Buồn kể gì, khi sống trong một thời mà sinh kế hỗn mang. Không chỉ muốn nói là chuyên kinh tế biến đổi, khi nông dân rủ nhau ra phố vì đất cứ bị quan chức giải tỏa cho dự án hoài, mà cả bầu không khí văn hóa - xã hội đang đổi sang những màu bí hiểm, hệt như có những âm mưu dàn dựng nào.
Thời đầu thế kỷ 20, ông bà mình còn đơn giản, tuy là đất nước bị lính Tây vào cai trị, phải lưạ chọn việc học chữ Tây hay chữ Tàu, và rồi một số cụ lựa chọn giải pháp là về làm ruộng -- ít nhất, lương tâm cũng an ổn.
Lúc đó, ca dao có câu:
Cậu kia cắp sách đi đâu
Cậu học chữ Tầu hay học chữ Tây?
Học chữ Tây không tiền không việc,
Học chữ Tầu ai biết ai nghe
Chi bằng về chốn thôn quê
Cấy cày còn được no nê có ngày...
Nói “không tiền, không việc” là vì Tây chọn nhân viên cũng là người biết vâng lời, và các quan chức chọn người cũng phải có tiền hối lộ cho những cửa quan trọng.
Còn học chữ Tàu thì lỗi thời rồi, ai biết và ai nghe nữa.
Nhưng thời đó, về quê làm ruộng còn sống được. Bây giờ thì tiêu rồi, về quê là con cháu hết đường học, mà không cách chi no đủ, và rồi tới lúc sẽ bị lấy đất cho dự án XHCN.
Mới biết, quan thời này còn hung dữ hơn quan thời Tây, thời vua nhà Nguyễn nữa.
Nhưng có một bí hiểm thời này: có vẻ như học chữ Tàu may ra sống được, mà lại sống giàu.
Báo Sống Mới có bản tin, tổng hợp từ báo Tiền phong/Dân trí, tựa đề “Phố Tàu xuất hiện ngày càng nhiều...”
Bản tin viết:
“Đằng sau khu công nghiệp Bình Dương nổi lên như một khu phố của người Tàu khi dân ở đây chủ yếu là người Trung Quốc, ngôn ngữ sử dụng, hàng hóa bày bán cũng là của nước này. Người Bình Dương quen gọi đây là khu phố Tàu...
Người Trung Quốc sinh sống tại Bình Dương chủ yếu làm công nhân tại những nhà máy do chủ người Trung Quốc đầu tư. Ngoài ra, họ còn mở nhà hàng, khách sạn, quán ăn, thậm chí là trường học…
Hàng hóa được bán tại đây đều được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Cả chủ cửa hàng và nhân viên của các quán ăn đều sử dụng tiếng Hoa. Ngay cả bảng giá, thực đơn cũng niêm yết bằng 2 đơn vị là Nhân dân tệ và Việt Nam đồng.
Tại Bình Dương hiện nay, ngôn ngữ được ưa chuộng nhất vẫn là tiếng Hoa, vì vậy rất nhiều trung tâm dạy tiếng Hoa do người Trung Quốc ở ra đời nhằm dạy người Việt Nam sử dụng phổ thông.
Tại Hà Tĩnh, trải dài đến 30km dọc quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Kỳ Anh, cũng mọc lên hàng trăm cửa hàng, quán ăn của người Trung Quốc…Họ còn “nhờ” người Việt Nam mua đất kinh doanh, mở cửa hàng, quán xá, đặt biển hiệu toàn chữ Trung Quốc. Chỉ riêng khu kinh tế Vũng Áng của huyện Kỳ Anh có trên 1.400 lao động, thì lao động Trung Quốc có đến 600 – 700 người...
...Sự xuất hiện của người Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập tại Việt Nam khiến người dân lo ngại về nguy cơ Tàu hóa. Bởi chính người Việt cũng đang biến đất nước mình thành những khu phố mang đậm bản sắc của Trung Quốc. Việc lấy chồng người Trung Quốc làm tại các khu công nghiệp của các cô gái Việt, rồi chuyển sang ở rể luôn nhà vợ cũng đang dần biến những ngôi nhà thuần Việt dần thành Tàu hóa. Thậm chí, nhiều công nhân Trung Quốc còn rủ thêm cả bạn bè sang làm việc và kiếm vợ tại Việt Nam… Gần đây nhất là việc chính quyền nhiều địa phương tổ chức trang trí treo lồng đèn Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, điển hình là tại phố Lê Hồng Phong (Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là con đường rộng lớn và đẹp nhất của huyện, tạo cảm giác như đang ở chính đất nước Trung Quốc vậy.”
Các cụ muốn làm ca dao thời này sẽ viết thế nào nhỉ? Hình như không ai dùng chữ “tiếng Tàu” nữa, mà viết lịch sự là “tiếng Hoa.”
Ca dao mà viết lục bát có khi lại chẳng còn thích hợp, hay là phải diễn bằng thơ ngũ ngôn, thất ngôn cho nó Tàu hóa?
Thử xem:
Học tiếng Hoa vừa nói, vừa la
Tiền phương Bắc tới như mưa sa
Học tiếng Việt vừa buồn, vừa tiếc
Tóc đuôi sam buộc khắp nhà nhà...
Xin nói nhỏ, mới học làm thơ 7 chữ, nên không đúng Đường Luật. Câu hỏi chính yếu là: Bao giờ thì đồng hóa xong nhỉ?
Theo Vietbao.com