Bích chương của vài trong số 30 phim trình chiếu tại Đại hội Điện ảnh Việt Film Fest 2018, gồm 13 phim dài và 17 phim ngắn. (Ảnh
http://www.vietfilmfest.com)
Một bà cụ goá gốc Việt giam mình suốt ba năm trong căn chung cư nhỏ đâu đó trên đất Pháp từ sau khi chồng bà qua đời cho tới khi một thanh niên trợ tá xã hội gốc Việt do tình cờ bước vào đời cụ. Mặc dù bà bất bình vì nỗi cậu trợ tá sinh ra và lớn lên tại Pháp không nói được tiếng mẹ đẻ, song dần dà bà cụ chấp nhận cậu, còn để cậu ta thuyết phục bà ra khỏi nhà đi dạo xuân trong chiếc áo dài mầu đỏ đã lâu bà không sỏ tay vào. Những trao đổi với bà cụ nặng tình quê hương cũng đã làm thức dậy trong người thanh niên mối quan tâm về di sản của cha mẹ cậu mà đã từ lâu cậu không quan tâm, và cậu cho bà cụ biết cậu tính về Việt Nam lần đầu tiên vào hè tới. (“Feuilles de Printemp/Lá Xuân,” Stephane Ly-Cuong, France, 2015, 13 minutes)
Một bà mẹ trẻ gốc Việt sống với con gái nhỏ và làm việc cho một tiệm thực phẩm ở Cộng Hoà Tiệp. Trong khi chị mong con học hỏi để sớm hội nhập và có một tương lai tốt đẹp trong đời sống tại đây, chị đồng thời cảm thấy bị gạt ra lề khi con gái tận tình hoà nhập với đời sống Tiệp, kể cả việc có bạn trai người bản xứ và trang hoàng căn chung cư của hai mẹ con để mừng Lễ Phục Sinh trong khi chị là một Phật tử thuần thành. (“Easter/Lễ Phục Sinh,” Chih Chieh Wu, Czech Republic, 2017, 10 minutes)
Một ông bố chọn ở lại Đức sau khi bức tường Bá Linh đổ để nuôi đứa con trai nhỏ sau khi mẹ nó bỏ về nước. Ông mở một tiệm tạp hoá và trái cây để nuôi con. Cậu con thích các hoạt động thể dục thẩm mỹ nên lẽ ra phải theo học đại học ở Bá Linh để sau này có một đời sống đỡ cực hơn thì cậu ta bỏ học về nhà. Giấc mơ của cậu là mở một trung tâm thể dục thẩm mỹ cùng với người bạn Đức hiện đang giúp việc tại tiệm của ông bố. Ông bố tức giận, rồi lâm bệnh, phải vào bệnh viện. Khi rời viện, ông hiểu giấc mơ của con, nên đồng ý bán tiệm và chiếc xe hơi cưng của mình, giao tiền cho con thực hiện giấc mơ của cậu. (“Obst & Gemuse/Táo và Cam,” Duc Ngo Ngoc, 2017, 30 minutes)
Một ông bố gốc Việt khác ở Mỹ thì lại không được may mắn như thế. Cậu con vị thành niên của ông mơ trở thành một nhạc sĩ. Ông bố, giống như nhiều bậc cha mẹ gốc Á khác, vì đã phải cực nhọc tái tạo đời mình ở quê người nên muốn thấy con cái học hành thành đạt thành bác sĩ, kỹ sư để có một đời sống khá hơn. Khi đơn xin học tại một trường đại học danh giá của cậu con bị từ chối, ông bố nổi giận cật vấn và cho cậu một bạt tai. Không chịu nổi áp lực của bố, cậu con nhẩy lầu tự tử. Cảnh cuối của phim là hình ảnh một cậu bé sung sướng vừa đi vừa gẩy đàn ca hát đầy mãn nguyện. (“The Broken Bond/Mối Ràng Buộc Rạn Vỡ,” Chau Hoang, Uy Do and Alena Nguyen, USA, 2018, 10 minutes)
Khi chính quyền địa phương muốn giải toả các làng nổi trong Vịnh Hạ Long, một Di sản Thế giới, để phát triển du lịch, và, nhân danh bảo vệ môi trường, họ tìm cách dời các gia đình sinh sống tại đây đã nhiều đời về các ngôi nhà mới xây trên đất liền. Trong số những gia đình dời cư có gia đình anh Nguyễn Văn Cường cùng vợ và cậu con vị thành niên. Mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà mới, nhỏ song khá khang trang. Ngoài ra, không có một chương trình nào nhằm giúp họ thích nghi với đời sống xa lạ trên đất liền, kể cả huấn nghệ cho những người quen sống với biển. Dần dà, bị thúc đẩy bởi tình trạng thất nghiệp, con cái lêu lổng, nhiều gia đình trong đó có gia đình anh Cường đã lén lút trở lại với đời sống trên biển. (“Farewell Ha Long/Tạm Biệt Hạ Long,” Duc Ngo Ngoc, Germany, 2017, 98 minutes)
