Việc sử dụng mạng thông tin Internet càng ngày càng phổ biến và kéo theo đó là việc mua bán qua mạng Online rất dễ dàng, tiện dụng và cũng khá an toàn.
Thật vậy, từ nhiều thập niên trước đây, đa số người dân Mỹ cũng như các cửa hàng lớn nhỏ khắp nơi đều chú ý đến Black Friday là ngày Thứ Sáu sau lễ Thanksgiving. Đó là ngày mua bán lớn nhất trong năm, mở đầu một giai đoạn làm ăn khấm khá nhất cho các cửa tiệm kéo dài cho đến lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch cuối năm.
Mọi người đổ xô đến các cửa tiệm và xếp hàng dài chờ giờ mở cửa để mong mua được những món hàng được rao bán với giá thật rẻ, thường gọi là “blockbusters”, coi như các cửa tiệm sẵn sàng bán lỗ vốn (loss leaders) nhằm lôi cuốn giới tiêu thụ chịu khó bước vào tiệm.
Khách quan mà nói, quả tình cũng có những món hàng được bán giá hạ rất rẻ chỉ trong ngày này mà thôi, chẳng hạn như năm nay các tiệm Walmart tặng các phiếu tặng phẩm từ $300 đến $400 cho những ai mua các điện thoại iPhone hay Samsung.
Chính vì thế mà nhiều người không ngần ngại đứng xếp hàng dài để mong mua được những món hàng được quảng cáo “đại hạ giá” như vậy. Cách đây khoảng một thập niên đã xảy ra tình trạng số người đứng xếp hàng quá đông tại một cửa tiệm Walmart, và sau đó xô đẩy dữ dội khi cửa tiệm được mở khiến một người bị thiệt mạng vì bị chen lấn và xô đạp của đám đông đứng chờ phía sau để mong đổ ào vào.
Nhưng giờ đây với sự phát triển nhanh lẹ của mạng Internet cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cửa hàng, rất nhiều người tiêu thụ đã không còn phải mất thì giờ để đứng xếp hàng dài tại các cửa tiệm. Dĩ nhiên họ cũng phải thức sớm, chờ đúng giờ mở màn (12 giờ khuya hay 5 giờ sáng tuỳ theo tiệm) để có thể lên mạng Internet mua các món hàng “đại hạ giá” kiểu này.
Đây là một tiện lợi rất đáng kể, vừa đỡ tốn thời gian và công sức, khỏi phải nhọc lòng chạy qua nhiều cửa tiệm khác nhau vì chỉ cần làm vài cái bấm nút trên con chuột và bàn phím máy điện toán là có thể duyệt xét qua tất cả những món hàng ưa chuộng và đặt mua. Việc nhiều cửa hàng còn miễn luôn chi phí gửi hàng lại càng là một yếu tố hỗ trợ cho khách hàng ưa thích lối mua bán kiểu này.
Hình thức trả tiền trên mạng qua các thẻ tín dụng thật ra rất an toàn và bảo đảm cho người tiêu thụ, cho dù là kẻ gian có đánh cắp thông tin của mình hoặc khi xảy ra những trường hợp tranh chấp vì không hài lòng.
Do bởi truyền thống làm ăn lâu năm và dựa trên chữ “tín”, đa số các cửa hàng lớn và nghiêm túc đều tôn trọng những quy luật làm ăn đứng đắn để phục vụ khách hàng (chứ không phải lợi dụng để đánh lừa), và các nhà băng chủ các thẻ tín dụng bao giờ cũng luôn đứng về phía khách hàng của mình là chủ nhân các thẻ tín dụng mỗi khi xảy ra tranh chấp hoặc bị mất thẻ, thông tin thẻ bị đánh cắp v.v…
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tình trạng lừa gạt hoặc gian trá đã chấm dứt, đặc biệt là trong dịp mua sắm của mùa nghỉ lễ cuối năm khi mà người ta sẵn sàng mở “hầu bao” để tiêu pha khá rộng rãi, dù là trên mạng Internet.
Trong một bài viết mới đây trên diễn đàn truyền thông CNBC.com, nhà báo Kelli Grant đã đưa ra thống kê của Hiệp hội những Nhà Bán lẻ (National Retail Federation) cho biết là giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ sẽ tiêu pha trong mùa nghỉ lễ cuối năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 4.5%, tức là có thể lên đến 721 tỷ Mỹ-kim.
Vì thế nên đây là cơ hội hấp dẫn nhất cho những kẻ gian muốn ra tay để lừa gạt hoặc đánh cắp nhiều người vì sơ ý hoặc lơ đễnh. Lý do là vì, theo bà Katherine Hutt, phát ngôn viên của Better Business Bureau, “những người mua hàng thường vội vã vì mong muốn mua được nhiều thứ cùng một lúc, do đó những kẻ gian dễ lợi dụng cơ hội này.”
Trong khoảng thời gian từ ngày lễ Thanksgiving đến đêm cuối năm 31/12 của năm ngoái, con số các vụ toan tính lừa gạt trên mạng Internet đã gia tăng đến 22%, theo như thống kê ghi nhận được từ công ty ACI Worldwide, công ty chuyên thanh toán các giao dịch trả tiền trên mạng. Còn theo thống kê của công ty Enigma Software Group có thảo chương SpyHunter chuyên theo rõi các con bọ điện toán “malware” thì chỉ trong 4 ngày từ Thanksgiving đến Cyber Monday (ngày thứ Hai đầu tuần kế tiếp chuyên bán đại hạ giá trên mạng Internet), con số các vụ xâm nhập của những con bọ vào các máy điện toán đã tăng vọt đến 123%.
