Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần “Cảm xúc và quán tính đưa tôi vào tranh” Có bao giờ bạn đứng trước một bức tranh và tự hỏi người hoạ sĩ này muốn vẽ và diễn tả cái gì? Chắc chắn bạn sẽ trả lời tôi “Dĩ nhiên ai mà không thắc mắc như thế?”. Có khi bạn còn tìm tựa đề của bức tranh để xem người họa sĩ này vẽ có đúng và diễn tả chính xác nội dung của tựa đề bức tranh hay không? Với các bức tranh vô hình thể, đôi lúc bạn cố gắng nặn óc xem đằng sau những mảng màu có vẻ bí hiểm kia, có ẩn dấu một ý tưởng tuyệt vời cao siêu nào không?
Tuy nhiên, trong một bài phê bình của hoạ sĩ Thái Tuấn có câu “Khi xem tranh, mà chỉ chú ý đến đề tài thì không khác gì kẻ muốn thưởng thức một tác phẩm về văn chương, mà chỉ nóng lòng xem tác giả sẽ kết thúc câu chuyện ra sao. Đứng về phía người thưởng ngoạn, không bao giờ nên hy vọng chỉ dùng con đường suy luận để đi vào tác phẩm. Điều nhầm lẫn nhất là người xem tranh cứ gắng tìm hiểu xem bức tranh này họa sĩ vẽ cái gì? bức tranh kia gói ghém những tư tưởng cao siêu nào? Có ai đứng trước người đẹp phải suy luận mới nhận ra vẻ đẹp của họ đâu? Nhan sắc là để cho chúng ta chiêm ngưỡng, không phải để cho chúng ta lý luận. Cảm thông với cái đẹp là một cái gì đột nhiên nhận thấy trong một khoảnh khắc nhanh chóng chứ không phải do sự kéo dài của suy luận.”
Pic 1 HS NĐThuần và tranh của ông
Pic 2 Bức Dưới ánh trăng, sơn dầu, size 43x40
Sau khi đọc những lời hướng dẫn khách xem tranh trên của HS Thái Tuấn, chắc bạn giật mình vì ý nghĩ “Vậy là mình không biết cách xem tranh rồi”. Bạn yên chí đi, ngoài bạn, nhiều người nữa trong đó có tôi cũng mắc sai lầm như vậy. Trong buổi triển lãm tranh mới đây của hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, tôi thấy một vị khách đến xem tranh một cách say mê và chăm chú. Tôi lại gần lân la hỏi ông “Anh đã từng xem tranh NĐT bao giờ chưa, anh có cảm nghĩ gì không?”. Ông liếc xéo tôi, lẩm bẩm trả lời “Đây là lần đầu ”, rồi tiếp tục xem. Chợt ông chỉ vào một chấm đỏ nổi bật trên bố cục phần lớn là màu xanh của một bức tranh trừu tượng và nói “Cô xem, mấy bức mà tôi đã xem qua, hầu hết bức nào cũng có một cái chấm đỏ trong đó, tôi đang tự hỏi và muốn hỏi tác giả tại sao?”
Tôi rất ngạc nhiên về sự nhận xét của vị khách này, vì sau khi xem các bức tranh trừu tượng, ông đưa ra một nhận xét chứng tỏ ông xem tranh rất kỹ, rồi chính ông cũng gieo vào lòng tôi một thắc mắc như vậy. Tôi không biết ông ta có hỏi tác giả lý do không, riêng tôi, sau khi phỏng vấn và nói chuyện với tác giả về các tác phẩm của ông, tôi biết mình không cần hỏi nữa.
HS Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng. Là thành viên của the East Hawaii Cultural Council-USA. Ông đã từng có tranh triển lãm tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ, ngoại quốc và Việt Nam.
Pic 3 Bức Nỗi buồn xanh, sơn dầu, size 36x24
Pic 4 Bức Rừng xanh, sơn dầu, size 28x23
Sau 8 năm vắng bóng trong sinh hoạt triển lãm hội hoạ, HS Nguyễn Đình Thuần đã trở lại với thế giới mỹ thuật với một cuộc triển lãm kéo dài trong 4 ngày từ 7/19/18 tới 7/22/18 tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Báo. Năm 2010, ông đã triển lãm chung với HS Đinh Cường ở Paris. Lần này, ông cho trưng bày một số ít tranh cũ, còn lại đa số là tranh mới với khoảng trên 20 bức vừa lớn vừa nhỏ. Để dễ dàng cho việc di chuyển và treo tranh ông thu nhỏ hơn các kích cỡ của những bức hoạ mới.
Khi đảo một vòng, để xem các bức tranh triển lãm lần này, ngoài những bức theo phong cách trừu tượng là đường lối ông vẫn theo đuổi, tôi nghĩ tranh hình thể và thiếu nữ vẫn có một chỗ đứng trang trọng nào đó trong lòng ông. Tôi được ông giải thích thế này.
“Tuy tôi vẽ trừu tượng rất lâu nhưng để thích hợp với cách thưởng ngoạn của quần chúng VN, và tránh việc đi quá xa mà không dẫn dắt họ, tôi vẽ hình thể. Màu sắc chính là ngôn ngữ của hội hoạ. Tôi dựa vào nền tảng đó nên trở lui với một số sáng tác hình thể để cho cảm quan người ta nhìn là thấy có hình. Điều đó sẽ dần dần dẫn dắt họ đi vào thế giới của mình là thế giới của tranh trừu tượng và tôi mong cảm nghiệm của họ sẽ từ từ thâm nhập.”
