Hôm 4 tháng 7, tại Sài Gòn bắt đầu diễn ra đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học (định kỳ) hàng năm. Cả nước có gần 800 ngàn thí sinh tham dự, riêng Sài Gòn có gần 300 ngàn thí sinh dự thi vào 37 trường đại học, tại 201 địa điểm thi.
Trước đó một ngày, khi các thí sinh tới trường thi để nhận phòng, chuẩn bị cho ngày thi, buổi sáng đã diễn ra tình trạng kẹt xe tại những con đường có đông các điểm thi tuyển sinh.
Trước cổng nhiều trường thi ở Sài Gòn là cảnh đông đảo phụ huynh nôn nóng chờ con. (Hình: Văn Lang/Người Việt)Không chỉ riêng các ngày thi mà mùa thi có thể kéo dài từ trước đó, vì có khoảng 15 ngàn sinh viên tình nguyện tham gia cái gọi là “tiếp sức mùa thi” kéo dài từ ngày 2 tháng 6 cho tới 15 tháng 7. Nhiệm vụ của các sinh viên này là hướng dẫn đường sá cho các thí sinh ngoại tỉnh, thủ tục thi, giúp thuê mướn phòng trọ giá rẻ,...
Ðối với dân Sài Gòn thì những chuyện trên “không thành vấn đề,” nhưng với dân các tỉnh xa về Sài Gòn dự thi thì rất nhiều vấn đề gian nan.
Theo chân một người quen ngụ tại tỉnh Lâm Ðồng, đưa con em xuống Sài Gòn dự thi vô trường Ðại Học Bách Khoa (nguyên là trường Kỹ Thuật Phú Thọ cũ). Rảo quanh các khách sạn mini quanh khu vực thi của Ðại Học Bách Khoa, những nơi mà thường ngày có giá từ 200 ngàn đồng tới 250 ngàn đồng một đêm, thì nay giá đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, nhưng đều đã hết phòng, vì theo chủ các khách sạn mini thì phòng đã được thân nhân của các thí sinh “đặt cọc” trước cả tháng.
Vừa than đắt, người quen của chúng tôi vừa xin chủ khách sạn cho gặp để thương lượng xin “share” phòng với khách thuê, nhưng chủ các phòng thuê đều từ chối với lý do là phòng đã quá chật. Hầu hết các thí sinh thuê phòng gần trường thi thường có tới vài ba thân nhân đi theo để “hộ tống”...
Không muốn đi quá xa khu vực trường thi, vì sợ rủi ro kẹt xe là “lỡ dở” mất một mùa thi của thí sinh, kèm theo với biết bao nhiêu hệ lụy ngoài ý muốn. Người quen của chúng tôi “chắt lưỡi” tính theo kiếu “binh pháp của Tôn Tử,” lỡ nuôi con 12 năm không tiếc, sá gì một mùa thi, liều chơi “sang” một cái, ra hẳn mấy khách sạn lớn mặt tiền đường, chấp nhận trả giá từ 1 triệu rưỡi tới 2 triệu đồng một đêm, miễn sao 3 ngày thi con em mình có được chỗ ở tốt, yên tâm đi thi làm được bài là mãn nguyện rồi, không cần phải tính toán làm chi. Dù sau này có phải “chắt bóp” từng đồng cũng cam lòng.
Cảnh chờ chực trước các địa điểm thi đại học. (Hình: Văn Lang/Người Việt)Yên tâm bước vô một khách sạn lớn nằm ngay trên đường Lý Thường Kiệt, gần trường Ðại Học Bách Khoa, chưa kịp gặp tiếp tân, thì nhân viên bảo vệ đã hất hàm hỏi đi đâu, thuê phòng hay đặt phòng thi? Khi chúng tôi nói đi đặt phòng cho con em mình đi thi, thì nhân viên bảo vệ nói ngay để chúng tôi khỏi phải gởi xe: “Giờ này làm gì còn phòng nữa mà đặt, đầy nhóc hết rồi!” Nghe vậy chúng tôi đành lủi thủi, thất vọng dắt xe “ô-rờ-lui”...
Về nhà, tìm hiểu lại chúng tôi mới biết tình trạng “cháy phòng” tại mấy khu như làng Ðại Học Thủ Ðức còn dữ hơn nữa, vì ở khu vực này đi lại khó khăn nên thí sinh có được một chỗ ở trọ là may mắn lắm, phòng tuy đặt trước cả tháng, nhưng cũng phải năm tới bẩy em chung một phòng chỉ mười mấy mét vuông, với giá cả xê dịch từ 500 tới 700 ngàn đồng một phòng.