Vì thế nên các chuyên viên của Better Business Bureau, văn phòng phục vụ công ích cho giới tiêu thụ, đã đưa ra những lời báo động cho người dân cần để ý đến một số những hình thức lừa gạt hoặc gian lận sau đây nhằm tránh trở thành nạn nhân của nó trong khi lo mua sắm.
Những dấu hiệu bảo động đỏ
Đừng vì mải mê chú ý đến việc phải mua được những món hàng bán “đại hạ giá” trong một thời gian ngắn mà quên để ý đến một vài chi tiết nhỏ cho thấy những thứ quảng cáo rất hấp dẫn đó đôi khi là chuyện lừa đảo. Đó là những hình thức lừa gạt như cho đăng quảng cáo trên các trang mạng giả trá trông giống như các cửa tiệm lớn khiến nhiều người mới nhìn qua dễ lầm lẫn.
Chớ nên vội bấm vào những “links” nối vào các trang mạng quảng cáo hàng rẻ trước khi kiểm tra xuất xứ của những điện thư quảng cáo. Bởi vì quý vị có thể vô tình bấm vào những trang mạng giả trá (trông giống như thật của các hãng lớn với những thương hiệu được biết tiếng), để rồi từ đó chúng ta sẽ cung cấp cho họ những thông tin cá nhân về các thẻ tín dụng và địa chỉ, số điện thoại v.v…
Khi đến trang trả tiền (checkout), điều quan trọng nhất là nhìn trên trang mạng “browser” có dấu hiệu của chìa khoá và hàng chữ “https” chứ không phải là “http” thì chúng ta mới có thể an tâm rằng đây là một trang mạng uy tín, và giữ kín những thông tin cá nhân về tài chính của mình.
[b]Những thông báo giả mạo về chuyện gửi hàng[b]
Với hình thức lừa gạt này, thỉnh thoảng quý vị nhận được một bức điện thư thông báo từ một cửa hàng lớn (mà có thể mình không nhớ rõ là đã có đặt mua hàng trước đó hay không). Hoặc có thể là một thông báo của một hãng chuyên chở lớn như UPS hoặc FedEx.
Thông thường nội dung của bức điện thư đó nói một cách tổng quát và sơ sài rằng một gói hàng nào đó đang bị chậm trễ trong việc chuyên chở và yêu cầu quý vị hãy bấm vào cái “link” kèm theo để biết rõ thêm chi tiết và sớm nhận được hàng. Câu mời chào kiểu này thường kích thích sự tò mò của nhiều người nên sẵn sàng bấm nút vào đoạn móc nối đó.
Nhưng khi lỡ bấm vào rồi, vô tình chúng ta có thể bị tự động dẫn đến việc truyền tải xuống (download) một chương trình bọ điện toán (malware) xâm nhập vào để quấy phá tiếp hoặc thu thập thông tin cá nhân của chúng ta. Nếu có thắc mắc nào đó, tốt nhất là lên trực tiếp ngay trang mạng của những cửa hàng hoặc các hãng vận chuyển để biết thêm thông tin. Nếu có đặt mua hàng trước đó và muốn theo dõi diễn tiến hàng chừng nào đến nhà, tốt nhất là kiểm tra bằng những con số xác nhận đặt hàng (confirmation, tracking number).
Ngoài việc gian trá trong lãnh vực mua hàng của giới tiêu thụ, những kẻ gian cũng còn tìm cách lừa gạt nhiều người dưới những hình thức khác. Chẳng hạn như dụ dỗ quý vị nếu muốn các con em nhỏ trong nhà được nhận được lá thư của ông già Noel (Santa letter). Trong thực tế, con em mình sẽ không bao giờ nhận được thư của ông già Noel, mà ngược lại những công ty mà quý vị gửi thư yêu cầu có thể thu thập được những thông tin cá nhân của quý vị và con em mình khi điền đơn đặt xin các lá thư đó.
Một hình thức lừa gạt khác là yêu cầu quý vị gửi tiền ủng hộ cho các quỹ từ thiện (charities) do bởi nhiều người Mỹ cũng dễ có lòng từ tâm và quảng đại đối với những người kém may mắn vào các dịp lễ lạc cuối năm. Từ đó họ cũng dễ dàng gửi những món tiền về các hội từ thiện này để thực hiện những chương trình giúp đỡ theo quảng cáo.
Thống kê của một cơ quan chuyên đánh giá về các hội từ thiện có tên là CharityNavigator cho biết là khoảng 40% các món tiền tặng cho mục đích từ thiện được gửi đến đều chỉ trong vòng vài tuần lễ cuối năm. Những kẻ gian lận thường tìm cách kêu gọi sự đóng góp từ thiện này qua hình thức tin nhắn hoặc điện thư, hay trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Trước khi quyết định giúp đỡ những kẻ sa cơ hoặc thiếu may mắn vào những dịp lễ lạc cuối năm, quý vị hãy nên kiểm tra kỹ lưỡng để biết rõ là những quỹ kêu gọi đang xin tiền đó có là những hội từ thiện thật sự hay không. Những cơ quan cần nhờ đến để kiểm tra có thể là CharityNavigator hoặc Give.org của BBB. Đôi khi đó là những cơ quan từ thiện chính danh, nhưng hệ thống kêu gọi gửi tiền về lại là một mạng tin giả để thu thập những thông tin cá nhân của quý vị.
Houston, Texas ngày 25/11/2018
Tuấn Minh