Bên trên là một số trong 30 phim (được chọn trong số 61 phim gửi tới tham dự), gồm 13 phim dài với 17 phim ngắn, được trình chiếu tại Đại hội Điện ảnh VFF kỳ thứ 10 diễn ra vào các ngày 12, 13 và 14 tháng Mười tại rạp AMC 30 ở thành phố Orange, Nam Cali. Các phim được trình chiếu đã phản ảnh đời sống đa dạng của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, một khía cạnh đặc thù của đại hội.
Chương trình đại hội do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (Vietnamese American Arts and Letters Association - VAALA) tổ chức được thành hình hoàn toàn do các tình nguyện viên bỏ công sức và thì giờ ra thực hiện, với sự bảo trợ của các cơ sở thương mại và sự cộng tác của nhiều tổ chức văn hoá và truyền thông địa phương. Ngoài ra cũng phải kể tới sự tình nguyện suốt ba ngày đại hội của trên 60 thanh thiếu niên nam nữ đã tiếp tay với tất cả hào hứng, hồn nhiên của tuổi trẻ.
Các phim góp mặt trong hội phim năm nay hoặc do các nhà làm phim gốc Việt thực hiện, hoặc do các nhà làm phim ngoại quốc song khai thác đề tài liên quan đến Việt Nam, như điều kiện tham dự hội phim của VAALA. Các phim gửi về tham dự năm nay đến từ Gia Nã Đại, Cộng Hoà Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Mã Lai, Việt Nam, Anh và Mỹ. Được biết số người tham dự trong ba ngày hội có khoảng trên 3,500 người.
Hội đồng Quản trị VAALA/VFF2018: từ trái, Ysa Lê, Yvonne Trần, Thủy-Vân Nguyễn, Giana Nguyễn, Thúy Võ-Đặng, Tú-Uyên Nguyễn, Julie Võ, và Ann Phong. Phía sau họ là bảng danh sách các nhà bảo trợ và cộng tác viên trong chương trình hội phim năm nay. (Photo collage Trùng Dương)
Ngày đầu của hội phim rơi vào ngày Thứ Sáu, và như mọi năm, đây là ngày dành cho khoảng 400 học sinh trung học trong vùng (buổi sáng) và các vị cao niên (buổi trưa), vào cửa tự do. Bộ phim dành cho học sinh gồm sáu phim ngắn, với chủ đề “Tình Yêu Muôn Dạng/Love In Its Many Forms.” Trong khi đó, các phim dành cho giới cao niên khai thác chủ đề “Mối Tương Quan Trong Gia Đình của Người Di Dân/Family Dynamics in the Diaspora,” gồm năm phim ngắn. Phim dài từ 5 đến 30 phút, với ba phim đã đưọc tóm tắt ở trên – “Lá Xuân,” “Lễ Phục Sinh” và “Táo và Cam.”
Đây là lần thứ tư tôi có dịp dự hội phim này. Lần này tôi nhận thấy trong khi buổi chiếu phim dành cho học sinh trung học từ các trường trong vùng không còn chỗ ngồi, nhiều người phải đứng, và các em phản ứng vui nhộn, hồn nhiên trước một số cảnh trong các phim; thì buổi dành cho các vị cao niên khá thưa thớt, thầm lặng. Cũng không lấy gì làm đông lắm là buổi chiếu phim “Chân Trời Tím” vào chiểu ngày Chủ nhật. Phim “Chân Trời Tím,” dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang, do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện vào năm 1971 dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, với sự góp mặt của hai nghệ sĩ tên tuổi thời đó là Hùng Cường và Kim Vui. Do lời mời của ban tổ chức, nữ nghệ sĩ Kim Vui, tuy đã ngoài 80, cũng đã tới hội ngộ với khán giả.
