Khi chiếc kim đồng hồ nhảy qua giây đầu tiên của rạng sáng ngày 1 Tháng 1, đó là lúc chúng ta bước qua năm mới, hay nói chính xác hơn, chúng ta bước qua ngày đầu của năm. Thông thường sự chuyển đổi này đáng lẽ ra không có gì là đặc biệt và quan trọng cả, nó cũng giống như bất kỳ ngày nào khác trong năm. Tuy nhiên, người ta vẫn cứ cho cái sự chấm dứt của năm cũ và bắt đầu năm mới có cái gì đó khác biệt so với những thời khắc khác trong năm. Cái tích tắc độc đáo đó của chiếc đồng hồ luôn thúc đẩy để người ta đón mừng năm mới và bước ra khỏi những sinh hoạt thường nhật mà dường như lúc nào cũng bận rộn để nhớ lại, nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm cũ, ôn lại những việc đã làm, cả những điều tốt lẫn những điều sai trái, và tự hứa sẽ sửa đổi để làm tốt hơn trong năm mới. Và có lẽ ngoài ngày sinh nhật, không một ngày nào khác trong năm có thể gây được sự chú ý của mọi người như thế.
Kỳ thực ra thì ngày đầu năm cũng không khác gì những ngày khác trong năm, cũng chỉ là một tờ lịch. Nhưng dường như thiên nhiên đã trao cho nó một dấu mốc đặc biệt, và vì vậy mỗi năm, cứ đến ngày này thì người dân trên khắp thế giới lại cùng nhau đón mừng.
Việc đón mừng năm mới thời hiện đại là có nguồn gốc từ thời cổ La Mã – đó là ngày lễ của thần Janus, thần của sự bắt đầu và kết thúc. Cái tên cho tháng đầu tiên của năm trong tiếng Anh là January cũng là mượn từ tên Janus, một vị thần có hai mặt: một mặt nhìn lại quá khứ, và mặt kia ngó tới tương lai.
Đối với chúng ta sống ở phần bắc bán cầu, đầu Tháng 1 là khoảng thời gian hợp lý cho một khởi đầu mới. Vào thời điểm đông chí của Tháng 12 ở bắc bán cầu, chúng ta có ngày ngắn nhất trong năm. Nhưng qua đến đầu Tháng 1, ngày bắt đầu dài ra lại. Sự trở lại với những ngày có nhiều ánh sáng hơn có ảnh hưởng sâu sắc trên những nền văn hoá có liên quan mật thiết với nghề nông. Điều này cũng lây ảnh hưởng lên tâm lý thậm chí cả với những người sống ở thành thị thời nay.
Nhìn lại lịch sử, nhân loại không hẳn là luôn luôn mừng năm mới vào đúng ngày 1 Tháng 1 đâu. Trong các tài liệu cổ nhất, việc mừng năm mới đã có từ 2,000 năm trước công nguyên trong vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia). Việc mừng năm mới đó – và nhiều lễ mừng năm mới khác thời thượng cổ – được tổ chức vào khoảng thời gian xuân phân, tức khoảng 20 Tháng 3 ngày nay. Trong khi đó, các dân tộc Ai Cập, Phoenicia và Ba Tây thời thượng cổ bất đầu năm mới của họ với thời điểm thu phân vào khoảng 20 Tháng 9. Và dân tộc Hy Lạp cổ mừng năm mới lúc đông chí, khoảng 20 Tháng 12.
Thời Trung Cổ, tại nhiều nơi năm mới bắt đầu vào Tháng 3. Đến khoảng thế kỷ thứ 16, một phong trào nổi lên kêu gọi lấy lại ngày 1 Tháng 1 làm ngày đầu năm. Và trong lịch Gregorian, loại lịch chúng ta dùng ngày nay, năm mới bắt đầu vào ngày đầu của Tháng 1.
