Tháng 8 năm ngoái, để quảng cáo cho cuốn phim “Phoenix Forgotten”, công ty 20th Century Fox làm một cuộc thăm dò ý kiến để xem người dân Mỹ nghĩ gì về người hành tinh. Kết quả khá bất ngờ là có tới gần một nửa dân Mỹ (47%) tin là có người ngoài hành tinh, và cũng khoảng bằng con số đó tin rằng người hành tinh đã từng ghé thăm trái đất.
Cuốn phim “Phoenix Forgotten” là một câu chuyện khoa học giả tưởng dựa trên một hiện tượng có thật xảy ra ngày 13 tháng 3 năm 1997 khi có những đốm sáng xuất hiện trên bầu trời thành phố Phoenix. Đạo diễn Justin Barber đã lồng vào câu chuyện tưởng tượng những tình tiết làm cho người hành tinh có vẻ rất đáng sợ, có lẽ để câu khán giả. Vì nếu hiện tượng những đốm sáng trên bầu trời Phoenix thật sự là của người hành tinh thì quả tình những người hành tinh này hiền khô, vì không một người nào trên trái đất bị hại, và những người hành tinh này đến rồi đi không để lại dấu vết hay thông điệp nào.
Mới đây, tài tử gạo cội Kurt Russell cho biết ông đã từng chứng kiến tận mắt thấy những đốm ánh sáng trên không trung không biết là vật gì khi ông đang lái chiếc phi cơ riêng cùng với người con trai và sau đó đã kể lại câu chuyện.
Mặc dù cuộc thăm dò của hãng phim 20th Century Fox không hẳn là một cuộc thăm dò mang tính khoa học, và hơn nữa, những câu hỏi lại có vẻ khôi hài. Chẳng hạn trong bảng thăm dò có những câu như: “Bạn có tin người hành tinh bắt cóc người trên trái đất không?”, hoặc, “Bạn có sẵn lòng tình nguyện chịu để người hành tinh bắt cóc không?” Tuy nhiên, với kết quả thăm dò trên cho ta thấy một điều khá thú vị rằng quả thật có một con số khá đông dân chúng Mỹ tin rầng ngoài con người trên trái đất còn có những giống người khác từ những hành tinh khác với chúng ta.
Tuy nhiên có điều còn ngạc nhiên hơn nữa là không chỉ người dân bình thường tin là có người hành tinh mà thậm chí có một số khoa học gia cũng tin là có người hành tinh. Trong số đó, nổi tiếng nhất là nhà vật lý Enrico Fermi.
Enrico Fermi không phải là một khoa học gia bình thường. Ông được người đời đặt cho danh hiệu là “kiến trúc sư của bom nguyên tử”, đồng thời cũng là cha đẻ của ngành nghiên cứu phóng xạ, khôi nguyên của giải Nobel về vật lý, và là khoa học gia đóng góp rất nhiều cho những công trình mở đường cho các nghiên cứu của ngành cơ khí lượng tử và vật lý lý thuyết. Với bộ óc tưởng tượng siêu việt đó, Fermi cũng tin rằng đâu đó ở ngoài vũ trụ bao la kia còn có những giống người ở hành tinh khác.
Ông đưa ra lý thuyết mà về sau được người đời gọi là “Nghịch lý Fermi”. Lý thuyết đó có thể tóm gọn như sau: Nếu vũ trụ bao la như thế thì xác suất để có những giống người có trí khôn như chúng ta ở những hành tinh khác gần như chắc chắn phải có. Với vũ trụ được tính ra là có tới 14 tỷ năm tuổi, thì đây chắc hẳn là khoảng thời gian đủ dài để những người ở hành tinh khác đã phải đến tìm loài người chúng ta rồi. Vậy những người hành tinh này đang ở đâu?
Fermi cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi người hành tinh đang ở đâu. Ông cho rằng trái đất và các vì sao là một phần của hệ hành tinh còn rất trẻ nếu so với phần còn lại của vũ trụ, và việc du hành giữa các vì sao là điều có thể làm được tương đối dễ dàng. Nếu thế thì nay đáng lẽ ra người hành tinh đã phải ghé thăm trái đất rồi chứ.
Fermi cho rằng bất cứ một nền văn minh nào nếu vừa nắm được trong tay những kỹ thuật hoả tiễn lại vừa có tham vọng bành trướng nữa thì có thể nhanh chóng chiếm cứ toàn bộ dải ngân hà. Trong vòng mười triệu năm, tất cả mọi dải ngân hà trong vũ trụ có thể bị thâu tóm lại dưới một đế chế. Mười triệu năm nghe ra có vẻ lâu qúa, nhưng trên thực tế, đây chỉ là một thời gian rất ngắn nếu đem so sánh với tuổi của dải ngân hà của chúng ta là khoảng 10 tỷ năm. Vậy thì để chiếm giữ dải ngân hà có thể xem là một việc làm nhanh chóng.
Nghịch lý Fermi được đưa ra năm 1950 và đã làm nhiều khoa học gia lúc đó phải gãi đầu bứt tóc vì không tin được điều tưởng là đơn giản nhưng đầy nghịch lý đó. Enrico Fermi mất năm 1954, và kể từ đó đến nay, những cuộc tranh luận xoay quanh những điều Fermi đưa ra về người hành tinh vẫn chưa ngớt.
