TIN LUÂN ĐÔN - Hàng chục thiếu niên người Việt Nam bị bọn buôn người đưa lậu tới Anh quốc trồng cần sa đã được cảnh sát giải cứu nhưng sau đó bỏ trốn. Báo giới Anh đã nêu nhiều thông tin liên quan tới nan đề người Việt mất tích ở xứ sở này. Đáng chú ý nhất là bài The Vanished của Sam Judah, đăng trên trang Magazine của BBC News Online. Judah khởi đầu phóng sự điều tra của ông sau khi quan sát những trang tin về trẻ mất tích ở Anh. Nhà báo này nhận ra rằng, đa số thiếu niên mất tích có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Xem xét cẩn thận hơn thì gần như tất cả đều đến Anh từ… Việt Nam. Trong quá trình đi tìm câu trả lời, Judah phát giác phần lớn các thiếu niên mất tích có nhiều điểm chung: Được những nhóm tội phạm buôn người đưa vào Anh.
Bị bóc lột, bị ép trồng cần sa, bị đánh đập tàn tệ. Được giải thoát và được một số gia đình nhận nuôi hoặc được đưa vào các trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên những thiếu niên đó lại bỏ trốn, tự nguyện tìm về với những kẻ chăn dắt mình. Chloe Setter, làm việc cho một tổ chức thiện nguyện có tên là Ecpat UK, giải thích rằng, các mạng lưới tội phạm kiềm chế cả nạn nhân lẫn gia đình các em. Những kẻ buôn người nói với các em rằng, nếu tìm cách chạy trốn, chúng sẽ xử các em hoặc gia đình các em ở Việt Nam. Đó là lời đe dọa rất thật, bởi bọn chúng biết rõ gia đình các em.
Tại Việt Nam, những kẻ môi giới mời chào, hứa hẹn với phụ huynh là con em họ sẽ được đi làm, đi học và nhiều phụ huynh bán nhà cửa để cho con em họ sang Anh. Chi phí mà phụ huynh phải trả cho các tổ chức buôn người để đưa con em họ sang Anh có thể lên tới 15,000 bảng, chưa kể tiền lãi. Khi tới Anh, đa số những đứa trẻ này bị buộc phải trồng cần sa cho các nhóm tội phạm. Một chuyên viên chống ma túy tên là Harry Shapiro nhận xét, việc trồng cần sa khởi đầu từ các băng nhóm tội phạm ở Canada. Hoạt động này bùng phát tại Anh kể từ năm 2004 và các băng nhóm người Việt kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp trồng cần sa ở Anh. Các nhà máy sản xuất cần sa thường nằm trong các căn nhà ở các khu dân cư với qui mô nhỏ để tránh cảnh sát.
Các thiếu niên Việt Nam được đưa sang Anh đều ở trong những căn nhà như vậy. Klara Skrivankova, làm việc cho Tổ chức chống nô lệ quốc tế (Anti-Slavery International) bảo rằng: Có những băng nhóm tội phạm người Anh hay người Hoa tham gia vào những hoạt động như vậy nhưng chủ yếu vẫn là người Việt, và điều này đúng trên toàn châu Âu! Bà Skirivankova nói thêm: Các băng nhóm người Việt nhắm vào chính người Việt và điều đó giải thích tại sao có nhiều thiếu niên người Việt được đưa đến Anh. Năm ngoái, có 96 thiếu niên người Việt được chuyển cho cơ quan quản lý tình trạng buôn người của chính phủ Anh, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh. Người ta ước đoán có hơn một nửa số thiếu niên bị bán qua Anh, được cảnh sát đưa vào các trung tâm bảo trợ đã biến mất.
SBTN