Mô gan người từ tế bào gốc có thể bù đắp thiếu hụt nguồn nội tạng hiến tặng và nhu cầu thẩm tách máu. (Nguồn: Andrei Malov/iStockphoto) .Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết lần đầu tiên họ đã nuôi mô gan người từ tế bào gốc. Thử nghiệm hứa hẹn bù đắp nguồn nội tạng hiến tặng thiếu hụt nghiêm trọng
Tạo ra mô cấy trong phòng thí nghiệm để cung cấp nguồn thay thế nội tạng bị tổn thương do tai nạn và bệnh tật là một mục tiêu lớn trong lĩnh vực nghiên cứu tiên phong về tế bào non, còn gọi là tế bào gốc.
Hiện tại, ông Takanori Takebe từ trường Y khoa Thành phố Yokohama và đồng nghiệp công bố trên tạp chí Nature cho biết họ đã cấy mô ‘giống như gan người trưởng thành’ ở một con chuột thí nghiệm.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu tạo ra tế bào gốc đa năng (iPS) và trộn với các loại tế bào khác rồi tạo thành ‘mầm gan’, các cụm tế bào tiền thân phát triển thành gan.
Sau đó, những mầm gan có kích cỡ khoảng 5 milimet được cấy vào não chuột, nơi chúng được quan sát biến đổi thành ‘gan người thực hiện đầy đủ chức năng’ bao gồm cả các mạch máu.
“Theo chúng tôi biết, đây là báo cáo đầu tiên về việc tạo ra một cơ quan nội tạng của con người thực hiện đầy đủ chức năng từ tế bào gốc đa năng,” báo cáo nghiên cứu viết.
Các nhà nghiên cứu bổ sung thêm kỹ thuật chưa được thử nghiệm ở con người nhưng được xem là bằng chứng quan trọng của khái niệm tái tạo cơ quan nội tạng.
Lập trình lại tế bàoTế bào gốc là những tế bào con có thể phát triển thành bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể.
Cho đến cách đây vài năm, khi tế bào gốc đa năng được tạo ra, cách duy nhất để lấy tế bào gốc là lấy từ phôi người.
Việc làm này gây nhiều tranh cãi bởi quy trình đòi hỏi hủy hoại bào thai, một quy trình mà những người theo tôn giáo bảo thủ và nhiều người khác phản đối.
Tế bào gốc đa năng là những tế bào trưởng thành dễ dàng lấy được và được tái lập trình thành tình trạng nguyên thủy và linh hoạt để từ đó chúng có thể phát triển thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể.
Ông Takebe phát biểu trong một cuộc họp báo trước khi công bố nghiên cứu cho biết gan nhân tạo được quan sát thông qua một hộp sọ bằng kính thay thế đặt quanh não chuột.
Gan phát triển các mạch máu nối với hệ tuần hoàn của chuột.
Gan cũng thực hiện một số chức năng gan đặc trưng ở người như sản xuất protein và xử lý một số loại thuốc đặc thù.
“Chúng tôi đã kết luận gan thực hiện đúng chức năng,” ông Takebe nói. “Chúng tôi nghĩ gan được nuôi từ tế bào gốc đủ để cải thiện khả năng tồn tại sau khi suy gan.”
Khởi đầu hứa hẹn nhưng cần nghiên cứu chuyên sâu hơnCác nhà khoa học bình luận về nghiên cứu và miêu tả đây là một công trình đầy hứa hẹn.
Phó giáo sư Ernst Wolvetang từ Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Sinh học và Công nghệ Nano Australia cho biết nghiên cứu có thể bù đắp sự thiếu hụt gan hiến tặng để cấy ghép.
“Công trình nghiên cứu là bằng chứng cho thấy khái niệm này khả thi ở con người trong tương lai,” ông Wolvetang nói. “Tuy nhiên, vẫn cần phải xác định liệu gan được tái tạo từ tế bào gốc đa năng có an toàn trong dài hạn hay không.”
Stuart Forbes, giáo sư chuyên ngành y học cấy ghép và tái tạo thuộc Đại học Edinburgh, cũng thận trọng với kết quả nghiên cứu.
“Mặc dù tiêu đề nghiên cứu là ‘gan người thực hiện đầy đủ chức năng’ nhưng những mầm gan này không có các cấu trúc dẫn mật (với chức năng thải độc tố ra khỏi gan) hoặc các tế bào miễn dịch thường có ở gan người thông thường,” ông nói.
Ông Takebe cho rằng phương pháp này cũng có thể có tác dụng ở các bộ phận như tuyến tụy, thận, phổi nhưng phải 10 năm nữa mới có thể thực hiện thử nghiệm ở người.
Ông cho biết một yêu cầu chủ đạo là ‘mầm’ phải giảm kích cỡ nhỏ hơn nhiều để có thế tiêm vào máu và được cơ thể hấp thụ từ bên trong.
Source: ABC Australia