Bà Carmencita Abella, chủ tịch Quỹ Magsaysay với chân dung những người đoạt giải thưởng năm 2018
Sáu người ở châu Á hôm 31/8 được trao giải Ramon Magsaysay, vốn được xem như là Giải Nobel châu Á.
Những người thắng giải thưởng này, vốn được đặt theo tên một vị Tổng thống Philippines đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay hồi năm 1957, được công bố hồi tháng trước.
Sáu người được trao giải bao gồm một nạn nhân sống sót trong nạn diệt chủng ở Campuchia vốn đã giúp ghi lại sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, một bác sỹ tâm lý Ấn Độ dẫn đầu nỗ lực cứu giúp hàng ngàn người nghèo khổ bệnh tâm thần lang thang ngoài đường phố, một người Philippines dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân cộng sản, một người Việt Nam bị bại liệt đấu tranh với tình trạng ngược đãi người tàn phế và một công dân Timor Leste giúp xây dựng trung tâm cứu trợ cho người nghèo giữa cảnh xung đột và một công dân Ấn Độ dạy kèm cho các học sinh trường làng để giúp các em thi đậu.
“Tất cả những gì mà tôi đã làm trong hàng chục năm qua không phải là vô ích, nó đã được công nhận,” ông Youk Chhang, người đã mất cha, năm anh chị em và gần 60 người họ hàng dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ trong những năm 70 của thế kỷ trước, phát biểu. Ông trở thành người đứng đầu một trung tâm ghi chép lại những bạo lực tàn bạo để hỗ trợ cho các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Campuchia.
Các công việc của ông Youk Chhang, 57 tuổi, bao gồm thu thập hơn một triệu tài liệu, xuất bản các bản đồ kỹ thuật số của hơn 23.000 nấm mồ tập thể và khai quật các thi hài để giám định pháp ý. Hiện tại ông đang có dự án xây dựng một bảo tàng, hồ sơ lưu trữ, thư viện và một chương trình đào tạo sau đại học về các tội ác chống lại nhân loại.
Còn ở Ấn Độ, nơi ước tính có 400.000 người vô gia cư bị mắc bệnh tâm thần, nhà tâm lý Bharat Vatwani đã bắt đầu một sứ mạng vào năm 1988 mà cho đến nay đã giúp cứu giúp, chữa trị và tái hòa nhập cho hơn 7.000 người.
“Không có ai ở Ấn Độ cũng như ở châu Á hiểu rằng vấn đề của những người bệnh tâm thần chính xác là gì,” Vatwani nói. “Điều đó đã khiến chúng tôi thực hiện sứ mạng này và giúp chúng tôi tiến về phía trước.”
Những người đoạt giải khác bao gồm doanh nhân Philippines Howard Dee - nhà đám phán của chính phủ trong các cuộc hòa đàm với phiến quân cộng sản vào những năm 1990, bà Võ Thị Hoàng Yến, người mắc bệnh bại liệt khi mới hai tuổi và đã giúp sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận hồi năm 2005 để giúp cho khoảng 15.000 khuyết tật tìm được việc làm. Trong số các dự án của bà có dự án xe ôm dành cho người khuyết tật.
Maria de Lourdes Martins Cruz đến từ Timor Leste được vinh danh vì đã dẫn đầu những nỗ lực giúp người nghèo được chăm sóc y tế, được đi học và có phương tiện kiếm sống trong quá trình chuyển đổi đầy rối loạn của Timor Leste thành một quốc gia độc lập vào năm 2001.
Sonam Wangchuk đến từ bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ được ca ngợi vì đã đấu tranh chống lại việc ngược đãi các sắc dân thiểu số và sáng lập một phong trào vào năm 1988 để thúc đẩy cải cách giáo dục và giúp dạy kèm cho các em nhỏ nghèo ở các thôn làng để các em có thể thi đậu.
Theo VOA