Mỗi khi nói tới người hành tinh, có ba giả thuyết căn bản thường được người ta nói đến, ba giả thuyết này có thể chia thành ba môn phái với các môn đồ được lựa ra tuỳ theo lòng tin của người đó vào giả thuyết nào.
Một: Không có người hành tinh hiện hữu, và người hành tinh cũng chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu và khi nào. Qua nhiều thế kỷ cố gắng thử tìm kiếm trên bầu trời xem có những hành tinh nào giống như trái đất của chúng ta hay không, các nhà nghiên cứu vũ trụ trong hai thập niên qua đã dần dần mở khoá được chiếc hộp thần bí của vũ trụ. Đến nay người ta phỏng đón có thể có tới 500 tỷ tỷ (lập lại hai lần) những ngôi sao tương tự như mặt trời, và với 100 tỷ tỷ hành tinh giống như trái đất. Và khi loài người chúng ta càng hiểu biết thêm về vũ trụ thì càng thấy không thể tin rằng ngoài trái đất còn có những hành tinh khác có cưu mang sự sống giống như chúng ta vậy.
Hai: Sự sống ở ngoài kia là có – nhưng không có trí khôn. Một số khoa học gia tiên đoán trong khoảng từ 10 đến 30 năm tới chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng là có sự sống trên Hoả tinh hay trên một mặt trăng thật xa xôi nào đó. Sự sống ở đây có thể ở dạng vi khuẩn hay rong tảo.
Nếu giả thuyết này đúng thì ta cần phải truy vấn một câu hỏi phức tạp hơn: Điều gì đã ngăn cản để những phân tử ngoài kia không thể kết hợp lại để tạo thành những sự sống có trí khôn như loài người?
Hãy thử xem lại tất cả những yếu tố cần có để tạo nên con người. Trước hết là dấu hiệu của sự sống loé lên, theo sau là sự tác tạo của những tế bào đơn, kế đến là những sinh vật đa bào phức tạp, sau đó là sự thành hình của các bộ phận như tim, óc. Nếu trí khôn giống như loài người là điều quý hiếm, vậy thì một trong những bước nói trên là không thể không có. Ví dụ, người ta thấy trên trái đất có hàng nhiều triệu chủng loại có sự sống, nhưng chỉ một loại duy nhất là tạo dựng được một nền văn minh chung mà chúng ta biết tới ngày nay: đó là chính loài người chúng ta. Sự im lặng tương đối của vũ trụ ngầm gợi ý cho thấy rằng phải chăng có một “bộ lọc vĩ đại” sàng lọc và giới hạn việc tạo dựng thêm những giống người có trí khôn như loài người. Điều đáng ngại hơn nữa, có một số nhà khoa học tin rằng rất có thể “bộ lọc” này không phải thuộc về quá khứ mà đang ở trong tương lai của chúng ta; và do đó không hẳn là sự sống có trí khôn hiếm, mà là sự sống đó hiện hữu được một vài ngàn năm trước khi bị tiêu diệt hay tự biến mất vì những lý do bí ần nào đó.
Ba: Sự sống có trí khôn đang có ngoài kia – nhưng hiện hữu một cách âm thầm. Một điều có thể là vì loài người chúng ta là giống còn quá căn bản và sơ khai, bị những nền văn minh tiến bộ ngoài kia coi thường và không thèm tiếp xúc. Hoặc có thể vì những nền văn minh khác ngoài kia biết rằng nếu để cho chúng ta biết sự hiện hữu của họ thì có nguy cơ đưa họ đến sự diệt vong dưới bàn tay của giống người thích bạo động, gây hấn và ưa đi xâm chiếm. Hoặc có thể là vì thái dương hệ của chúng ta vô tình nằm ở một góc kẹt âm thầm nào đó của vũ trụ, một sự ngẫu nhiên của địa dư vũ trụ.
Ba điều trên chỉ là giả thuyết, và vì vậy có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Và nếu quả thật chỉ khoảng 10 năm nữa thôi loài người có thể tìm được bằng chứng về sự sống ở ngoài kia, vậy thì 10 năm cũng không phải là thời gian quá dài và chúng ta có thể chờ để có câu trả lời thoả đáng.
Enrico Fermi lần đầu lập thuyết “Nghịch lý Fermi” khá lâu trước khi các nhà khoa học tìm ra được những hành tinh nằm ngoài thái dương hệ của chúng ta. Đến nay đã có hơn 3,000 hành tinh được tìm thấy, và gần đây mới tìm được thêm một số nữa. Với con số các hành tinh mà loài người tìm được bên ngoài thái dương hệ cho chúng ta có lý do để tin rằng sự sống ngoài kia không chỉ có, mà có thể có nhiều là đằng khác.
Vả lại, vũ trụ bao la thế kia mà chỉ có độc một mình chúng ta cư ngụ thôi thì buồn vô cùng. Phải có thêm hàng xóm, cho dù xa hay gần, thì cuộc sống mới vui và nhộn nhịp.
Huy Lâm