Trong lãnh vực thời trang của Pháp, bạn có biết là cứ mỗi phút là có 30 sản phẩm hiệu Lacoste được bán ra trên thế giới. Doanh thu của công ty này hiện lên đến 2 tỷ đô la hàng năm (1,6 tỷ euro). Đằng sau thương hiệu mang hình con cá sấu, là cả một huyền thoại ra đời cách đây 85 năm. Ảnh chụp trích từ đoạn phim 2083 : Lacoste, thời tương lai (DR) Công ty thời trang y phục may sẵn Lacoste được chính thức thành lập vào năm 1933, nhưng thật ra logo cá sấu ra đời vào năm 1927. Vào thời đó, René Lacoste là tay vô địch quần vợt Pháp, từng đoạt 10 giải Grand Chelem. Cùng với ba đồng đội khác (Jean Borotra, Henri Cochet và Jacques Brugnon), René Lacoste đã 6 lần liên tục đoạt Cúp Davis từ năm 1927 cho đến 1932.
Làng thể thao thường mệnh danh êkíp này là 4 chàng Ngự lâm pháo thủ, bởi vì họ có phong cách thi đấu rất quý phái, tay múa vợt như hiệp sĩ khua kiếm. Nhưng trước khi chiến thắng vinh quang, đội Pháp thật ra đã nhiều lần nếm mùi thảm bại chua cay, vì trong nhiều năm trước đó, các tay vợt của Pháp đều phải nghiêng mình chịu thua hai đội Úc và Mỹ.
Mãi đến năm 1927, René Lacoste dẫn đầu đội Pháp tham gia thi đấu Cúp Davis. Do đã thua nhiều lần nên không ai tin rằng đội Pháp có hy vọng giành được thắng lợi. Một người bạn mới đánh cá với ông Lacoste rằng : nếu kỳ này đội Pháp thắng, thì ông sẽ được tặng một chiếc vali đắt tiền làm bằng da cá sấu. Rốt cuộc, đội Pháp chẳng những thắng trận mà còn giữ ngôi vị bá chủ sáu lần liên tiếp. Cũng từ năm 1927, mà ông René Lacoste được mệnh danh là Cá sấu. Mỗi lần xuất hiện trên sân quần vợt, ông René Lacoste thường mặc áo, có thêu trên ngực huy hiệu cá sấu màu xanh lá cây (huy hiệu này do một người bạn tên là Robert George thiết kế).
VIDEO Cũng cần biết rằng, vào thời đó các tay vợt nam khi ra sân thi đấu, thường mặc quần tây và áo sơmi. Ông René Lacoste là người đầu tiên nghĩ đến việc mặc áo thun tay ngắn khi chơi thể thao. Ông cũng là người đầu tiên sáng chế ra chiếc vợt bằng sắt đầu tiên vào năm 1963 mà tay vợt Jimmy Connors rất yêu thích. Kết hợp với nhà kỹ nghệ André Gillier, chủ nhân của nhiều nhà máy chuyên về ngành dệt kim (tại thành phố Troyes), ông René Lacoste thành lập công ty mang tên mình, và cho ra đời kiểu áo polo đầu tiên được may bằng vải dệt lồng sợi.
Áo polo là một loại áo thun tay ngắn nhưng thay vì có cổ tròn, lại may với cổ sơmi. Thời nay, do có một gam áo quần may sẵn mang tên là Polo, cho nên nhiều người tưởng lầm rằng áo polo là do thương hiệu Mỹ Ralph Lauren sáng chế, nhưng thật ra cha đẻ của kiểu áo polo vẫn là ông René Lacoste. Sau đó các nhãn hiệu Âu Mỹ khác chỉ gợi hứng, sao chép hoặc bắt chước.
Kể từ những năm 1950 trở đi, Lacoste ngoài việc sản xuất áo polo cho ngành quần vợt, còn sản xuất thêm các loại áo khác cho các bộ môn thể thao như đánh golf và chèo thuyền. Ban đầu chỉ có màu trắng, áo cá sấu giờ đây có đủ loại màu sắc, cũng như rất nhiều dòng sản phẩm như giầy thể thao, nước hoa, đồ da, đồng hồ, kính râm, khăn tắm …
Từ đầu thập niên 1980, Lacoste được công nhận như một thương hiệu thời trang với tầm cỡ quốc tế. Hiện nay tập đoàn này có đến hơn ba ngàn cửa hiệu và địa điểm kinh doanh chính thức tại 112 quốc gia trên thế giới. Nhưng cũng như các nhãn mác có uy tín, Lacoste trở thành nạn nhân của sự thành công của chính mình, bởi vì hiệu này nằm trong danh sách 10 nhãn mác bị sao chép nhiều nhất tại châu Á.
VIDEO Tuy doanh thu lên đến gần 2 tỷ đô la hàng năm, nhưng cho tới giờ Lacoste vẫn là một công ty gia đình, do các thế hệ con cháu của ông René Lacoste quản lý và nắm giữ. Cũng như hiệu thời trang Hermès của Pháp, hiệu Lacoste thường hay bị các tập đoàn lớn ve vãn, tìm cách mua lại cổ phần để nắm lấy quyền kiểm soát, nhưng các gia đình này vẫn tìm cách duy trì truyền thống cũng như bảo vệ các bí quyết gia truyền do cha ông để lại.
Trong những năm gần đây hơn, sự phổ biến của Lacoste ngày càng gia tăng trong nhiều tầng lớp khách hàng, do công ty này chuyên tuyển thêm các nhà thiết kế trẻ tuổi (tiêu biểu nhất là Christophe Lemaire và gần đây hơn nữa là Felipe Oliveira Baptista) để sáng tạo nhiều bộ sưu tập áo quần sportwear trẻ trung tươi tắn, với một tầm nhìn dự phóng hướng về tương lai nhưng vẫn duy trì được cái cốt cách làm nên uy tín của Lacoste.
Khi ông René Lacoste mặc chiếc áo đầu tiên có thêu con cá sấu màu xanh, có lẽ chính ông cũng không ngờ nổi là 85 năm sau, thương hiệu cá sấu lại hái ra bạc tỷ. Nhắc đến thành tựu sự nghiệp, người ta thường nghĩ đến địa vị, chức vụ, cũng như cái khoản tài sản cá nhân, để lại cho con cháu. Trong trường hợp của hiệu cá sấu, thì ban đầu là một tên riêng, nhưng nay Lacoste đã trở thành một danh từ chung. Đó mới chính là cây thước đo cho sự thành công tột bậc.
Source: RFI