chuyện thích báo cáo láo để phỉnh cấp trên, để làm đẹp cho địa phương. Mà cái gốc gác của vấn đề mà ít người dám nói, theo tôi đó là sự mục ruỗng, thối nát, biến chất của rất nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý trong ngành giáo dục ở các cấp đã hư đốn, làm cho ngành giáo dục cũng hư đốn theo. Mà trong đó vấn đề thi cử chỉ là một khía cạnh nhỏ”
Đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng gian lận trong thi cử, mà nguyên nhân có liên quan đến bệnh thành tích của các lãnh đạo ngành giáo dục, thầy giáo Dương Đình Giao cho rằng “Bây giờ cái quan trọng nhất, cái đối tượng cần phải làm trong sạch là đội ngũ hiệu trưởng. Vì thi cử mang tiếng là Bộ, là Sở nhưng người trực tiếp làm là chủ tịch hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi hay tổ chức dọc phách, lên điểm là đều do các ông hiệu trưởng cả. Các ông hiệu trưởng làm thế nào thì nên thế. Ví dụ điểm 5 ông ấy bảo điểm 3, điểm 3 ông ấy bảo điểm 7. Lúc ấy ai biết là đâu? Mà đội ngũ hiệu trưởng bây giờ hư hỏng hết cả rồi.”
Còn thầy giáo Đỗ Việt Khoa có kiến nghị các giải pháp cụ thể: “Thứ nhất là cho lắp camera giám sát trong phòng thi. Thứ hai là xử lý kỷ luật thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Trường hợp nào vi phạm thì phải cách chức, truy tố và buộc thôi việc, đặc biệt là lãnh đạo hội đồng, không thể bao che được. Khuyến khích các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh tham gia phát hiện và tố giác các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Ai phát hiện ra gian lận trong thi cử thì Bộ Giáo dục nên khen thưởng. Thì tôi đảm bảo cả nước này sẽ sạch sẽ, không còn có chuyện gian lận thi cử nữa”
Tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT vẫn là khâu hết sức quan trọng. Và việc thi cử có diễn ra trong sạch, tốt đẹp hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người chúng ta, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục.
Có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục duy trì bệnh thành tích, coi tỷ lệ kết quả đỗ tốt nghiệp cao là phản ánh chất lượng dạy và học thì cần gì tổ chức thi cho tốn kém công sức, tiền bạc. Nhà nước cứ xét và cấp bằng là xong cho đỡ tốn kém. Tuy đúng là có đỡ tốn kém hơn, nhưng mối nguy hiểm, mất mát sẽ lớn hơn rất nhiều nếu như không tổ chức thi. Ở Việt Nam lâu nay có hiện tượng, thường môn nào không phải thi, học sinh sẽ không học. Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở vừa qua, thực tế đã cho thấy hệ lụy tiêu cực đó, mất nhiều hơn được.
Tất nhiên, mọi sự thay đổi, chuyển biến phải từ từ, từng bước một. Dù sao cũng cần phải có niềm tin rằng, ngành giáo dục sẽ làm được điều mà cả xã hội đang chờ đợi trong thời gian sắp tới.
Source: RFA