Thường khi những phim thời VNCH trình chiếu, nhiều người thuộc thế hệ tôi (trên dưới 70) thích xem để có dịp nhìn lại những hình ảnh xưa trên quê hương. Sự thưa thớt góp mặt lần này của họ nói lên một điều đáng buồn, dù tự nhiên: thế hệ gốc Việt thứ nhất đang dần vắng bóng.
Phim sản xuất ở hải ngoại so với phim từ trong nướcTrong tổng số phim trình chiếu, có khoảng 10 phim đến từ Việt Nam, với đại đa số là phim truyện, dài từ trên một tới hai tiếng để có thể chiếu ở rạp. Phần lớn khai thác những đề tài nhẹ nhàng, hoặc vô thưởng vô phạt, có lẽ để dễ thông qua kiểm duyệt và để lôi cuốn giới trẻ. Chẳng hạn như một mối tình vượt biên giới ngôn ngữ và văn hoá (trong “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè,” 2018, của Cao Thúy Nhi, quay phần lớn tại Nhật với một số cảnh ở Đà Lạt); một phim giễu về mối tình đầu của một cậu học trò trung học (“Cô Gái Đến Từ Hôm Qua,” 2018, của Phan Gia Nhật Linh); và một phim dựng lại phim Đại Hàn nổi tiếng (“Tháng Năm Rực Rỡ,” 2018, của Nguyễn Quang Dũng). Hai phim truyện khác, như “Cô Hầu Gái,” 2016, do Derek Nguyễn thực hiện, một loại phim kinh dị có bối cảnh thời Pháp thuộc; và một phim kinh dị khác, “Ống Kính Sát Nhân,” 2017, của Nguyễn Hữu Hoàng.
Trong khi đó, phim do các nhà làm phim Việt hải ngoại thực hiện phần lớn là phim ngắn, với phần lớn thực hiện bởi các nhà làm phim tài tử (có nghĩa là không sinh sống bằng điện ảnh). Lý do, theo tôi, là vấn đề ngân quỹ. Do đấy mà từ hơn 10 năm qua, có nhiều người trẻ tốt nghiệp điện ảnh ở Mỹ đã phải khăn gói về Việt Nam làm phim vì đỡ tốn kém, dễ tìm được nguồn tài trợ cũng như diễn viên chuyên nghiệp, và vì ít ra ở đó họ có khán giả. Derek Nguyễn là một trong những người đó.
Ngược lại thì, theo một số bài báo ở trong nước, những nhà làm phim tốt nghiệp tại Mỹ cũng đã đem về Việt Nam cung cách làm việc có tổ chức và kỹ thuật cao, giúp các nhà làm phim trong nước cải tiến lề lối làm việc của họ.
Hai phim truyện sản xuất ở hải ngoại tương đối dài gồm “Hanh, Solo” (2017, 86 phút), do Jason Taylor đạo diễn và Hạnh Nguyễn đóng vai chính và là đồng tác giả truyện phim. Cuốn phim về một tuần lễ trong đời của chính Hạnh Nguyễn trong nỗ lực đi tìm ý nghĩ cho đời mình sau khi đã bị thất vọng với tình yêu và sự nghiệp. Phim thứ hai là “Lời Rao Cần Diễn Viên/Actress Wanted” (2018, 83 phút), một loại phim kinh dị, của Minh Đức Nguyễn. Cuốn phim kể về một nữ diễn viên trẻ, cần tiền trả tiền thuê nhà, nên nhận lời đóng vai người vợ trong một cuốn phim nhằm diễn lại cuộc tình của nhà làm phim. Phim quay hoàn toàn tại Little Saigon ở Quận Cam, được biết tốn kém thực hiện phim là khoảng $100,000. Buổi chiếu phim này tại VFF 2018 chính là buổi ra mắt lần đầu của “Actress wanted.” Đây là phim thứ hai của Minh Đức Nguyễn. Phim truyện đầu là “Touch” (2011) về mối tình giữa một cô thợ làm móng tay người Việt và một người khách da trắng làm nghề sửa xe có đôi bàn tay cáu bẩn, cũng ra mắt tại VFF vài năm trước. Được biết phim “Actress Wanted” sẽ được chiếu tại Việt Nam cuối năm nay, và sẽ được phát hành hạn chế tại Mỹ trong năm tới.
