Ai cũng già hơn hôm qua, tháng trước, và năm ngoái… Thế nhưng, tốc độ lão hóa của cơ thể sẽ khác biệt cho từng cá nhân hay một số chủng tộc sau một thời gian dài hơn, 5, 10, 20 năm hay hơn nữa.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc lão hóa, và có cách gì làm chậm lại hay không?
Sau tuổi 30, tiến trình lão hóa bắt đầu và tốc độ càng tăng dần sau 40 tuổi trở đi, với sự tuột dốc của tình trạng sức khỏe, kéo theo một số bệnh tật liên hệ với tuổi già, ví dụ như như tăng cân, tăng mỡ bụng, và giảm trí nhớ.
Có thể nói sự già cỗi là kết quả của hai tác động: yếu tố di truyền và lề lối sống.
Về di truyền, chỉ trừ một số rất ít, có những gene đặc biệt khiến cho họ chậm già và sống lâu hơn mọi người. Còn lại hầu hết mọi người chúng ta ai cũng có một bộ gene giống nhau, đến 99.5% quy định chủng loại loài người, và chỉ có 0.5% quy định sự khác biệt giữa mỗi cá nhân.
Theo ước lượng, chỉ có 10% bệnh tật hay yếu tố nguy cơ bệnh tiềm ẩn là do di truyền, còn lại 90% là do yếu tố môi trường và lề lối sống. Có nghĩa là, cho dù một số yếu tố nguy cơ do gene quy định, nhưng bệnh có phát tác hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn về lối sống của mỗi cá nhân. Đại khái, gene di truyền là một thùng chất nổ, yếu tố môi trường là ngòi nổ, và cá nhân có quyền chọn lựa để châm ngòi nổ ấy hay không. Tất cả những thói quen thường ngày từ tâm hồn đến thể xác, từ chuyện đi đứng, ăn uống, nghỉ ngơi đều có tác động lên từng tế bào của cơ thể.
Về cơ bản, sự lão hóa xảy ra khi tế bào bị hư hại, bị chết cần phải được thay thế bằng các tế bào mới qua sự phân chia của tế bào gốc. Tuy nhiên sự phân chia ấy cũng có giới hạn của nó, để rồi cuối cũng sự mất mác không được bù đắp. Có năm yếu tố chính thay đổi tiêu biểu cho sư lão hóa:
1.Thoái hóa về khối lượng bắp thịt và chất collagen.Sau tuổi 30, mức độ tiêu thụ thức ăn sẽ chậm lại, trung bình sẽ mất khoảng 5 pounds bắp thịt cho mỗi thập niên, thay vào đó là mỡ, nhiều nhất là mỡ bụng. Ngoài ra chất collagen là một thành phần của chất gân, sụn và các mô dưới da. Mất collagen làm cho da nhăn nheo, nhưng dễ thấy hơn hết là da mặt, da cổ và da của hai bàn tay.
2.Thoái hóa về tế bào thần kinh.Theo năm tháng, tế bào thần kinh sẽ chậm lại. Lý do vì bị oxide hóa bởi những hạt “free radical”, như những chiếc đinh vít bị rỉ sét. Bộ hippocampus nằm ngay dưới lớp chất xám của não chuyên về trí nhớ, sáng tạo, và tâm tính sẽ teo lại. Khi bị stress thường xuyên, tế bào não chết dần mòn, hoặc tăng chất beta-amyloid làm tăng nguy cơ bị Alzheimer.
3.Thoái hóa về hormone.Khi lớn tuổi, lượng hormone sinh dục bị giảm làm tăng mỡ, tăng xốp xương. Riêng phụ nữ, thiếu estrogen làm cho da bớt căng và mất tóc. Các tế bào cũng trở nên vô cảm với hormone insulin gây ra bệnh tiểu đường.
