Dù ngày hiền mẫu (Mother's Day) đã qua lâu, lễ Vu Lan thì lại chưa đến, “nhưng đối với những người con may mắn còn mẹ trên đời, thì hãy xem ngày nào cũng là ngày của mẹ để tri ân và yêu thương mẹ của mình”, chị Kim Ngân, đại diện cho Viện Việt Học đã chia sẻ như vậy và cũng chính trong tâm tình này, đã hình thành nên “Đêm Hát Cho Mẹ và Giới Thiệu Thi Tập Vương Lệ Phi” vào tối Thứ Sáu, 28-6-2013 tuần qua, tại khán phòng Viện Việt Học, với sự hiện diện rất đông những thân hữu Viện Việt Học và tác giả Vương Lệ Phi cùng 6 người con, dâu, rể, cháu nội, ngoại, tề tựu đông đủ bên tác giả, rất đỗi ân tình.
Từ khi khai mạc đến lúc chia tay, không khí đêm nhạc lúc nào cũng đầm ấm, lưu luyến và thân tình như trong một đại gia đình. Những giọng hát của Kim Yến, Vân Khanh, Bảo Nam, Kim Hằng, Andy đong đầy cảm xúc, cùng tiếng hát tài tử của con trai, con gái và con dâu tác giả Vương Lệ Phi, là những điểm nhấn duyên dáng, tăng thêm phần đặc sắc cho chương trình, níu giữ người tham dự ở lại thưởng thức đến tận phúc cuối.
Thi tập của Vương Lệ Phi
Đối với nhiều độc giả yêu thơ, tác giả Vương Lệ Phi là một cái tên khá mới, bởi những sáng tác thi ca của bà từ trước đến nay, chỉ dừng lại trong không gian hạn hẹp của gia đình và thân nhân, bè bạn của tác giả. Lần này, những người con của bà tập hợp các sáng tác của mẹ để in thành thi tập, trình bày trang nhã, và được sự trợ giúp của Viện Việt Học, nên gia đình đã đứng ra tổ chức buổi giới thiệu tập thơ đến với đồng hương gần xa
Ca sĩ Kim Yến nồng nàn trong nhạc phẩm “Thuyền Viễn Xứ” mở đầu “Đêm nhạc hát cho mẹ”
Theo trích dẫn từ quyển thi tập Vương Lệ Phi có đoạn giới thiệu tác giả: “Bà Vương Thị Lệ Phi sinh quán tại làng Ngân Giang, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bà sinh năm 1937, sinh ra và lớn lên trong bối cảnh loạn lạc, cha mất sớm, bà ở cùng thân mẫu và em trai. Bà lập gia đình từ năm 18 tuổi, từ đó bà sinh sống ở nhiều nơi và luôn là một người vợ đảm đang thầm lặng, bỏ hết thì giờ chăn sóc chồng, con. Từ năm 1986, sau khi tất cả các con bà rời khỏi Việt Nam vượt biên, thơ của bà cũng viết ra từ đó. Đọc thơ bà, ta có thể cảm nhận ngay tác giả đã tự mình chia sẻ cảm xúc với chính mình. Đó phải chăng là cái tâm lý của đa số người mẹ Việt Nam sống trong thời chiến, đã phải bươn chải làm việc vất vả để nuôi gia đình mà còn gánh chịu và chấp nhận tất cả những tác động của xã hội đến gia đình mình”.
Tâm sự với người viết, bà nói: “Khi sáu người con của tôi đi vượt biên, tôi viết ra những câu thơ tựa như nỗi lòng, cảm xúc của mình, như một cách ghi lại nhật ký, nhưng là bằng thơ. Tôi ghi lại những âu lo, những nỗi buồn, những biến chuyển trong đời sống khi xa vắng các con. Khi qua Hoa Kỳ đoàn tụ cùng các con vào năm 1991, tôi có đem theo những trang thơ giấy đã ngả màu vàng úa, không bao lâu, các con biết, đã xin phép tôi được in lại tập 1 vào năm 1996. Sau đó các con tiếp tục in tiếp tập 2, gồm những bài thơ tôi viết trong suốt thời gian qua Mỹ đoàn tụ cùng các con. Mới đây, cách nay vài tháng, cậu con trai thứ năm của tôi xin phép tập hợp lại tập 1, tập 2 và những bài thơ gần đây nhất của tôi để in thành một tập, vì thấy tôi sức khỏe yếu nhiều, có lẽ không còn làm thơ được nữa. May mắn lại được Viện Việt Học đồng ý thực hiện đêm nhạc chủ đề “Hát Cho Mẹ” kết hợp để giới thiệu thi tập của tôi, khiến tôi cảm động vô cùng. Tôi cảm động vì tình cảm của Viện Việt Học dành cho cá nhân tôi và những vần thơ mộc mạc của tôi, riêng các con của tôi, vì muốn đem lại niềm vui cuối đời cho mẹ, đã đứng ra thực hiện chương trình này. Tôi rất hạnh phúc.”
