(14/07/1947 – 12/11/2010)
Tháng 3 năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi, khi khổng khi không, ông Cao Xuân Huy – một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà – giã từ vũ khí. Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng, cũng là kỳ vọng hay ước mơ tiềm ẩn của trung úy Cao Xuân Huy (nói riêng) và của cả nước (nói chung).
Sau đó (theo như lệnh của những nguời thuộc phe thắng trận) ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục (rất nhiều năm) trên những thửa đất … vô phương canh tác – ở nhiều trại cải tạo khác nhau. Điều này, dường như, không nằm trong ‘’ dự kiến ‘’ của cả nước (nói chung) và ‘’học viên’’ Cao Xuân Huy (nói riêng).
Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu đuợc tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng (may ra) mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng. Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, bằng hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông truờng quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc – nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là một phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.
Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cầy – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nuớc mà đi.
Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt – trong cơn quốc biến – hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc – thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách – ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ!
Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu qúi) trong suốt hai thập niên qua – dù ông viết không nhiều.
Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn:
- Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.
- Thì mày cũng vậy!
Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng “tự hứa” sẽ bỏ rượu (trong tương lai gần) để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái “tương lai gần” này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khoẻ mong manh của Cao Xuân Huy trong thời gian qua.
Sáng nay, tôi cầm tờ Người Việt mà bỗng thấy run tay:
“Ông Cao Xuân Huy, tác giả cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ qua đời chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, sau một thời gian bạo bệnh, tại tư gia ở Lake Forest, California.”
“Tại hải ngoại, ông Cao Xuân Huy từng cộng tác với báo Người Việt trong nhiều năm, cũng như với tuần báo Việt Tide. Ông nhiều lần làm tổng thư ký tạp chí Văn Học và chủ biên tạp chí này.”
“Tuy hoạt động rất nhiều với văn chương, ông ít khi tự nhận mình là nhà văn. Trong bài tựa cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ ông viết, ‘Tôi
không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách
này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.”
“Nhà thơ Du Tử Lê cũng viết rằng ông Cao Xuân Huy ‘là người luôn từ chối hai chữ ‘nhà văn’ một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của
một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt tuổi thanh xuân, cộng thêm 5 năm tù ‘cải tạo!’”
“Ông Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Đại Đội Phó ĐĐ 4 thuộc Tiểu Đoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.” “Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng.’ Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn ‘Vài mẩu chuyện,” do tạp chí Văn Học xuất bản.
“Trong cáo phó, gia đình ông Cao Xuân Huy viết, ‘Mọi phúng điếu, nếu có, sẽ dành trọn để yểm trợ: Quỹ Thương binh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Trại Trẻ em Cô nhi, Khiếm Thị Long Thành, Việt Nam...”
Tôi vốn ham chơi, hay đàn đúm, tụm năm tụm ba mới cảm thấy vui. Đ... mẹ, bạn bè đang vui – khi khổng khi không – nó bỏ đi (ngang) như vậy thì tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa?
12/11/ 2010
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến