Đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa: Chuyện hay chưa kể đầy khắp Việt Nam
Bộ phim Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle) của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa đã được Viễn Đông giới thiệu và bình luận. Đạo diễn Khoa hiện đang sống ở Sài Gòn. Anh đi dạy tại trường đại học RMIT University Vietnam và làm phim. Vũ Điệu Đường Cong là phim truyện thứ hai của đạo diễn người Mỹ gốc Việt này. Phim truyện đầu tay của anh, 14 Ngày Phép, đã được nhiều giải giải thưởng tại giải Cánh Diều Vàng ở Việt Nam: nam diễn viên chính xuất sắc, nam diễn viên phụ xuất sắc, biên kịch xuất sắc, cũng như các giải thưởng khác tại giải Bông Sen Vàng.
Đối với một người trưởng thành ở Mỹ mà làm được một bộ phim Việt Nam hay như Vũ Điệu Đường Cong, Nguyễn Trọng Khoa đã sống, quan sát và suy nghĩ như thế nào? Dưới đây là một chút chia sẻ của anh về cuộc sống, công việc và suy nghĩ của mình.
Hỏi: Câu chuyện đi Việt Nam của anh, rồi quyết định ở lại đó như thế nào?
Nguyễn Trọng Khoa: Tôi quay lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000 với cha mẹ và em trai. Chuyến đi đó làm tôi mở mắt và nhìn thấy một đất nước khác xa điều tôi đã tưởng tượng trước kia. Tôi cảm thấy an lành. Tôi không cảm thấy lạc lõng. Và tôi hiểu được cảm xúc của cha mẹ về quê hương và hiểu được tầm quan trọng phải giữ gìn di sản của mình. Tôi cũng biết ơn việc cha mẹ đã cố gắng hết sức ép hai anh em chúng tôi học tiếng Việt và không để chúng tôi mất gốc. Vì thế mà tôi có thể đọc các bảng tên đường, nói chuyện với người dân địa phương, và hiểu được câu chuyện của họ. Sau chuyến đi ban đầu đó, tôi để dành ngày phép và quay lại Việt Nam 2-3 tuần mỗi năm. Vào năm 2005, tôi đi một bước tiếp theo là dọn về ở hẳn ở Việt Nam. Cho tới thời điểm này, đây vẫn là một cuộc hành trình tuyệt vời.
Hỏi: Khái niệm về “Việt Nam” của anh thay đổi như thế nào trước và sau khi anh sống ở Việt Nam? Niềm vui và sự thách thức trong việc diễn tả nó trong bộ phim Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle) như thế nào?
NTK: Trước khi quay lại Việt Nam, tôi vẫn cho rằng mình là người Việt Nam và không khác gì những người Việt Nam khác. Nhưng khi quay lại Việt Nam, người ta dán nhãn tôi là “Việt Kiều” ngay để phân biệt với những người bản địa. Tôi thì chưa bao giờ xem mình khác họ. Tôi có được may mắn là sống ở nước ngoài, học hành đàng hoàng, và tiếp xúc với nhiều chuyện khác nhau. Vì vậy mà tôi luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình với những người không có được những cơ hội đó. Một điều tôi học được ở cha tôi là cho dù có đi đâu và sống ở đâu, tôi vẫn luôn là người Việt Nam. Tôi tự hào về di sản của mình và tôi luôn cố gắng hết sức để người khác biết đến nhiều hơn và ý thức hơn về nước Việt Nam và văn hóa Việt Nam bằng cách sống như một công dân tốt. Qua điện ảnh, tôi hy vọng chia sẻ những câu chuyện về Việt Nam với thế giới. Vì vậy mà khi người ta hỏi tôi có phải là Việt Kiều không, lúc nào tôi cũng trả lời rằng: “Không, tôi là người Việt Nam”. Tại sao cần có sự phân biệt như thế? Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle) là phim Việt Nam, không phải là phim Việt Kiều.
Hỏi: Làm thế nào mà phim Vũ Điệu Đường Cong trở thành một phim hài?