Vốn là người phụ nữ, nên thơ của Vượng Lệ Phi là tiếng nói của người con, người chị, người vợ, người mẹ, người bà. Nét nổi bật trong thơ của bà là mỗi bài thơ như một câu chuyện kể. Lời tự sự vì thế mà tràn ngập trong thơ của bà. Dẫu biết rằng yếu tố tự sự không phải là đặc tính thiết yếu của thơ, nếu dễ dãi, thiếu vốn sống, thiếu sức khái quát tổng hợp thì sẽ rơi vào dài dòng, lê thê, lời nhiều ý ít và sẽ làm giảm chất thơ. Nhưng Vương Lệ Phi đã khéo léo đưa yếu tố này vào thơ của mình tạo nên những vần thơ gây nên sự chú ý. “Ai về xứ Quảng Ngân Giang. Cho ta nhắn gửi đôi lời nhớ thương. Phố bao kỷ niệm êm đềm. Phố ngày xuân đến mai vàng nở hoa. Phố câu chúc tết ngây thơ. Phố bao ước hẹn đợi chờ sớm hôm. Phố thương tiếng mẹ gọi con. Tiếng mời trà bánh dạ thưa ngọt ngào. Ngày nay dù sống ly hương. Sông Trà, núi Ấn nhớ thương mỏi mòn.” (Phố Ngân Giang- Vương Lệ Phi).
“Bà giờ tuổi đã bảy lăm. Các cháu nội, ngoại, nữ, nam đủ mười. Tóc xanh cháu dệt tương lai. Còn bà tóc trắng, chờ ngày ra đi. Ra đi, bà chẳng để gì. Chỉ mong các cháu nhớ ghi vài điều. Đừng nên tham lắm, muốn nhiều. Hãy vui, biết giữ những điều trời ban... Đời bà chẳng giỏi, giàu gì. Làm lành, tránh dữ, để con cháu nhờ. Cuộc đời hung hiểm không ngờ. Có cây Phước Đức sẵn sàng chở che. Trời mưa, trời nắng, chẳng e. Tai qua nạn khỏi, thuận ghe xuôi dòng...” (Bà cho các cháu- sáng tác 2013-Vương Lệ Phi)
“Má ơi, con muốn đi xa. Mặc cho sóng gió bão tràn đại dương. Quê hương mình quá đau thương. Con nhìn thấy cảnh tù đày, thiếu ăn. Sống mà lo sợ hằng ngày. Thôi đành bỏ xứ, xa nhà má ơi. Hai hàng lệ chảy ròng ròng. Con ơi má sợ, làm sao bây giờ? Chắp tay má lạy Phật, Trời. Thương cho con trẻ ra đi yên lành.” (Sáng tác năm 1980- Vương Lệ Phi).
Thơ của bà dù chưa có những bài thật sự đặc biệt nhưng nhìn chung thơ bà viết có hồn, để lại ấn tượng sâu lắng. Đó là cảm xúc của một con người có những trải nghiệm, va chạm với thực tế đời sống, một con người có cái nhìn tinh tế nhạy cảm, có lối sống nội tâm phong phú. Câu chữ, ý tứ, hình ảnh... trong thơ bà cũng đã chạm đến phần nào của chương sử bi thương của đồng bào miền Nam, khi có hàng ngàn người quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ gia đình, tài sản và kỷ niệm, để vượt biển ra đi trên những con tàu mong manh tìm đến bến bờ tự do, sau tháng 4 năm 1975.
Trong phần giới thiệu thi tập Vương Lệ Phi do MC Lê Tấn Phước, Trần Văn Thưởng, bác sĩ Hữu đảm nhận, còn có sự xuất hiện của một thân hữu Viện Việt Học, là cụ bà Trần Quốc Hương, tuổi đời đã 93, từng in tập thơ cá nhân và nay tuổi cao, nhưng vẫn còn minh mẫn và tiếp tục làm thơ, đã lên trò chuyện, gửi lời ngợi khen tác giả Vương Lệ Phi và cụ bà đã đọc một bài thơ ngắn mới sáng tác gần đây của mình, đem lại nhiều thích thú cho người tham dự.
