Những du khách Trung Quốc đến Pháp năm 2004. Đến 2013, đối với nhiều blogger Trung Quốc, nên tránh đi du lịch Pháp (AFP / PIERRE ANDRIEU)Paris tráng lệ nói riêng và nước Pháp « lãng mạn » nói chung cho đến giờ, vẫn luôn là điểm du lịch lý tưởng cho các cặp uyên ương Trung Quốc hưởng tuần trăng mật. Thế nhưng, từ hai năm gần đây, hiện tượng du khách người Hoa và rộng hơn nữa là du khách Châu Á trở thành đối tượng của bọn trộm cắp, móc túi hay hành hung đang trở nên khá phổ biến, khiến cho hình ảnh nước Pháp « đẹp như mơ » dần bị hoen ố trong con mắt của người Trung Quốc.
Với hình vẽ nhân vật Arsène Lupin, tên trộm đào hoa trong tác phẩm cùng tên của tiểu thuyết gia Maurice Leblanc, chống lại võ sư Trung Hoa, các tác giả bài phóng sự trên báo Le Monde - « Nỗi thống khổ của du khách Hoa tại Paris »- xác định nạn trộm cắp móc túi du khách lộng hành đến mức trở thành một hiện tượng đáng ngại. Thậm chí, vào tháng Tư năm nay, các nhân viên Bảo tàng Louvre đã đình công, do quá mệt mỏi vì phải chạy theo bọn tội phạm tại các sảnh trưng bày bức họa La Joconde và tượng Vệ Nữ Milo nổi tiếng.
Bàn về nguyên nhân các vụ bạo hành hay móc túi du khách, các tác giả cho hay, thói quen mang theo người một lượng lớn tiền mặt của du khách Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính. Việc du khách thường xuyên để lộ cho thấy những xấp tiền mặt đôi khi lên đến hàng ngàn euro chỉ để chi trả những khoản ít ỏi như một tách cà phê 2,5euro đã thu hút sự chú ý của bọn trộm cắp.
Ngoài ra, bọn tội phạm hay chú ý vào khách du lịch Trung Quốc là vì đây cũng là những khách hàng « sộp » nhất tại các cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysée, nơi hiện diện của nhiều thương hiệu sang trọng nổi tiếng như Gucci, Vuitton… Du khách Hoa mỗi khi rời các cửa hiệu trên tay cầm đầy túi hàng đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm dễ dàng xác định « con mồi ».
Hiện tượng trấn lột du khách đến từ cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới tại các khách sạn ở ngoại ô cũng bắt đầu diễn ra táo bạo. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng dám chặn đứng các đoàn xe buýt đón khách Trung Quốc từ sân bay quốc tế Charles De Gaulles về Paris để cướp bóc tiền bạc, giấy tờ và nhiều vật dụng quý giá.
Nhìn về phía Paris, trước hiện tượng tấn công có mục tiêu ngày càng gia tăng, chính quyền thành phố đã cho tăng cường công tác an ninh tại các điểm du lịch ưa thích của du khách Châu Á.
Tuy nhiên, cảnh sát Paris vẫn tỏ ra khá lúng túng trong công tác chống loại tội phạm này ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Theo điều tra của cảnh sát, các băng đảng tội phạm tại Paris thường sử dụng các đối tượng trẻ chưa đến tuổi thành niên đến từ các nước Đông Âu và không có giấy tờ hợp pháp. Do đó, cảnh sát buộc phải thả chúng ra, sau khi bắt.
Thái độ thiếu hợp tác của du khách cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc theo dõi tội phạm của cảnh sát. Hiếm khi du khách Châu Á đệ đơn kiện tại các sở cảnh sát ngay sau khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, bài điều tra của Le Monde còn cho rằng hiện tượng « bài ngoại » cũng góp phần gây bất an cho du khách. Tờ báo nhắc lại vụ sáu sinh viên Trung Quốc ngành rượu vang bị tấn công tại Bordeaux hồi trung tuần tháng 6 vừa qua.
Không những sự việc xảy ra làm cho mối bang giao hai nước trở nên khá căng thẳng, mà còn tạo ra cảm giác « phản cảm » ở Trung Quốc. Trong con mắt của người dân ở đây, nước Pháp ngày càng được cảm nhận như là một nơi « nguy hiểm ». Đến mức mà nhân chuyến viếng thăm Paris hồi cuối tháng Sáu rồi, các đại doanh nhân Trung Quốc được hưởng một quy chế bảo vệ đặc biệt « dành cho cấp Nhà nước » từ phủ tổng thống Pháp.
Theo các tác giả, đối với người Trung Quốc, các hiện tượng tấn công lặp đi lặp lại đó là bằng chứng cho thấy có sự « bài ngoại » tại Pháp. Và hiện tượng này được nuôi dưỡng bởi chính sự bất lực của chính quyền Paris trong việc tạo ra việc làm cho một bộ phận dân chúng trong nước.
Cuối cùng, các tác giả khuyên rằng về lâu dài, du khách Trung Quốc và Châu Á nói chung cần phải thay đổi thói quen giữ nhiều tiền mặt bên mình. Công tác đánh động dư luận đã được thực hiện tại các đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như tại hãng du lịch hay Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (RATP).
Source: RFA