Tôi nhìn bức tranh “Dưới ánh trăng” được dựng ở một chỗ đứng riêng biệt với một bố cục chặt chẽ mà điểm sáng của ánh trăng trên khuôn mặt, bờ vai đánh thẳng vào trung tâm mắt nhìn của người xem. Những gam màu xanh lơ, nước biển đã thả trôi không gian người nhìn vào một khung trời lãng đãng đượm nét thơ mộng, mông lung. Trên cao vành trăng lưỡi liềm mảnh như lụa phả nhẹ một màu vàng xuống khoảng vực tối là vầng trán và ánh mắt trông lên. Điểm nhấn của bức tranh vẫn là khuôn mặt, bờ vai và và đồi ngực lãng mạn, mơ màng của người thiếu nữ đương xuân.
Tôi hỏi “Bức hình thể này đẹp quá anh, mất bao lâu anh mới xong bức này?”.
Ông bảo:
“Để chuẩn bị hoàn thành cuộc triển lãm này tôi mất 5 tháng. Trong thời gian 8 năm, tôi sáng tác tùy theo cảm hứng, lúc có, lúc không, cứ đắp màu chờ khô, khi ý tưởng lạ rớt vào tôi lại tiếp tục vẽ. Như bức tranh thiếu nữ theo phong cách hình thể này cũng vậy. Tôi mất ít nhất là 5 năm vì cảm xúc đến bất chợt rồi đi.
Pic 5 Tranh NĐThuần
Pic 6 NĐThuần và bạn hữu
Tôi tò mò hỏi thêm “Bức này khoả thân một nửa còn bức đằng kia “Nỗi buồn xanh" em nghe anh gọi là “mini nude”, có phải anh đang thử nghiệm một loạt tranh khoả thân hay anh đang có chiều hướng đổi phong cách sáng tác?”. Ông trả lời, “À, bức này cũng là hình thể. Thật ra mục đích tôi vẽ bức khoả thân này giống một thông điệp gởi đến người xem để họ khỏi tưởng lầm rằng nghệ sĩ trừu tuợng không biết vẽ gì cả. Tôi muốn trở lại thời gian trước lúc đi học của trường lớp là có hình thể cho phù hợp với cảm quan của người thưởng ngoạn. Trong một bố cục sắp xếp có chủ ý của bức khoả thân xanh này, tôi muốn thể hiện một cách khéo léo với vị trí cô gái ngóng ra cửa trong một không gian rộng nhưng lại không thấy được các chi tiết bộ phận thân thể người nữ để tránh vấn đề phô diễn quá đáng.”
Cuối cùng tôi dừng chân rất lâu trên những bức tranh trừu tượng của ông để thấy mình chìm dần vào màu xanh của lá, của ngọc, của chân trời và đại dương thăm thẳm. Tôi nói với ông về nhận xét của tôỉ dù có thể đó chỉ là một nhận xét phiến diện. “Hình như màu xanh là màu chủ đạo cho nhiều bức của anh. Bức “Rừng xanh” này, em thấy nhiều màu xanh nhưng lại là màu xanh nước biển chứ không phải màu xanh của lá cây, nên nó dẫn trí tưởng em đến một chân trời khác. Đây có phải là một cố ý hay tình cờ trong việc đặt tựa?”
Ông cười nhẹ, nhìn tôi, kiên nhẫn trả lời, “Bức trừu tượng này tôi vẽ khá lâu. Nghĩa là khi đắp màu lên, tôi thường để cảm xúc tôi tự nhiên và thong thả, không suy nghĩ gì cả, rồi vẽ theo quán tính, theo cảm xúc. Khi xong tôi treo lên và cố gắng làm thêm cho nó một tí gì nhưng cố gắng mà không được, nghĩa là không còn gì để tôi sửa nữa vì nó đã đủ rồi, vì cái này nằm trong vô thức, hoạ sĩ vẽ là theo hữu thức.
Màu xanh, thật ra rất nhiều hoạ sĩ xử dụng. Tôi thường vẽ theo tâm tình của tôi, cho nên khi bắt gặp một cảm xúc êm đềm tôi chọn màu xanh là biểu tượng của sự thanh bình. Tại sao màu xanh của rừng lại là màu nước biển à? Như tôi đã nói cảm nghiệm là tâm cảm theo thời gian mà người hoạ sĩ sáng tác tích tụ. Khi màu sắc được thể hiện lên tranh thì tất cả cảm thụ thuộc về cảm nhận của người xem và nó không còn là của 1 hoạ sĩ nữa. Khách thưởng ngoạn nghĩ thế nào về nó thì nghĩ.”
Câu trả lời cuối cùng của ông về màu xanh đã như một câu trả lời ngầm cho câu hỏi của vị khách xem tranh về thắc mắc tại sao hầu như trong bức tranh nào của ông cũng có một chấm đỏ. Đỏ hay xanh khi đã thành tranh vào mắt người xem thì câu trả lời thuộc về phía người thưởng ngoạn.
Trịnh Thanh Thủy