1-Hàng năm khoảng nửa thế kỷ trước ở quê hương, cứ cỡ Tháng Mười Một là giới cầm bút rục rịch bàn chuyện làm báo Tết: “Trong 12 con giáp, năm âm lịch sắp tới sẽ là năm cầm tinh con vật gì?” Thế là chủ đề báo Xuân năm đó con giáp ấy sẽ lên ngôi. Nôm na người ta tính năm nay năm Tuất, chó đi để sang năm lợn đến, hết Bính Tuất là tới Đinh Hợi.
Dương lịch 2019 sẽ là năm Kỷ Hợi theo âm lịch, con lợn hay con heo sẽ trị vì như phong tục lễ lạc xã hội ở mấy nước phương Đông, trong có Việt Nam. Nhà thơ Thành Tôn nhắc tôi: “Bài báo Xuân tháng này bạn viết chưa? Mấy năm nay bạn không viết bài Xuân bài Tết, Xuân khô khan quá.” Quả thật như thế, lần này tôi viết ngay đây vậy.
2-Ấu niên vào đời, trẻ nhỏ đã sống bên cạnh gia súc, nhất là trẻ nhỏ làng quê Việt Nam. Tác giả bài này vào lúc trí nhớ mở mang – và vào năm 1945 – do hoàn cảnh, đã phải một ngày hai lần nhồi cám vào chậu bèo, đội chậu bèo đi nuôi một bầy lợn khi thì một con heo nái, khi thì một chuồng heo, ngoài con heo nái, còn 6, 7 con heo nhỏ khác, dưới sự canh chừng của một người lính Nhật, anh ta chân đi giày ống quấn sà-cạp, súng cầm tay lúc nào lưỡi lê cũng được cắm sẵn trên đầu súng.
Mẹ tôi hay chị tôi, hay một bà chị người làng mẹ tôi dưới chân núi Hương Tích đến ở nhà tôi đỡ đần việc nhà, sẽ trông nom bầy lợn ấy nếu như mấy người lính Nhật, người ta quen gọi mấy thằng phát xít hay mấy tên lùn, không chiếm ngôi nhà.
Năm 1945, quân Nhật tước khí giới quân Pháp tại nhà ga xe lửa Đồng Văn, và toàn khu thị trấn dài rộng khoảng một cây số trên quốc lộ số 1, cách Hà Nội 47 cây số về hướng Bắc, cách Nam Định hơn 20 cây số về phía Nam. Phố Ga Đồng Văn là quê hương bản quán họ Nguyễn làng tôi, dân đinh chỉ khoảng ngàn người.
Sau khi Nhật tước khí giới quân Pháp, họ chiếm tiệm thuốc Bắc Phúc Hưng Đường của bố tôi làm trụ sở đóng quân, đặt bản doanh trông coi khu phố. Tiệm thuốc không còn hoạt động, gia đình chủ ngôi nhà chỉ còn bà mẹ góa tuổi khoảng 40 và ba đứa con còn niên thiếu.
Do tòa nhà xây khang trang, cửa vòm, trên mái nhà có trụ cao, bước lên đó có thể nhìn bao quát bốn phía, nên hết Việt Minh đến Nhật thay nhau chiếm để làm trụ sở đóng quân mỗi khi họ kéo tới khu phố Đồng Văn. Điều thuờng xảy ra là, phụ nữ trong nhà luôn luôn phải rời vào ngôi nhà thứ hai ở làng trong, bên kia quốc lộ, và tôi con trai lớn nhất trong nhà, bảy tám tuổi, phải làm những việc không tên. Một trong những việc ấy là ra vào ngôi nhà của nhà mình – nhà bố mẹ mình – làm những việc phụ nữ phải làm nhưng lại không dám vào nhà mình khi quân giặc còn đang chiếm đóng.
3-Một trong những việc không thể ngừng được dù một ngày là nuôi một bầy lợn lúc nào cũng đòi ăn. Chúng đói đến nỗi gặm nát thành chuồng, kêu la eng éc cả ngày. Công việc của tôi khiến cho mấy người lính Nhật gật gù thân thiện, họ nói gì đó dĩ nhiên tôi không hiểu, nhưng cũng còn nhớ những tiếng như “Yoto/Yotonay” (Tốt/Không tốt).
Có một chuyện xảy ra rất thường mà mãi về sau tôi mới thấy là trầm trọng: một hôm ngoài sự hiểu biết của mọi người, ông chú họ tôi xuất hiện giữa mấy người lính Nhật, trong đó có một sĩ quan, đeo huy hiệu trên cổ áo binh phục. Ông vừa nói vừa viết tiếng Nhật lên một cuốn sổ tay.
Điều tất cả chúng tôi kinh ngạc là ông đàm thoại với người Nhật bằng tiếng Nhật, và hiểu vì sao ông chú họ xưa kia nay xuất hiện trong binh phục “thiên hoàng” và ghê gớm hơn, bên hông đeo một thanh gươm dài, dài đến nỗi vỏ thanh gươm gần như chạm mặt đất! Thật ra chúng tôi hiểu ra rất nhanh.
Chú tôi rất giỏi Hán văn, chữ viết mạnh mẽ, sắc nét, chỉ không ai ngờ ông có thể đàm thoại với người Nhật, và đeo gươm mặc quân phục Nhật, đội mũ và đi ủng. Ông chú họ ấy còn làm chúng tôi cảm phục, sau này ở Sài Gòn, ông tự học và trở thành chánh án. Những ngày cuối cùng ở miền Nam, ông phục vụ trong Tối Cao Pháp Viện Việt Nam Cộng Hòa trong văn phòng Thẩm Phán Trần Thúc Linh.
4-Đã ba phần tư thế kỷ rồi kể từ những ngày giặc dã chiếm quê hương cho tới nay là những tháng năm lưu vong ngoài quê hương và tha hương. Điều khó khăn là quá nửa đời người, không thể một mình giải quyết chuyện mình, bên ta là gia đình quyến thuộc.
Cái ta của ta cái ta tự do đã hết, mòn lực kiệt; để chỉ còn nâng ly rượu nhạt mà nhớ thuơng quá vãng. Chỉ còn ý nghĩa chút gì nếu biết lắng nghe tiếng cười tiếng nói của trẻ thơ vô tư quanh quẩn góc nhà. Mà chưa chắc có được thế chăng?
Viên Linh