Diễn viên Pháp Audrey Tautou thành danh nhờ bộ phim Amélie Poulain của đạo diễn Jean Pierre Jeunet REUTERS /Jean-Paul Pelissier
Báo Le Figaro hôm 04/11/2018 công bố danh sách 100 bộ phim tiếng nước ngoài hay nhất mọi thời đại, qua đó khẳng định ưu thế của hai nền điện ảnh Pháp và Nhật Bản. Cuộc bình chọn này do cơ quan truyền thông Anh BBC thực hiện. Từ ‘‘ngoại ngữ’’ ở đây được dùng để chỉ các bộ phim không sử dụng tiếng Anh.
Danh sách 100 bộ phim ngoại ngữ hay nhất được đúc kết từ cuộc trưng cầu ý kiến của 209 nhà phê bình đến từ 43 nước trên thế giới. Cách đây vài năm, Viện phim Mỹ American Film Institute cũng như hãng truyền thông BBC đã thực hiện những cuộc bình chọn tương tự, ưu thế của các bộ phim nói tiếng Anh qua lăng kính của các nhà phê bình Anh-Mỹ, có thể giải thích vì sao cuộc trưng cầu ý kiến lần này được dành riêng cho các bộ phim không dùng tiếng Anh.
Theo kết quả bình chọn năm 2018, có tới 67 đạo diễn nổi tiếng đến từ 24 quốc gia khác nhau. Nền điện ảnh Pháp đứng đầu với tổng cộng 27 bộ phim của mọi thời kỳ : xưa nhất là các tác phẩm L’Atalante của Jean Vigo (1934), Les Règles du Jeu (Luật chơi - 1939) của Jean Renoir, gần đây hơn là bộ phim Amour (Tình yêu - 2012) của đạo diễn người Pháp gốc Áo Michael Haneke.
Michael Haneke đoạt Cành cọ vàng liên hoan Cannes nhờ bộ phim Amour © Reuters
Điện ảnh Nhật Bản cũng nổi bật không kém vì có đến 11 bộ phim nằm trên danh sách 100 bộ phim ngoại ngữ hay nhất mọi thời đại, nhưng quan trọng hơn nữa là có tới 3 bộ phim của Nhật nằm trong số 5 tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng. Hạng nhất là Seven Samurai (Bảy võ sĩ samurai - 1954) của Akira Kurosawa, hạng ba là bộ phim Voyage à Tokyo (Chuyến đi Tokyo - 1953) của Yasujiro Ozu và hạng tư là Rashomon (La Sinh Môn - 1950) cũng của đạo diễn Akira Kurosawa.
100 phim của 67 đạo diễn, điều đó có nghĩa là một số tác giả được vinh danh nhiều lần. Ngoài Kurosawa, các đại thụ của làng điện ảnh quốc tế vẫn là Ingmar Bergman (Thụy Điển), Luis Bunuel (Tây Ban Nha) mỗi người có tới 5 phim trên danh sách. Về phần mình, Andrei Tarkovski (Nga) và Federico Fellini (Ý) có tới 4 tác phẩm được đề cao. Abbas Kiaostami (Iran), Jean Luc Godard (Pháp) và Vương Gia Vệ (Đài Loan) mỗi người đều có 3 phim trên danh sách.
Cảnh phim nổi tiếng Dolce Vita của Fellini với Anita Ekberg & Marcello Mastroianni trong đài phun nước Trevi Wikipedia Commons
Nhìn chung, đã có hơn 200 nhà phê bình quốc tế đã tham gia cuộc trưng cầu ý kiến năm 2018. Đại đa số là các ngòi bút chuyên viết về điện ảnh cho các tờ báo lớn hay các nguyệt san văn hóa đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong số này, có khoảng 10% là giáo sư đại học từng nghiên cứu, giảng dạy hay viết tiểu luận về nghệ thuật thứ bảy.
