Câu chuyện còn tiền, còn đủ thứ là chuyện muôn đời. Hỏi bất kỳ cậu trẻ nào, cô gái nhỏ nào, cho tới các ông già, bà cụ... thì ai cũng biết đồng tiền có thể mua được gần như tất cả.
Trong xóm mình ở Bình Thạnh, vẫn cứ nghe hoài ca khúc, không biết ai chế ra, có những câu rất là chân lý:
Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của lò xo,
Làm thước đo lòng người...
Thời xa xưa cũng đã thấy thế. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết những dòng thơ mà cụ gọi là Thói Đời:
Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi...
Báo Tuần Việt Nam có nói chuyện với Tiến Sĩ Mộc Quế, viện trưởng Viện quản trị doanh nghiệp, tác giả cuốn sách Xây dựng văn hóa gia đình doanh nhân... và được nghe nhận định rất đáng báo động như sau:
“Hàng ngày tôi đọc báo thường xuyên thấy tin tức về các "tai nạn" xảy ra trong nhiều gia đình. Tình trạng đó thật đau xót, đáng báo động.
Nào là đổ vỡ, ly dị, chồng đánh vợ, vợ giết chồng, vợ bỏ chồng lúc khó khăn, hoạn nạn, bỏ rơi con cái, v.v... Hậu quả tai hại để lại cả thế hệ sau. Nên mới có những chuyện như 5- 6 đứa trẻ buồn chán gia đình, cột chân vào nhau cùng nhảy xuống sông tự tử. Đây là nỗi đau của toàn xã hội, toàn dân tộc.
Có mấy người học trò của tôi là giám đốc doanh nghiệp. Thời làm ăn được, vợ chồng con cái đề huề, rất vui vẻ. Nay gặp khủng hoảng khó khăn, vợ không chịu được cực khổ, bỏ đi mất với người khác, để mặc chồng con...
...Một số thực tế sau đây có thể "nói" thay con số thông kê về thực trạng hiện nay: Nhiều cửa hàng văn hóa phẩm và photocopy bán mẫu biểu thủ tục hành chính cho biết mẫu đơn bán chạy nhất là... đơn ly hôn, sau đó là đơn khiếu nại, tranh chấp tài sản. Có nơi mỗi ngày bán hàng trăm đơn ly hôn...
...Tôi nghĩ về mặt này chúng ta có thể học tập Hàn Quốc. Tổng thống Park Chung Hee của nước này trong thời tại vị (1961 - 1979) đã xây dựng thành công nền tảng cho mô hình văn hóa gia đình thời kỳ mới trong 10 năm.
Đó là chương trình nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân với xã hội, đất nước, tinh thần tự lực tự cường; cải thiện xã hội; Phát triển đất nước lấy công nghệ khoa học kỹ thuật làm đầu. Đáng chú ý là trong xây dựng giá trị, nhân cách của con người, họ lấy "3 tự" làm đầu: Tự lực, tự trọng, tực giác. Đây là 3 giá trị lớn xây dựng nên tinh thần dân tộc...”
Một điểm tuyệt vời nhất mình nhận ra từ Tiến Sĩ Mộc Quế là tìm lấy chìa khóa “xây dựng nên tinh thần dân tộc” để bước đi.
Tại sao Tiến Sĩ Mộc Quế không nói là cần học tập Tư Tưởng Cụ Hồ? Tại sao không nói là “cần phất cao lá cờ Xã Hội Chủ Nghĩa Vĩ Đại Mác Lê Mao” như thường nghe?
Và tại sao cần tìm tinh thần dân tộc?
Vâng, đó là giá trị mà ông bà mình nhiều đời đã vui hưởng hạnh phúc. Đó là niềm vui gia đình bền vững mà ba má mình đã gìn giữ tới ngày đi về cõi.
Đó cũng là tri thức tiềm ẩn của dân tộc: rằng có những thứ không mua nổi dù là có cả khối tiền.
Thí dụ, bạn có tiền bao nhiêu đi nữa, vẫn không mua được nhan sắc, nếu bạn mũi tẹt, chân còng, lưng gù, mắt hí... Có đi Hàn Quốc mà làm đẹp cũng sẽ là dị hợm thôi.
Thí dụ, bạn có tiền, có thể mua được bằng cấp, nhưng không thể mua được trí tuệ, không thể viết lên những áng văn chương xuất sắc.
Thí dụ, bạn có tiền, có thể mua được ghế Giáo sư Đại Học ở đâu đó, nhưng bạn không giải nổi các bài toán tuyệt vời như Giáo Sư Ngô Bảo Châu.
Do vậy, có mất cô vợ vì cạn tiền, thì cũng không nên tiếc. Hãy giữ lấy những đứa con, hãy nuôi lớn thế hệ trẻ... bằng khát vọng xây dựng cho bền vững tinh thần dân tộc.
Không giữ được tinh thần dân tộc, đừng nói chi tới vợ, ngay như giang sơn cõi bờ, biển đảo trùng trùng... cũng mất mấy hồi. Có phải không.
Theo Vietbao.com