Ảnh minh họa chụp tại Sri Lanka hôm 11/5/2018. AFP
Loài người chỉ chiếm một phần rất nhỏ sự sống trên Trái Đất nhưng đã gây tác động khủng khiếp lên toàn bộ sự sống của hành tinh này.
Thông tin vừa nêu được đưa ra trong nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNSA) công bố hôm 21 tháng 5.
Cụ thể, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu kết luận loài người đã hủy diệt gần 83% động vật có vú hoang dã và phân nửa khối lượng cây xanh mặc dù loài người chỉ chiếm 0.01% sự sống trên Trái đất.
Theo PNSA, đây có thể coi là một cuộc điều tra dân số toàn cầu đầu tiên về hàng triệu sự sống trên hành tinh. Theo đó, nếu cân cả Trái đất (sinh khối), hơn bảy tỷ người vẫn không là gì so với cây, sâu và vi khuẩn…
Theo nghiên cứu này, cây cối chiếm phần lớn cân nặng của trái đất với khoảng hơn 80%, vi khuẩn chiếm 13%. Các loại nấm chiếm khoảng 2%.
Theo nhà sinh học Ron Milo thuộc Viện khoa học Weizmann của Israel, tác giả chính của nghiên cứu này, những đánh giá vừa nêu có thể không hoàn toàn chính xác, con số có thể nhiều hoặc ít hơn nhưng tối thiểu cho chúng ta ước lượng bằng con số.
Cũng theo nghiên cứu này, hiện nay số lượng gia súc thuần hóa đã gấp 14 lần động vật có vú hoang dã. Trong tương lai, thay vì các em nhỏ được học về voi, sư tử, chúng sẽ được học rằng động vật trên trái đất chỉ có heo, bò sữa và gà công nghiệp...
Nghiên cứu cũng cho thấy gia cầm nuôi chiếm 70% tổng số chim trên hành tinh, chỉ có 30% là hoang dã. 60% động vật có vú trên trái đất là vật nuôi, chủ yếu là gia súc và lợn, 36% là con người và chỉ 4% là động vật hoang dã.
Theo nhà nghiên cứu Paul Falkowski thuộc Đại học Rutgers - Hoa Kỳ, có hai điểm chính rút ra từ nghiên cứu này. Thứ nhất, con người rất hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sát hại và trong một số trường hợp hủy diệt rất nhiều loài động vật có vú hoang dã trên tất cả các lục địa vì nhiều mục đích khác nhau. Thứ hai, sinh khối của thực vật trên cạn hiện chiếm ưu thế và phần lớn thuộc dạng gỗ.
Theo RFA