Khoa học gia Andrew Schweighardt chuẩn bị một mẫu ADN tại Văn phòng Giám định Y khoa New York, nơi tổ chức cuộc trình diễn DNA Extraction để công bố công nghệ đột phá cho phép OCME kiểm tra mẫu DNA suy thoái hôm 6 Tháng Chín, 2018 tại New York. (Hình: Angela Weiss / AFP/Getty Images)
Bà Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren vừa công bố thử nghiệm DNA của mình để chứng minh rằng, bà có huyết thống của người da đỏ. Dựa theo kết quả, bà Warren có một số gene đặc trưng cho người da đỏ, tương tự như thổ dân miền Nam châu Mỹ. Tỉ lệ phần trăm của các gene này trong toàn bộ gene DNA của bà, nằm trong khoảng từ 1/64 đến 1/1024, với mức độ thấp nhất khoảng 0.09%.
Một người bà con của tôi, gần đây cũng chia sẻ với tôi kết quả thử nghiệm DNA của anh ta. Theo sự phân tách của hãng 23andMe thì: anh ta có 80% bộ gene thuần chủng người Việt, 10% gene người Hán cổ đại (trên 2000 năm), 5-6% gene người Trung Hoa đến Việt Nam khoảng năm 1800’s, 4-5% gene người cổ đại vùng đồng bằng sông Cửu Long (nguồn gốc của người Miên, Mã Lai, Indonesia và có lẽ cả người Chiêm Thành). Một điều lý thú là anh ta có khoảng 0.05% gene người Âu Châu vùng Địa Trung Hải, trải dài từ Bồ Đào Nha đến Ý. Những gene Âu Châu nầy, đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào khảng năm 1400’s. Hãng 23andMe cũng cung cấp cho khách hàng địa chỉ e-mail của những người có gene tương tự để liên lạc, và nếu muốn, nhận làm bà con.
Gần đây chuyện thử DNA đã trở thành khá phổ thông, với ý tưởng chỉ cần nhổ chút nước miếng vào ống nghiệm, tự nguyện gửi đi phân tích, là có thể tìm ra bà con dòng họ, và nếu muốn, biết tất cả những bệnh di truyền, yếu tố nguy cơ cho sức khỏe.
Thật vậy, một nghiên cứu mới đây, đăng trên tờ báo khoa học Science, cho thấy chuyện tìm bà con theo kiểu thử DNA nầy không còn là chuyện tầm phào nữa. Lý do, dựa trên cơ sở dữ liệu database, trên 60% những người Mỹ gốc Âu Châu đều có thể có gene tương đồng với người khác, tối thiểu là liên hệ trong ba thế hệ, nghĩa là, có thể truy tìm ra bà con trong ba đời.
Một trang web cung cấp thử nghiệm DNA. Không sử dụng gì hơn là một lọ nước bọt đơn giản, hàng triệu người đã tạo nên các hồ sơ DNA trên các trang web phả hệ. (Hình: Eric Baradat /AFP / Getty Images)
Hiện nay có trên một triệu người đã nộp DNA cho các hãng thử nghiệm như Ancestry.com, 23andMe, MyHeritage và GEDmatch. Theo ước tính, nếu có trên ba triệu người nộp DNA vào database thì, người ta có thể phát hiện ra tất cả DNA của toàn bộ dân Mỹ. Với chuyện thử DNA đang trở thành một phong trào cho nhiều người hiếu kỳ, thời gian để thu thập dữ liệu từ một đến ba triệu, không phải là lâu. Có nghĩa là, cho dù bạn không nộp DNA, nhưng một vài người bà con của mình đã tự nguyện nộp DNA, thì dựa trên cơ sở dữ liệu, người ta cũng biết đến DNA của chính bạn. Lý do, những người đã nộp DNA sẽ trở thành những cột mốc để tìm ra tung tích của những người khác.
Một thí dụ tương tự, bạn có biết, dựa trên sự sử dụng điện thoại di động, truy cập internet của người tiêu thụ, người ta có thể truy tìm ra ngay vị trí định vị GPS, hồ sơ cá nhân, lý lịch, địa chỉ không những của cá nhân ấy mà của tất cả những người liên hệ trong điện thoại của người ấy? Rồi thì Facebook là những tờ lý lịch tự khai, thậm chí, ngay cả TV sử dụng ở nhà cũng theo dõi và cho biết về đời sống riêng tư của từng cá nhân.
Trong các phim viễn tưởng, miêu tả những xã hội mà mọi người đều được đóng dấu barcode như những gói đồ ăn để dễ kiểm soát. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới ấy một cách tự nguyện, với điện thoại cầm tay, mạng xã hội internet, và tương lai gần, là dữ kiện DNA.
Thí dụ đầu năm nay, dựa trên DNA của một người bà con xa nộp vào GEDmatch, cảnh sát đã truy tìm ra ông cụ 72 tuổi, Joseph James DeAngelo là thủ phạm của những vụ hãm hiếp giết người từ mấy chục năm trước, gọi là Golden State Killer. Kể từ đó, đã có thêm 13 trường hợp phát hiện khác cũng nhờ vào phương pháp truy tầm DNA.
