Đó là một ngày để nhớ ơn ba mẹ... Đại Lễ Vu Lan trong năm nay là hôm Thứ Bảy 25/8/2018. Ngày theo âm lịch trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào "tháng cô hồn" (tháng 7 âm lịch), người Trung Quốc và người Việt Nam theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện.
Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia kể rằng Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Cũng theo kinh này, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.
Dù bạn còn mẹ hay không, mùa Vu Lan cũng là dịp để nghĩ tới tấm lòng người mẹ cưu mang, nuôi dưỡng và đặt nhiều hy vọng cho mình.
Lòng mẹ đã được ca ngợi từ trong ca dao, và trong các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam.
Trong đó, có ca khúc bất tử “Lòng Mẹ” của Y Vân. Bạn hãy hình dung vào giấc khuya, chúng ta có thể ứa nước mắt nhớ mẹ khi chợt nghe văng vẳng từ trong xóm vắng tiếng nhạc từ TV hay từ máy vi tính những dòng thiết tha như:
“Thương con thao thức bao đêm trường,
con đã yên giấc
Mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặng lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn
.
Dù cho mưa gió không quảng thân gầy mẹ hiền
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên
.
Lòng mẹ chan chứa trên bao sớm làng gần xa
Tình mẹ dẫn tới trăng ngàn đứng lặng để nghe
Lời ru xao xuyến núi đối suối rộng rặng tre
Xóm ven thái bình im lìm khi tiếng mẹ ru...”(ngừng trích)
Tình mẹ trong một cảm xúc khác, cảm động và đau đớn, đã được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc “Bà Mẹ Gio Linh.”
Dòng nhạc thôi thúc từ thời kháng chiến, kể về người mẹ khi mất con trong cuộc chiến. Đây cũng là một ca khúc bất tử. Lời rất mực thiết tha, trích như sau:
“...Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò!
.
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò!
.
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta...”(ngừng trích)
Dòng nhạc bất tử ca ngợi mẹ cũng có một ca khúc khác, rất mực thơ mộng. Như khi mình buổi chiều đi ngang một kiểng chùa và nghe tiếng thiếu nhi Phật tử tập hát bài “Bông Hồng Cài Áo.”
Bài này là nhạc Phạm Thế Mỹ, phổ theo thơ của Thiền sư Nhất Hạnh.
Tuy các em không hát hay, nhưng riêng việc tập dợt vẫn là một hình ảnh ngọt ngào, nếu các bà mẹ của các em sẽ nghe được lời các em ngợi ca tình mẹ, như:
“Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
.
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
.
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...”(ngừng trích)
Trong mùa Vu Lan này, xin gửi lời cầu nguyện cho mọi người trên thế gian này luôn luôn biết ơn mẹ, luôn luôn trân trọng những ngày mẹ còn ở bên ta...
Trần Khải
Sửa bởi người viết 26/08/2018 lúc 09:31:43(UTC)
| Lý do: Chưa rõ