Đại học Sorbonne nằm ở "Khu phố La Tinh", nơi tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng của Paris
Nguồn: wikipediaNăm 2007, tại Pháp, chính phủ cánh hữu của tổng thống Nicolas Sarkozy đã bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục đại học bằng việc trao quyền tự quản lý cho các trường đại học. Với cải cách này, các trường được phép tự chủ cân đối tài chính và tuyển dụng lao động. Sau 5 năm, cải cách đó có hiệu quả hay không ? Le Monde thử tìm câu trả lời với bài viết : «Các trường đại học tăng biện pháp khắc khổ ».
Theo Le Monde, hiện tại ở Pháp, có đến 16 trên 76 trường đại học dự phóng sẽ bị thâm hụt ngân sách trong năm 2013. Con số thâm hụt một năm trước đó là 15 trường. Có đến 9 trường bị thâm hụt hai năm liên tiếp (2011 và 2012). Để bù ngân thâm hụt, các trường phải rút nguồn quỹ dự phòng. Kết quả là có đến 30 trường phải kết thúc năm tài khóa 2012 với số vốn luân chuyển dưới ngưỡng dự phòng 30 ngày. Dự tính năm 2013, con số này sẽ là 50 trường.
Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã buộc phải tìm đủ cách để tiết kiệm tiền. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng có nhiều như việc giảm thỉnh giảng, tận dụng tối đa nguồn lao động sẵn có, hạn chế ký thêm hợp đồng, cắt giảm một số vị trí, tạm ngừng đào tạo một số ngành ít người học…
Nguyên nhân thất bại ?Bàn về nguyên nhân thất bại của biện pháp tự chủ đại học tại Pháp, Le Monde nhấn mạnh đến hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là do năng lực quản lý của các trường còn hạn chế. Thứ hai là do khi được giao quyền tự chủ, các trường đã không cân đối được nguồn lao động và lại cho tuyển dụng thêm và ký hợp đồng ào ạt. Hậu quả là guồng máy của trường phình ra, ngân sách của trường phải tốn thêm một số tiền khổng lồ để chi trả lương lao động.
Để khẳng định thêm cho nguyên nhân đó, Le Monde trích dẫn báo cáo của hai thượng nghị sĩ Pháp được công bố hồi tháng Tư năm 2013, theo đó, các trường đã thiếu năng lực quản lý và điều hành, thiếu năng lực tự chủ và cân đối tài chính. Trong khi đó thì các cơ quan hữu quan của chính phủ lại không có biện pháp theo dõi để hỗ trợ các trường. Le Monde nhận định : Đó là «một sự học tập hết sức khó khăn về quyền tự chủ » của các trường đại học.
Source: RFI