Nhưng tại một số tỉnh, theo chúng tôi được biết thì nhiều chùa làm từ thiện bằng cách thuê xe cho các thí sinh xuống Sài Gòn thi miễn phí, không những vậy lại còn liên hệ với các chùa ở Sài Gòn lo chỗ ở miễn phí đồng thời lo luôn phần cơm chay cho các thí sinh đi thi.
Một số hội đồng hương thuộc miền Trung cũng đứng ra lo bố trí việc ăn ở cho các thí sinh thuộc tỉnh nhà hoàn toàn miễn phí trong suốt mùa thi, với khẩu hiệu: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta!”
Dù gian nan, khó khăn cỡ nào, khi giờ “G” điểm thì bằng mọi giá, mọi phương tiện với tình thương bao la, các bậc phụ huynh đều “tháp tùng” các thí sinh tới trường thi một cách an toàn.
Sáng mùng 4 tháng 7, chúng tôi đứng xen trong hàng người chen chúc chờ các sĩ tử đi thi trước cổng trường thi thuộc Ðại Học Bách Khoa.
Hỏi thăm một cô gái, cô cho biết quê cô ở Lâm Ðồng, đang làm công nhân tại Sài Gòn, thuê nhà tận quận 12, đưa em trai đi thi, hai chị em dời phòng trọ từ lúc 5 giờ sáng để tránh bị kẹt xe.
Gần 10 giờ sáng, khi các tình nguyện viên “tiếp sức mùa thi “ căng dây làm “rào chắn” chuẩn bị đón các thi sinh tan giờ. Mọi người hồi hộp, chen lấn đầy vỉa hè phía đối diện cổng trường thi để mong sớm nhận ra con em mình, dù còn khoảng 15 phút nữa mới tới giờ các thí sinh ra. Một vị phụ huynh lên tiếng: “Con tui đi thi mà sao tui thấy hồi hộp quá!”
10 giờ 25, lác đác vài thí sinh đi ra. Một chàng trai đưa em đi thi, tỏ vẻ am hiểu, nhận xét: “Ðề toán năm nay chắc tương đối dễ, nên ít có thí sinh bỏ về sớm, chứ năm trước đề khó, thí sinh bỏ về quá trời luôn!”
Một thí sinh ra gặp cha mà mặt buồn hiu, lắc đầu nói lí nhí: “Khó quá! Con làm không được!” Người cha kêu lên thảng thốt: “Nói thiệt hay chơi vậy con?”
Ða số thí sinh ra gặp phụ huynh đều cho biết môn Toán sáng nay các em chỉ làm được khoảng 50 tới 60% (khoảng 5 tới 6 điểm).
Riêng một cậu học trò mặt mũi trắng trẻo nói giọng Huế, gặp cha là nói ngay: “Chín điểm!” Hai cha con “đập” tay nhau tỏ vẻ rất hoan hỉ. Người cha còn quay qua chia vui với chúng tôi: “Sáng nay vậy là ngon rồi!”
Khi cánh cổng trường thi đã mở toang, chỉ còn lác đác vài thí sinh lững thững đi ra, vẫn còn một dì đứng trước cổng trường thi ngóng con: “Chu Choa! Mần răng mà giờ ni hắn chưa chịu ra hè!”
Vui buồn của một mùa thi rồi cũng sẽ khép lại, để mỗi năm “đến hẹn lại lên” Sài Gòn lại chộn rộn đón một mùa thi mới. Số lượng thí sinh mỗi năm mỗi tăng, nhưng nền giáo dục tại Việt Nam cũng chưa sánh ngang với các nước trong khu vực.
Trong khi giới đầu tư nước ngoài nhiều lần lên tiếng than phiền về trình độ chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam. Với tinh thần chịu thương, chịu khó, hiếu học của người Việt, cộng thêm sự hy sinh hết lòng cho tương lai của con cái, vậy mà không biết đến bao giờ trí tuệ Việt mới thực sự cất cánh?
Câu hỏi thực sự đặt ra cho giới chức giáo dục Việt Nam hay “gánh nặng” ấy lại được đặt lên vai các thí sinh của ngày hôm nay?
Theo Báo Người Việt