‘Mẹ Vắng Nhà’ – phim bị cấm chiếu ở Việt Nam sẽ ra mắt tại báo Người ViệtLuật Sư Trịnh Hội, người sáng lập, cũng là giám đốc điều hành của VOICE, cùng poster quảng cáo phim "Mẹ Vắng Nhà" trên báo Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – “Mẹ Vắng Nhà” – cuốn phim tài liệu bị cấm chiếu ở Việt Nam và Thái Lan sẽ được trình chiếu lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy, 2018, tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
“Mẹ Vắng Nhà” do VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment, tức “Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại”) phát hành vào Tháng Sáu vừa qua.
“Mẹ Vắng Nhà” được chiếu ra mắt lần đầu tiên tại Trụ Sở Phóng Viên Ngoại quốc ở Thái Lan (FCCT) vào ngày 27 Tháng Sáu cho báo giới tại đây xem và gây nên sự xúc động nơi những phóng viên, nhà báo có mặt.
Nhưng khi bộ phim quảng cáo chiếu rộng rãi lần thứ hai, cũng tại Thái Lan, vào ngày 4 Tháng Bảy, cho nhiều người được đến xem theo đề nghị của chủ tịch FCCC, thì Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bangkok lên tiếng, buộc chính phủ Thái Lan phải ra lệnh cấm chiếu “Mẹ Vắng Nhà.”
Luật Sư Trịnh Hội, người sáng lập, cũng là giám đốc điều hành của VOICE, cho biết, “’Mẹ Vắng Nhà’ là cuốn phim tài liệu đầu tiên nói về một gia đình tù nhân lương tâm của Việt Nam, đó là gia đình cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, trong đó có cô Lan là mẹ của Quỳnh, mẹ của cô Lan, tức bà ngoại của Quỳnh, và hai bé Nấm và Gấu, con của Mẹ Nấm.”
“Như quý vị biết, VOICE luôn theo đuổi hai mục đích, thứ nhất là giúp đỡ những người Việt tị nạn còn kẹt ở Đông Nam Á, thứ hai là giúp phát triển xã hội dân sự Việt Nam bằng cách đào tạo một thế hệ mới. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những thực tập sinh đầu tiên của VOICE vào năm 2012,” anh cho biết thêm.
Theo người sáng lập VOICE, khi blogger Mẹ Nấm bị kêu 10 năm tù vào Tháng Mời Một, 2017, những thành viên của VOICE không muốn chỉ làm công việc viết thư vận động, đi tranh đấu cho cô, mà họ muốn “làm một cuốn phim tài liệu chân thật về một tù nhân lương tâm như Mẹ Nấm.”
“Rất may chúng tôi đã tìm được Clay Phạm, một đạo diễn độc lập, trẻ tuổi, sẵn sàng làm cuốn phim này, vì ai cũng biết, điều khó nhất khi thực hiện cuốn phim này chính là sự nguy hiểm mang đến cho bản thân người thực hiện. Quả nhiên, khi chính quyền Việt Nam phát giác ra Clay Phạm, anh đã bị cấm rời khỏi Việt Nam,” Luật Sư Hội nói.
Tuy nhiên, như anh nhận xét, “Khi cuốn phim bị cấm chiếu thì kịch bản không ai biết trước được là nhiều người bỗng nhiên biết đến cuốn phim này.”
“Tôi nghĩ nếu lần thứ hai đó mà phim được chiếu thì chắc chừng cũng chỉ 50-70 người đến xem. Nhưng vì BBC, Bangkok Post, những trung tâm báo chí của Nhật,… từng có mặt xem cuốn phim trước đó, giờ thấy phim bị cấm, thì trên các báo đều xuất hiện bài viết liên quan đến chuyện này, trong đó có bài đăng trên Bangkok Post bằng tiếng Anh, trên BBC bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh,… Thế là cuốn phim bỗng trở nên nổi tiếng,” anh nói.
Người đứng đầu tổ chức VOICE cười, “Tôi thành thật cám ơn quý vị dư luận viên của đảng CSVN đã quảng cáo cho cuốn phim quá hữu hiệu, vì VOICE sẽ không bao giờ có tiền để quảng cáo cuốn phim hay như vậy.”
Trịnh Hội (trái), giám đốc điều hành Voice, đang trả lời cho con trai là bé Trịnh Phi, 8 tuổi, những thắc mắc của bé liên quan đến quảng cáo phim “Mẹ Vắng Nhà”. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo Trịnh Hội, cho đến nay, đã có trên 100 lời mời mang phim “Mẹ Vắng Nhà” đi chiếu khắp nơi, và lần chiếu đầu tiên tại Mỹ đã diễn ra ở Houston, Texas, hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy, với hơn 1,500 người đến xem.
Cũng trong lần chiếu đầu tiên này, người xem phim đã đóng góp được khoảng $14,000.
Anh chia sẻ, “Mục đích của chúng tôi khi làm phim này là đem câu chuyện của Mẹ Nấm, đại điện cho những tù nhân lương tâm, ra ngoài thế giới, chứ không phải để đi gây quỹ. Tuy nhiên, mặc dù phim chiếu miễn phí, nhưng khán giả ở Houston sau khi xem phim, nói chuyện ‘viễn liên’ với cô Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, và đạo diễn Clay Phạm, thì sự đóng góp của đồng bào đến hôm nay đã lên đến con số khoảng $14,000.”
“Tôi và cô Lan có bàn với nhau là từ đây về sau mọi sự đóng góp, nếu có, sẽ được chia ra làm ba phần đồng đều: một phần ba dành cho việc chăm lo chuyện học hành của Nấm và Gấu trong tương lai; một phần ba dành cho các gia đình tù nhân lương tâm khác, và một phần ba còn lại dành cho những dự án nhân quyền kế tiếp,” anh cho biết.
Phim “Mẹ Vắng Nhà” dài 40 phút, đối thoại bằng tiếng Việt, có phụ đề Anh Ngữ để giúp cho những người trẻ có thể hiểu thêm về tình hình nhân quyền, về đời sống của người dân tại Việt Nam.
“Rất mong quý vị đến xem phim và hiểu mục đích cuốn phim là để cho càng nhiều người biết đến câu chuyện các tù nhân lương tâm càng nhiều càng tốt, chứ không phải mục đích để gây quỹ,” Luật Sư Trịnh Hội kêu gọi.
Sau buổi chiếu phim, khán giả sẽ có buổi trò chuyện trực tiếp với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm, và đạo diễn Clay Phạm hiện đang ẩn náu ở Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù vào cuối Tháng Mười Một, 2017, theo Điều 88, tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước.” Trước đó, blogger này tham gia vào các hoạt động biểu tình phản đối Formosa, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.
Tháng Sáu, 2018, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và được đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Trước đó, năm 2010, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Hellman/Hammett của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền. Năm 2015, cô đoạt giải Người Bảo Vệ Quyền Dân Sự của tổ chức Civil Rights Defenders. Năm 2017 cô được giải Phụ Nữ Dũng Cảm Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Buổi chiếu phim “Mẹ Vắng Nhà” sẽ bắt đầu đúng 5 giờ chiều Thứ Bảy, 28 Tháng Bảy, 2018 tại hội trường nhật báo Người Việt, vào cửa miễn phí.
Ngọc Lan/Người Việt