NTK: Ngay từ ban đầu, Vũ Điệu Đường Cong là phim hài với nhiều đoạn kịch tính. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ muốn cái hài ở đây đi quá lố. Về phía nhà phát hành (người đầu tư) họ nhất định đề nghị đẩy cái hài đi quá trớn vì phim được ra mắt vào dịp Tết. Tôi nghĩ bộ phim có thể đã được đón nhận tốt hơn nếu đừng ra mắt vào dịp Tết. Tôi phải tranh đấu rất nhiều để giữ những cảnh kịch tính và để kiểm soát yếu tố hài, nếu không thì nó đã trở thành phim hài rẻ tiền không mang một ý nghĩa sâu sắc gì cả.
Hỏi: Nếu anh cho rằng mình thích hợp làm phim chính kịch (drama) hơn thì loại bi kịch nào anh có trong đầu cho bộ phim sắp tới của mình?
NTK: Tôi thích phim chính kịch (drama) về gia đình. Tôi thích đặt các nhân vật thú vị và có tính cách phức tạp vào những trường hợp đơn giản và xem mọi chuyện diễn tiến ra sao. Như thế thì giống đời sống thật hơn là làm phim dựa theo cốt truyện (plot-driven). Tôi thích làm những bộ phim kịch tính làm cho khán giả phải khóc. Tôi muốn người ta phải nghĩ đến chuyện con người chúng ta đối xử với nhau như thế nào. Tôi muốn kể những câu chuyện làm người ta cảm động và để lại dấu ấn trong tim trong não người ta. Tôi đang trong tiến trình viết một kịch bản phim chính kịch về chuyện các mảnh đời đan chen với nhau như thế nào trong một làng quê nhỏ ở Việt Nam.
Hỏi: Anh thường tìm thấy những câu chuyện hay ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội hay ở các tỉnh nhỏ?
NTK: Những câu chuyện hay thì có đầy khắp nơi ở Việt Nam, chỉ có điều chúng rất ít được kể lại. Vì tôi sống ở Sài Gòn nên quay phim ở Sài Gòn thì “kinh tế” hơn. Nhưng tôi không phản đối gì chuyện phải quay phim ở những nơi khác. Một phần bộ phim 14 Ngày Phép của tôi được quay ở Sóc Trăng. Cuối cùng lại thì vấn đề quan trọng là tìm chỗ nào thích hợp sao cho quang cảnh có thể làm tăng không khí cho câu chuyện. Việt Nam là một bối cảnh tuyệt vời để kể chuyện cho dù là chuyện ở thành phố hoặc ở tỉnh hoặc thôn quê.
Hỏi: Trong quá trình làm phim anh từng gặp những cản trở về mặt kỹ thuật chưa?
NTK: Có chứ. Khi làm phim kinh phí thấp tất nhiên là sẽ có những khó khăn về mặt kỹ thuật. Nhưng mình phải học cách làm việc cho thông minh khôn khéo hơn và dùng sự sáng tạo của mình để giải quyết vấn đề. Với kinh phí nhỏ hơn, không phải lúc nào mình cũng có được cảnh quay theo ý muốn, nhưng mình phải xoay sở với những gì mình có.
Hỏi: Theo anh thì chức năng của điện ảnh là gì?
NTK: Điện ảnh có nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là: 1) tác động đến người khác, 2) gây ý thức, 3) giải trí. Tôi nghĩ một bộ phim thành công thì cân bằng được cả ba yếu tố đó.
Hỏi: Anh nghĩ gì về chức năng gây cảm hứng (inspire) của điện ảnh?
NTK: Điện ảnh là sức mạnh. Cũng giống như đất sét, nếu gặp đúng người thì điện ảnh có thể kể câu chuyện của cả một thế hệ. Ảnh hưởng của điện ảnh có thể tức thì hoặc lâu dài. Có thể trong mấy chục năm người ta không nhận ra giá trị của nó, nhưng nó cũng có thể là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ và những người kể chuyện trong tương lai. Khi mình làm ra một cuốn phim, mình bày hết tâm hồn và trái tim của mình ra cho mọi người thấy, nghe, suy nghĩ, phê bình. Mình đã tuyên bố quan điểm của mình, mình đã kể câu chuyện của mình, mình đã để cho người ta nghe thấy tiếng nói riêng của mình. Một số người sẽ đồng cảm với câu chuyện, một số khác thì không. Nhưng mình đã đưa câu chuyện của mình ra trước mọi người và rồi nó sẽ có một cuộc sống riêng của nó. Không ai biết được chính xác là nó sẽ đi về đâu. Mình chỉ hy vọng là nó làm động lòng mọi người, truyền cảm hứng, và giải trí cho mọi người. Tôi may mắn là có cơ hội kể câu chuyện của mình.
