Thế nên, cho dù hôn nhân đồng tính có 99% thất bại chăng nữa, họ vẫn có được
một tiền đề hạnh phúc chính là khả năng lựa chọn của họ.
Nguyễn Phương
Thế giới con người còn lâu lắm, và có thể không bao giờ, có được bình đẳng tuyệt
đối, nhưng phán quyết có tính lịch sử trong vần đề hôn nhân đồng tính của Tối Cao
Pháp Viện Mỹ trong tuần vừa qua đã thực hiện được một điều rất đỗi khó khăn:
khiến xã hội Mỹ bình đẳng thêm. Thêm nhiều hay ít tùy ý kiến từng người. Thậm
chí “bình đẳng thêm” cũng là ba chữ rất thiên kiến, vì hẳn có nhiều người, khi nhắc
đến cùng những phán quyết này, sẽ dùng những chữ lớn lao khác và không đẹp
đẽ chút nào.
Trong hai phán quyết cho hai vụ khác nhau, một liên hệ đến DOMA, Luật Bảo Vệ
Hôn Nhân của liên bang được thông qua vào năm 1996 và một liên hệ đến Dự
Luật 8 của California được cử tri bỏ phiếu thuận vào năm 2008. Hai đạo luật này có
chung quan điểm: chống hôn nhân đồng tính, vì “định nghĩa của hôn nhân là kết
hợp giữa một người nam và một người nữ.” Hai phán quyết của Tối Cao Pháp
Viện cũng có cùng quan điểm: hai đạo luật đã kỳ thị người đồng tính và tước đoạt
phẩm cách của họ, cho nên cả hai đều không hợp hiến. Phán quyết về DOMA
thẳng thừng, phán quyết về Dự Luật 8 vòng vo, nhưng kết luận giống như nhau:
người đồng tính có quyền kết hôn, hôn nhân của họ hoàn toàn giống như hôn nhân
khác giới tính.
Đấy chính là thêm một chút vào cái ly bình đẳng xã hội Mỹ. Người đồng tính từ nay
được bình đẳng kết hôn, bình đẳng gọi nhau là “vợ,” “chồng,” “mình,” hay bất cứ
từ ngữ âu yếm và ngớ ngẩn người ta gọi nhau trong hôn nhân. Họ cũng được bình
đẳng hạnh phúc, hay không hạnh phúc, bình đẳng cắn nhau, bình đẳng nguội lạnh,
bình đẳng ly dị, bình đẳng nhỏ nhặt và căm ghét nhau trong những tranh chấp về
của cải và con cái trong khi ly dị. Nói chung, họ được bình đẳng lựa chọn sự êm
ấm (hay gông xiềng) của hôn nhân. Theo nghiên cứu tâm lý, không có khả năng
lựa chọn là một trong những nguồn gốc áp lực và u uất trong cuộc sống con
người. Thế nên, cho dù hôn nhân đồng tính có 99% thất bại chăng nữa, họ vẫn có
được một tiền đề hạnh phúc chính là khả năng lựa chọn của họ.
Ngay hiện tại, số phiếu 5-4 của Tối Cao Pháp Viện cũng gần như thực tế
thuận-chống hôn nhân đồng tính trong dân Mỹ: số thuận đã qua mức 50% và số
chống vẫn còn 40%. Những người ủng hộ DOMA và Dự Luật 8 của California vẫn
chưa chịu yên và chưa chịu thua. Họ sẽ tiếp tục theo đuổi niềm tin của mình, rằng
hôn nhân là quyền lợi chỉ dành riêng cho kết hợp của một người nam và một người
nữ. Để nhấn mạnh sự hợp lý, tất nhiên, thậm chí thiêng liêng của định nghĩa này,
họ nhắc đến Thánh Kinh và “truyền thống” vợ-chồng (chứ không phải vợ-vợ hoặc
chồng-chồng). Nhưng Thánh Kinh không thẳng thừng như phán quyết về DOMA
của Tối Cao Pháp Viện, và “truyền thống” vợ-chồng cũng chỉ là một thói quen của
xã hội có thể được xét lại bất cứ lúc nào, chẳng hạn như thói quen tảo hôn chẳng
hạn. Đúng như ý kiến của Thẩm Phán Anthony Kennedy trong phán quyết về
DOMA, không cho phép những người đồng tính kết hôn tức là xâm phạm và tước
đoạt phẩm cách và lòng tự trọng của họ. Nếu cứ cho rằng hành động của số đông
là “bình thường” và những hành động khác bị cấm thì thế giới này sẽ đảo điên hơn
bây giờ rất nhiều. Chính sự kỳ thị khác biệt là một trong nguyên nhân chủ yếu của
những xung đột tôn giáo rất nhiều khi đẫm máu trên thế giới, ví dụ rõ ràng nhất là
cuộc nội chiến Syria và những tranh chấp đang xảy ra ở Iraq có thể đẩy quốc gia
này vào nội chiến bất cứ lúc nào.
Cũng may những cãi vã về vấn đề đồng tính ở Mỹ hiện nay là biểu tình la hét và vận
động hành lang nhiều hơn là uýnh nhau thực sự. Mong là những người chống hôn
nhân đồng tính, khi nhận ra mình đang nằm trong thành phần thiểu số, sẽ giận dữ
đỏ mặt tía tai nhưng không mưu tính những hành động cực đoan nào khác. Cùng
lúc, mong những người đồng tính đã có hạnh phúc lựa chọn hôn nhân hay độc
thân sẽ tận hưởng sự tự do bình đẳng ấy và quyết định đúng đắn cho riêng mình.
Nguyễn Phương (Viendongdaily)