VFF 2018: Năm của phụ nữ làm điện ảnhĐược biết năm nay hơn 50 phần trăm số phim tham dự là do phụ nữ hoặc đạo diễn hoặc sản xuất. “Nhiều trong số những phim này cho thấy các nhân vật nữ và dòng chuyện mạnh mẽ, điều thường thiếu sót trong các phim dòng chính của Hollywood,” theo thông cáo báo chí của VVF. “Trong thời buổi của các phong trào #MeToo [chống sách nhiễu tình dục] và #OscarsSoWhite [chống thiên vị da trắng của giải Oscar] hiện đang chiếm ngự cuộc đối thoại của quần chúng, các nhà làm phim nữ người Việt đang chứng tỏ họ là những người tranh đấu chống lại tình trạng hiện tại.”
Do đấy một cuộc hội thảo đặc biệt đã được đưa vào chương trình, “Phụ Nữ Việt Làm Phim: Sức Mạnh Của Chuyện,” diễn ra vào ngày thứ hai của hội phim và đã lôi cuốn một số đông dự khán. Cuộc hội thảo có sự góp mặt của bẩy nữ đạo diễn, sản xuất và diễn viên. Đến từ Việt Nam gồm nữ đạo diễn Phạm thị Hồng Ánh của phim “Đảo Của Dân Ngụ Cư” (2017); nhà sản xuất Ngô Thanh Vân của phim “Cô Ba Sài Gòn” (2017), (phim không trình chiếu tại hội phim mà tại một rạp hát ở Westminster cuối tháng Mười và sẽ được gửi đi tranh giải Oscar năm tới); Cao Thúy Nhi, đạo diễn phim “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” (2018), là phim khai mạc đại hội và được trao giải VFF Spotlight Award; và nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm, vai chính trong phim “Đảo Của Dân Ngụ Cư.” Bên phía Mỹ trong hội thảo đoàn có nhà làm phim Quyên Nguyễn-Lê, tác giả phim ngắn “Nước” (2016); diễn viên và nhà viết truyện phim Hạnh Nguyễn, diễn viên và đồng tác giả truyện phim “Hanh, Solo”; và vũ công/diễn viên Loan Hoàng thuộc nhóm Hip Hop Choreography Team Academy Of Villains, California.
Thành viên của cuộc hội thảo Phụ nữ Việt trong Điện ảnh: Sức mạnh của chuyện: từ trái, điều hợp viên Trâm Lê; đạo diễn Phạm thị Hồng Ánh; nhà sản xuất Ngô Thanh Vân; đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê; diễn viên Loan Hoàng; diễn viên và nhà viết truyện phim Hạnh Nguyễn; đạo diễn Cao Thúy Nhi và người phiên dịch của cô; và diễn viên Ngọc Thanh Tâm. (Photo Trùng Dương)
Qua sự điều hợp của Trâm Lê, một thành viên của VAALA, các nhà làm phim này đã chia sẻ hành trình cá nhân đi vào điện ảnh cùng những phấn đấu và thách thức, kể cả nạn kỳ thị đối với phụ nữ, song niềm đam mê nóng bỏng dành cho nghệ thuật đã giúp họ tiếp tục ở lại với cuộc chơi. Những vị nhiều kinh nghiệm và đã thành danh, như Phạm thị Hồng Ánh và Ngô Thanh Vân, đã đóng góp những khích lệ nhiệt thành.
“Quan trọng nhất trong thông điệp của mình cho các bạn trẻ là hãy tìm những câu chuyện mang tính chất văn hóa Việt Nam,” Ngô Thanh Vân, người đã trải qua 10 năm hấp thụ văn hoá Na Uy trước khi trở về nước ở tuổi 19 và hiện là giám đốc một cơ sở sản xuất và phát hành phim, phát biểu với nhiều tự tín. “Phụ nữ chúng ta thường được dậy phải làm gì … Chúng ta nên tự hỏi mình muốn gì, mơ ước gì. Rồi thực hiện mơ ước đó bằng đam mê và với trách nhiệm, làm thế nào để những số phận Việt Nam được đưa lên màn ảnh để quảng bá không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Phụ nữ khi muốn có thể làm được tất cả. Đừng có sợ.”