Hỏi: Những câu chuyện nào về Việt Nam mà anh muốn thấy nhiều hơn trong phim Việt Nam hoặc phim nước ngoài làm về Việt Nam?
NTK: Tôi muốn thấy nhiều hơn những phim kịch tính, dựa theo nhân vật (character-driven) do các nhà làm phim trẻ người Việt Nam khắp đất nước thực hiện. Tôi muốn nghe những câu chuyện của họ do chính họ kể.
Hỏi: Anh nghĩ mình đã đóng góp gì vào nền điện ảnh Việt Nam? Ngược lại, Việt Nam đã thay đổi cuộc sống của anh như thế nào?
NTK: Tôi nghĩ mình chỉ mới bắt đầu làm quen và tìm hiểu môi trường ở đây. Tôi muốn tiếp tục kể những câu chuyện thú vị có tính truyền cảm hứng đến thế hệ những người làm phim trẻ ở Việt Nam. Công nghệ điện ảnh Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay hình đổi dạng. Do những hạn chế về mặt kinh phí mà có sự giới hạn trong việc làm những bộ phim thể loại nào, bởi vì nhà đầu tư đương nhiên là muốn thu lại vốn và kiếm lời. Mà làm những phim về nghệ thuật hoặc phim chính kịch dựa vào nhân vật là chấp nhận rủi ro. Một khi cơ sở hạ tầng yên ổn, ví dụ có nhiều rạp phim khắp cả nước hơn và nhiều đầu tư hơn để sản xuất phim, lúc đó công nghệ điện ảnh sẽ phát triển và các nhà làm phim sẽ có nhiều cơ hội hơn để kể những câu chuyện thú vị hơn. Đã sống ở Việt Nam hơn 8 năm qua, tôi đã học được cách quan tâm hơn đến mọi người, thấu hiểu hơn và cảm thông hơn. Tôi thấy mình may mắn là có cơ hội làm chuyện mình yêu thích.
Hỏi: Trong 5, 10 năm nữa công nghệ điện ảnh Việt Nam ở đâu?
NTK: Nó sẽ tiếp tục phát triển. Hy vọng rằng lúc đó phim không chỉ dành cho khán giả việt nam xem mà cho cả thế giới cảm nhận và thưởng thức.
Hỏi: Trong 5, 10 năm nữa thì anh ở vị trí nào?
NTK: Tôi hy vọng mình vẫn tiếp tục làm phim và dạy học. Cả hai công việc này đều làm cho tôi mãn nguyện.
Hỏi: Nếu phải miêu tả cuộc sống của anh ở Việt Nam, bức tranh đó sẽ như thế nào?
NTK: Đó sẽ là bức tranh của một người vẫn tiếp tục đi tìm sự bình an trong lòng. Tôi chưa làm được bộ phim hay nhất trong khả năng của mình, và hy vọng cơ hội vẫn tiếp tục đến. Tuy nhiên, tôi không muốn vội vàng. Tôi sẽ chờ đến một thời điểm và một sự hợp tác thích hợp mà cho phép tôi làm một bộ phim theo ý mình, cho dù lúc đó tôi có phải làm phim với kinh phí thấp đi chăng nữa. Tôi muốn hòa mình vào phong trào làm phim độc lập ở Việt Nam. Tôi muốn kể những câu chuyện nhỏ với các nhân vật có sức thu hút mạnh làm cho khán giả khắp thế giới phải đồng cảm.
Hỏi: Những thứ yêu thích của anh về Việt Nam là gì: sách, món ăn, nhân vật lịch sử?
NTK: Tôi xin tuyên bố nhé: tôi yêu thích các món ăn Việt Nam từ cả ba miền của đất nước. Thức ăn đem người ta lại gần nhau. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm cho gia đình gắn bó qua những món ăn ngon mẹ nấu. Một gia đình ăn chung với nhau thì gắn bó với nhau. Nhưng bây giờ tôi ở xa, ăn món ăn Việt Nam làm tôi thấy như mình ở nhà.
Anvi Hoàng (Viendongdaily)