Phần lớn các nhà phê bình quốc tế đều công nhận tầm ảnh hưởng lớn của nền điện ảnh Pháp, với 27 phim Pháp trên tổng số 100 phim được bình chọn. Đối với họ, điện ảnh Pháp sáng chói từ thời hậu chiến với các đạo diễn như Max Ophuls (Madame de - 1953), Jules Dassin (Rififi - 1955), Alain Resnais (Hiroshima mon amour - 1959). Thế nhưng, thời kỳ quan trọng nhất vẫn là những năm 1960, thời của những đạo diễn thuộc phong trào Nouvelle Vague (Làn sóng mới).
Điều này giải thích vì sao có tới 12 trong số 27 bộ phim Pháp nổi tiếng trên danh sách được quay vào thập niên 1960. Đây là thời kỳ đăng quang của các đạo diễn François Truffaut (Les 400 coups, Jules & Jim), Robert Bresson và Jean Luc Godard (À bout de souffle - 1960). Cặp vợ chồng đạo diễn Jacques Demy (Les Parapluies de Cherbourg - 1964) và Agnès Varda (Cléo de cinq à sept - 1962) cũng thành danh vào thập niên này.
Hai đạo diễn Jean-Luc Godard & François Truffaut tại liên hoan Cannes 1968 captura de vídeo / Youtube
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của làn sóng điện ảnh Pháp có vẻ thoái trào trong những năm 1980-1990 vì hầu như không có phim nào được bình chọn. Mãi tới những năm đầu thế kỷ XXI, Jean Pierre Jeunet làm xiêu lòng khán giả trở lại với “Số phận phi thường của cô bé Amélie Poulain” (2001). Còn Michael Haneke thuyết phục giới phê bình tại Cannes cũng như tại nhiều liên hoan khác với câu chuyện thật đau lòng khi đặt lại vấn đề "trợ tử", tự do chọn lựa ngày chết trong bộ phim đề tựa “Amour” (2012).
Khép lại danh sách này, người ta ghi nhận sức sáng tạo của nền điện ảnh châu Á nói chung, bởi vì có tới 25 tác phẩm tức là một phần tư trong số 100 bộ phim ngoại ngữ đến từ lục địa này. Ngoài một số tác phẩm của Hàn Quốc và Ấn Độ, còn có thêm 12 bộ phim tiếng Hoa hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả Hoa lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Hầu Hiếu Hiền, Lý An, Dương Đức Xương). Gương mặt nổi trội bên cạnh các bậc thầy Nhật Bản là đạo diễn Vương Gia Vệ với tổng cộng 3 phim có tên trên danh sách.
Đạo diễn Vương Gia Vệ nhận giải Thành tựu sự nghiệp nhân kỳ kiên hoan Lumière tại Lyon 2017 Jean-Luc Mège
100 bộ phim ‘‘ngoại ngữ’’ đến từ mọi thời đại, thật ra cũng chỉ là hạt muối trong vùng đại dương bao la mênh mông của làng điện ảnh thế giới. Tùy theo góc nhìn, danh sách của một nhà phê bình này vẫn không thể nào mà đầy đủ, nếu không nói là bất cập, thiếu sót trong mắt của một nhà phê bình khác. Chẳng hạn như trên danh sách này, điện ảnh Ý rất được coi trọng (De Sica, Fellini, Visconti, Bertolucci, Antonioni) với tổng cộng là 11 tác phẩm được kể tên, trong khi điện ảnh sử dụng tiếng Tây Ban Nha (ngoại trừ trường hợp của Almodovar hay Alfonso Cuarón) và nhất là các nước châu Mỹ La tinh (Argentina, Mêhicô, Chilê, Brazil) gần như là thiếu vắng, trong khi điện ảnh Nam Mỹ về mặt sáng tạo, trong những thập nêin gần đây được xem như là vùng đất tràn đầy sức bật ……
Theo RFI