Phim về những người tha hươngNăm nay, phim tài liệu dài duy nhất được trình chiếu là “Tạm biệt Hạ Long/Farewell Ha Long,” dài 98 phút, do Đức Ngô Ngọc, đến từ Đức Quốc, thực hiện. Trong khi chờ phim bắt đầu, tôi nói với chị bạn đồng hành là chữ “tạm biệt” không chính xác. Phải chờ tới cuối phim tôi mới hiểu ra tại sao cuộc chia tay này chỉ là “tạm.”
Trong buổi hỏi & đáp sau khi phim chấm dứt, đạo diễn Đức cho biết anh và nhóm quay phim đã nhiều lần tới sinh hoạt với cư dân làng nổi Tò Bò Nâu trong Vịnh Hạ Long, mỗi lần kéo dài nhiều ngày, và đã tham dự những buổi nhậu nhẹt với họ để tạo sự tín cậy. Do sự tín cậy này mà anh có dịp đặc biệt sống và theo dõi gia đình anh Nguyễn văn Cường cùng vợ và cậu con vị thành niên trong bối cảnh chung, từ khi họ còn sống trên vịnh tới khi phải rời cư về khu gia cư mới xây trên đất liền, những vấn đề họ phải đương đầu trong đời sống bị bứt khỏi không gian quen thuộc là biển nước, đồng thời là nguồn sinh sống của họ, cho tới khi cuối cùng họ chọn lựa trở về chốn cũ làm kẻ sống bất hợp pháp ngay trên chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Phim “Farewell Ha Long” lẽ ra được trình chiếu tháng Sáu vừa rồi tại Trung tâm Văn hoá Đức tại Hà Nội và Sài Gòn, nhưng đã bị Bộ Thông Tin cấm. Lý do: “Giấy phép để quay phim này là để làm phóng sự mà thôi. Phim không phù hợp để chiếu vào lúc này,” theo trang Web Hanoi Grapevine. Độc giả muốn xem phim này xin mời vào
https://vimeo.com/ondemand/farewellhalongCùng một bộ với phim “Farewell” là một phim tài liệu ngắn (10 phút) khác, cùng đề tài về những kẻ tha hương, tựa là “Bị Kẹt/Limbo” (2018) do Lan Nguyễn và David Lưu thực hiện. “Bị Kẹt” là trường hợp của anh Tùng Nguyễn, một nhà hoạt động trong cộng đồng và thành viên của chương trình học bổng Soros Justice Fellow dành cho những nhà vận động cho công cuộc cải tổ hệ thống pháp lý tại Quận Cam, Nam Cali. Anh Tùng hiện nằm trong danh sách trên 8,600 người Việt sẽ bị trả về Việt Nam trong chính sách chống di dân của Tổng thống Trump. Khi còn vị thành niên, Tùng phạm pháp và đã ở tù cho tội của mình. Anh cần sự ân xá của Thống đốc Brown của California để có thể xin chính phủ liên bang mở lại hồ sơ di dân của mình. Muốn tìm hiểu thêm và tiếp tay với anh Tùng, xin liên lạc [img]mailto:tungnguyen1030@yahoo.com">tungnguyen1030@yahoo.com.
Youth in Motion: chương trình huấn luyện làm phim cho giới trẻCuối cùng, không thể không đề cập đến một chương trình có lẽ đặc biệt chỉ có trong một hội phim như VFF, đó là Youth in Motion nhằm khuyến khích giới trẻ trong cộng đồng làm quen với điện ảnh, vừa là một cách để giúp họ có cơ hội giãi bày tâm tình mình.
Trong khi các thành viên VAALA bận rộn nhận và tuyển chọn phim bắt đầu từ tháng Tư, bên cạnh những công tác khác liên hệ tới việc tổ chức hội phim, hai phụ nữ trẻ tình nguyện nhận điều hành chương trình YIM, Tú Nguyễn, một chuyên viên thu hình, và Uyên Hoàng, tốt nghiệp UCLA ngành Y tế công cộng và Á châu học, bận rộn với việc tổ chức huấn luyện các em làm quen với hành trình thực hiện và phối hợp sản xuất một số phim ngắn.