4.Thoái hóa về hệ thống tiêu hóaKhoảng 70% của hệ thống đề kháng thật sự nằm ở trong đường ruột với sự góp mặt của các loại vi khuẩn tốt. Sự mất cân bằng của các loại vi khuẩn tốt nầy sẽ làm cho chất bổ từ thức ăn không thấm vào máu được. Các vi khuẩn này cũng tiết ra chất serotonin, thiếu serotonin sẽ dễ bị phiền muộn và trầm cảm.
5.Ô nhiễm môi trườngÔ nhiễm môi trường, ngày càng nhiều, sẽ tác động trực tiếp lên sự hao mòn của từng tế bào nội tạng, chưa kể đến nguy cơ bị ung thư này nọ.
Hiện tượng lão hóa là điều không thể tránh khỏi được, không phải ai cũng may mắn có được những gene trẻ mãi chậm già. Tuy nhiên, ta có thể lợi dụng những phương tiện, những hiểu biết để làm chậm bớt bước tiến của sự lão hóa.
Có một số dân tộc, quốc gia trên thế giới với nhiều người sống thọ và khỏe mạnh. Hầu hết những người nầy đều có thói quen, nếp sống tốt có thể mở hoặc tắt một số gene trong cơ thể khiến cho họ sống lâu hơn trung bình độ 12 năm. Họ thường sống ở miền núi hay miền biển. Họ ăn nhiều cá và thực phẫm tươi. Họ cũng ăn nhiều thực phẫm có nhiều chất antioxidants, ví dụ như rong biển ở Okinawa, Nhật, hoặc ăn nhiều dầu olive, uống nhiều rượu vang đỏ như ở Sardina, Ý. Người dân ở đảo Icaria, Hy Lạp sống thọ hơn dân Âu Châu, trung bình khoảng 10 năm, với hơn 1/3 dân số sống trên 90 tuổi mà rất sáng suốt, không bệnh tật. Lý do, họ đi bộ nhiều, ăn nhiều rau cải, và thức và ngủ theo ánh mặt trời.
Cho dù không sống trong những môi trường trên đây, một số thói quen tốt có thể thực hiện được như:
Nên bớt ăn tinh bột và thực phẩm đóng hộp, chế biến. Ăn nhiều rau cải, cá tươi hơn là thịt. Nên ăn tối ba giờ trước khi đi ngủ và cách khoảng 12 tiếng từ buổi ăn tối cho đến buổi ăn sáng hôm sau. Tuy rằng buổi ăn sáng rất quan trọng, nhưng thỉnh thoảng có thể dời buổi ăn sáng lại để cơ thể được nghỉ ngơi 16 tiếng. Nên đánh răng tối thiểu ngày hai lần. Nên tập thiền và yoga và tập thể dục 30 phút, từ 3 đến 6 lần mỗi tuần. Cuối cùng, nên tìm cách ngủ ngon và ngủ nhiều.
Một số thuốc men có sẵn trong tủ thuốc được xem là có khả năng kéo dài tuổi thọ. Thí dụ như thuốc aspirin, thuốc tiểu đường metformin, thuốc giảm cholesterol statins, và gần đây nhất là thuốc trụ sinh doxycycline.
Nếu cần phải uống thuốc thì nên theo lời dặn của bác sĩ, nhưng không nên uống những thứ thuốc không cần thiết. Càng đơn giản về thuốc men càng tốt.
Sự lão hóa là chuyện tự nhiên của trời đất, không thể cưỡng lại vào không thể tránh khỏi. Nên chấp nhận nó là một phần của cuộc hành trình, và không phiền muộn hay tuyệt vọng. Đây là giai đoạn chuyển hướng từ cái trẻ cái đẹp bên ngoài, trở về cái đẹp bên trong của chân thiện mỹ. Hãy sống vui và sống khỏe mỗi ngày, trẻ ở trong tâm hồn là điều quan trọng hơn cả.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:
www.bacsihongocminh.com.