Cảm xúc cùng các ca sĩ với “Đêm hát cho mẹ”
Nhưng có lẽ lưu giữ mọi người ở lại đến phút cuối của chương trình, chính là những giọng hát ngọt ngào, sâu lắng của các ca sĩ thân hữu Viện Việt Học và tiếng đàn key board hòa thanh của nhạc sĩ Huy Cường, qua những ca khúc trữ tình, gửi tặng khán giả một không gian âm nhạc ấm cúng và chỉ có cảm xúc từ giọng hát hòa với âm nhạc, giai điệu của những bản nhạc làm mê say lòng người.
Tác giả Vương Lệ Phi ký tặng sách cho người tham dự
Những ca khúc được chọn lọc và thể hiện trong đêm nhạc đã đọng lại trong lòng người nghe một chút gì đó miên man, day dứt. Bởi giai điệu đẹp, tràn đầy yêu thương, tiết tấu khoan thai, nhẹ nhàng, nội dung da diết, sâu lắng. Là những cung bậc của nỗi nhớ và tình cảm mà các nhạc sĩ gửi gắm vào ca khúc, được chuyên chở qua những tiếng hát ngọt ngào, không chút phô diễn kỹ thuật, làm cho người nghe nhớ mãi. Khán giả đã có gần 2 giờ để cùng nghe ca sĩ Kim Hằng chìm đắm cảm xúc với “Nghìn trùng xa cách” (Phạm Duy), “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang), “Gửi gió cho mây ngàn bay” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh). Vân Khanh mãnh liệt với Ca dao mẹ (Trịnh Công Sơn), “Hãy yêu nhau đi” (Trịnh Công Sơn), Mother Of Mine (nhạc ngoại). Bảo Nam da diết với “Quê hương tôi tuổi thơ” , “Cho tôi lại từ đầu” (Nhạc và lời Trần Quang Lộc), “Giấc mơ hồi hương” (Nhạc và lời Vũ Thành), “Bài ca hạnh ngộ” (Lê Uyên Phương), “Khúc Thụy Du” (Lời: Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng). Andy nồng ấm và truyền cảm khiến mọi người thêm nao lòng với “Mời em về”, “Trả lời thư em” (Trần Quang Lộc). Những giọng ca tài tử của con trai tác giả Vương Lệ Phi, Trọng Thụy với “Để quên con tim” (Đức Huy), con gái Thiên Thanh với “Như cánh vạc bay” (Trịnh Công Sơn), con dâu Diễm với “Bảy ngày đợi mong” (Trần Thiện Thanh) là những tiếng hát rất hồn nhiên, dễ thương, và chứa chan tình cảm.
Nhưng ấn tượng nhất với người nghe vẫn là tiếng hát của Kim Yến với “Thuyền Viễn xứ” (Phạm Duy), “Một lần viên miễn xót xa” (Nguyễn Đức Thành), “Khóc mẹ đêm mưa” (Anh Bằng), “Biết bao giờ trở lại” (Ngô Thụy Miên)… Chị là người mở đầu và cũng là người hát những ca khúc như một lời kết cho đêm nhạc chủ đề “Đêm hát cho mẹ”.
Từ trái qua phải, cụ bà Trần Quốc Hương (93 tuổi) và tác giả Vương Lệ Phi cùng trao tặng cho nhau tập thơ của mình
Giọng hát đẹp của ca sĩ Kim Yến đã chạm sâu vào trái tim người nghe đầy thuyết phục. Khi cất giọng, lời ca của chị tuôn ra tự nhiên, phiêu theo cảm xúc rất đỗi nồng nàn. Giọng hát cảm xúc và kỹ thuật của chị có thể lên được những nốt cao trong trẻo, chót vót mà vẫn rất sang, bay bổng và mượt mà.
Mục đích của đêm nhạc không chỉ là giải trí và quảng bá thi tập của tác giả Vương Lệ Phi đến mọi người, mà còn truyền cho những người tham dự một thông điệp về tình thân ái của người Việt sống xa quê và trách nhiệm giữ gìn hồn Việt nơi xứ người. Đẹp biết bao khi ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn được những người con lìa xa đất mẹ, luôn giữ gìn và làm đẹp thêm qua những vần thơ thắm đượm ý tình. Ban tổ chức đã tạo được sự đầm ấm, thân tình và để lại dấu ấn đẹp với mỗi người tham dự, khi ra về, mỗi người đều được trao tặng thi tập Vương Lệ Phi, để cùng chiêm nghiệm với tác giả những cảm xúc bình dị của một người Việt sống ly hương.
Băng Huyền (Viendongdaily)