Kết quả là năm nay các thành viên của YIM có một số phim ngắn trình chiếu tại hội phim, khai thác những đề tài nóng của giới vị thành niên như trầm cảm, lo âu, và tự sát. Một trong những phim trình chiếu là “The Broken Bond/Mối Ràng Buộc Rạn Vỡ,” như đã tóm tắt ở trên, đã lôi cuốn một cuộc hội thoại sôi nổi trong buổi hỏi & đáp sau đó.
“Mối Ràng Buộc,” do Châu Hoàng và Uy Đỗ đồng đạo diễn, chỉ có 10 phút nhưng chuyên chở một thông điệp mạnh mẽ tới các bậc cha mẹ gốc Á, nhiều người có khuynh hướng áp lực con cái theo đuổi những ngành học có khi đi ngược lại với ước vọng của họ. Tuy là chuyện tưởng tượng, nhưng ít nhiều cuốn phim làm người xem nhớ tới một chuyện thương tâm đã xẩy ra trong cộng đồng Quận Cam cách đây chục năm, đó là vụ cậu Sơn Lam Nguyễn đã bóp cổ mẹ đến chết vì không chịu nổi áp lực của bà khi muốn cậu học thành bác sĩ.
“’The Broken Bond’ là đứa con tinh thần của hai em Châu Hoàng và Uy Đỗ,” Tú Nguyễn trả lời trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thư. “Hai em cùng viết và đạo diễn toàn bộ cuốn phim và đã tạo nên một sản phẩm khá ấn tượng. Không em nào đã từng làm phim trước đó.”
Các tham dự viên của chương trình Youth in Motion: A Workshop for Emerging Filmmakers, từ trái: Brittany Nguyễn and Libbe Phan, tác giả “Untold Secrets From Depression/Những bí mật chưa được tiết lộ của sự trầm cảm”; James Vong và Tina Tiêu của “Altarlife/Đời sống trên bàn thờ”; Uy Dỗ, Sơn Lê (đóng vai người cha), Bach Võ and Châu Hoàng, tác giả “The Broken Bond/Mối ràng buộc rạn vỡ”; and Vy Nguyễn, tác giả “Dear Michael.” (Photo Trùng Dương)
Do kinh nghiệm với chương trình YIM, “Uy gần đây đã đổi ngành học sang chuyên về điện ảnh, trong khi đó Châu học về nhiếp ảnh,” Tú Nguyễn cho biết. “Vì trước đó các em cũng đã thích làm phim nên các em muốn khai thác sức sáng tạo và dành nhiều thì giờ hơn bên ngoài chương trình huấn luyện dể thực hiện cuốn phim.”
“Đây là năm đầu Uyên và tôi tiếp tay điều hành Youth in Motion,” Tú nói cho cả cô và người đồng điều khiển chương trình, Uyên Hoàng. “Tụi này được [VAALA] mời trở lại năm tới và rất hào hứng có dịp tiếp tục nuôi dưỡng và cải tiến chương trình. Uyên và tôi
mỗi người mang tới cho chương trình khả năng đặc thù của mình. Uyên có rất nhiều kinh nghiệm về dậy học và điều khiển các nhóm đông người […] Còn tôi lo về cố vấn kỹ thuật và giúp một tay tại phim trường khi cần. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ để sắp đặt chương trình huấn luyện và đứng ra làm điều hợp viên ở mỗi buổi học. Chúng tôi mướn các nhà làm phim chuyên nghiệp, phần lớn là chuyên viên gốc Việt, để dậy các em về cách đặt để ánh sáng, kể chuyện, xử dụng máy thu hình, và ráp nối.”
“Sau khi điều khiển chương trình năm nay, chúng tôi có khá nhiều ý kiến về các cách mở rộng và cải tiến chương trình cho năm tới,” Tú nói. “Vậy xin nhớ theo dõi chúng tôi vào năm 2019 nghe!”
VAALA cho biết hội phim năm tới sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến 13, 2019. [TD, 10/2018]
Trùng Dương/Việt Báo