Cơ sở của cách tìm ra vết tích tiềm ẩn trong DNA, dựa trên sự đột biến nho nhỏ của những cặp phân tử DNA, gọi là Single Nucleotide Polymorphisms (SNP, đọc là “snip”), mà trong đó một phân tử DNA được thay thế bởi một phân tử khác, ví dụ như nucleotide cytosine (C) thay cho nucleotide thymine (T) trong 4 “mẫu tự DNA” A,C,T.G. Đột biến SNP xảy ra thường xuyên, trung bình là 1/300 trong tổng số 3 tỉ “mẫu tự DNA” trong cơ thể con người, khoảng 10 triệu SNP. SNP có thể xảy ra trong vùng động hay vùng tĩnh của chuỗi DNA và đa phần không có hại nếu xảy ra trong vùng tĩnh lặng. SNP có thể chi phối về bệnh tật di truyền, đặc tính của cá thể, và có thể truyền từ đời này qua đời khác, đặc trưng cho mỗi cá nhân, mỗi dòng họ hay mỗi chủng tộc.
Trên lý thuyết, anh em ruột có khoảng 50% tương đồng về DNA, anh em chú bác, cô cậu là 1/8. Tuy nhiên, sự di truyền có khi ít, khi nhiều, thay đổi qua nhiều thế hệ, nên không theo một con toán chính xác nào cả. Do đó, khi mức độ SNP tương đồng dưới 1% thì cũng hơi khó nói, khó nhận họ nhận hàng, biết để mà biết cho vui, thế thôi. Ví dụ, người bà con của tôi, với 0.05% gene Địa Trung Hải, nói đùa là, anh hiểu tại sao anh thích ăn pizza và đồ ăn Ý, và không hẳn anh là người Ý, và anh chỉ muốn mình là người Việt Nam thôi.
Theo ước tính, “gene da đỏ” đến trong huyết thống của bà Warren khoảng đời thứ 6 đến đời thứ 10 trở lên, tức là khoảng năm 1800’s. Thời kỳ nầy là giai đoạn mở mang bờ cõi của nước Mỹ sau Nội Chiến Civil War, là những năm nhục nhằn, khốn khổ, tràn đầy máu và nước mắt của các “quốc gia da đỏ”, bị mất nước, bị tàn sát và bị đẩy vào các trại tập trung hoặc buộc phải di dân từ miền đồng bằng phì nhiêu đến những vùng băng giá. Qua sự tương tác, chuyện “lai giống” của hai huyết hệ, da đỏ và da trắng là chuyện đương nhiên, xảy ra trong lịch sử của nước Mỹ. Không ít người Mỹ chắc chắn có dấu vết huyết thống của người da đỏ tương tự như của bà Warren.
Khi nghe tin bà Warren muốn nhận họ hàng, cội nguồn da đỏ, hầu hết những bộ tộc da đỏ, và dân da đỏ ở Mỹ đã phản đối quyết liệt. Một phần vì những SNP trong gene da đỏ của bà Warren được dựa trên cơ sở dữ liệu database của người Nam Mỹ, nên không đủ bằng chứng cho rằng bà thuộc huyết hệ của bộ tộc Cherokee, của Bắc Mỹ. Mặc khác, người da đỏ cho rằng chỉ khi nào một người đã từng sống, được nuôi dưỡng trong truyền thống của người da đỏ mới được thừa nhận là “công dân da đỏ”. Tức là, truyền thống và văn hóa là chính, máu huyết là yếu tố phụ. Một kết quả DNA, cho dù bao nhiêu phần trăm đi nữa, cũng không đủ xác minh một cá nhân thuộc về chủng tộc nầy hay chủng tộc kia.
Trở lại với kết quả thử nghiệm DNA của người bà con trên đây, có lẽ là mẫu số chung, tương tự cho hầu hết người Việt Nam chúng ta, phản ánh lịch sử dựng nước, mở mang bờ cõi từ Bắc vào Nam. Từ ngàn năm Bắc thuộc, đi từ nước Bách Việt cũ, từ Quảng Đông, Quảng Tây, cho đến những cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi đến tận mũi Cà Mau. Trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm đó, ông cha, tổ tiên ta đã đổ mồ hôi, nước mắt, máu và xương để bảo vệ nòi giống qua việc bảo tồn lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa qua những thăng trầm của mệnh nước nổi trôi.
Ta có thể nói, ngoài huyết thống, những yếu tố tạo nên một dân tộc chính là truyền thống và văn hóa của dân tộc đó, mà trong đó người Việt của chúng ta là tiêu biểu. Chuyện thử DNA, chỉ để biết thêm, nhưng không nên xem là quan trọng. Ngoài ra, phải cẩn trọng, cân nhắc lý do riêng tư cho chính mình và người khác khi quyết định thử DNA.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh/Người Việt
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:
www.bacsihongocminh.com.