Vậy tại sao ngày đầu của năm mới, dù mỗi thời đại và mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng vẫn luôn được đối xử đặc biệt như thế? Và vì sao sự đón mừng năm mới đã từ bao lâu rồi, ít nhất là kể từ khi loài người biết sử dụng cuốn lịch, lại trở thành niềm vui chung của mọi người trên khắp thế giới? Phải chăng hành động đó có liên quan đến cái gọi là bản năng trong con người chúng ta, có cái gì đó rất quan trọng và ý nghĩa, mà chúng ta đã bỏ ra tất cả năng lực và nguồn lực để không chỉ đón mừng mà còn cố gắng hết mình để làm những điều tốt đẹp trong năm mới với một loạt những lời hứa quyết tâm (mặc dù chúng ta thường không hoàn thành hết tất cả những quyết tâm đó). Nhưng cũng rất có thể cái biểu của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đó có nguồn gốc từ một trong những động lực mạnh mẽ nhất của con người – động lực để tồn tại.
Điều hiển nhiên là việc đón mừng năm mới, cũng giống như ngày sinh nhật của chúng ta, là vì ngày đầu của năm mới mang đến cho chúng ta cơ hội để mừng rằng chúng ta đi đi hết thêm một đoạn đường 365 ngày, cũng là đơn vị thời gian để cho chúng ta tính sổ cuộc đời. Lại thêm một năm đã đi qua và chúng ta vẫn còn đây. Vậy nếu không phải là lúc này thì là lúc nào để chúng ta có thể nâng ly cùng chúc nhau rằng chúng ta vẫn còn tồn tại trên cõi đời này.
Vậy còn những lời hứa cho những quyết tâm trong năm mới chúng ta đưa ra thì sao? Phải chăng đây cũng là bản năng sinh tồn của con người – rằng phải sống sao cho nguyên tắc hơn, khoẻ mạnh hơn, thọ hơn? Những quyết tâm cho năm mới là ví dụ điển hình về sự mong muốn của con người nói chung rằng phải làm điều gì đó để phần nào kiểm soát được những gì đang đợi ta ở phía trước, là vì tương lai là điều bất định và khó đoán. Không biết chuyện gì đang tới có nghĩa là ta không biết phải làm gì để giữ cho mình được an toàn. Để làm giảm bớt đi nỗi lo lắng về sự bất lực đó, chúng ta làm những gì chúng ta có thể làm được để kiểm soát tương lai. Chúng ta chịu khó kiêng khem và siêng tập thể dục, bỏ hút thuốc lá, và bắt đầu tập dành dụm. Chúng ta có làm được những điều đó hay không thực ra không quan trọng lắm. Điều quan trọng là đưa ra lời cam kết để thực hiện, ít ra là trong lúc đó, cho chúng ta cái cảm giác dường như đang nắm được sự kiểm soát nhiều hơn với những ngày tháng vô định đang chờ ở phía trước.
Một cuộc nghiên cứu năm 2007 được thực hiện bởi nhà tâm lý học người Anh Richard Wiseman cho thấy, đối với số đông trong chúng ta, sinh hoạt của năm mới so ra cũng không có gì khác với năm cũ. Cuộc nghiên cứu theo dõi hoạt động của 3,000 người trong suốt một năm, kết quả là có tới 88 phần trăm đã không đạt được những mục tiêu trong những lời hứa họ sẽ làm trong năm mới, mặc dù có tới 52 phần trăm khẳng định rằng họ có đủ tự tin là làm được.
Một điều khá lý thú, phần nhiều những lời hứa quyết tâm được đưa ra cho năm mới thường bao gồm những điều như đối xử với tha nhân tốt đẹp hơn, có thêm bạn mới, và trả hết nợ. Nhìn lại lịch sử của nhân loại, đây cũng là những tập tục tốt đẹp của nhiều dân tộc trên thế giới đã làm trong năm mới. Dân tộc Babylon đem trả lại những món đồ họ đã mượn trong năm cũ. Dân Do Thái tìm gặp và ngỏ lời tha thứ cho những ai có lỗi với họ. Người Tô Cách Lan đi xông nhà hàng xóm và chúc những lời tốt đẹp cho năm mới. Phải chăng những việc làm tử tế này cũng có liên quan với bản năng sinh tồn của chúng ta? Theo các nhà nghiên cứu, loài người thuộc giống nòi sống theo bầy đàn. Có thể nói tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta là phải nương tựa vào những người xung quanh, từ sức khoẻ cho đến an ninh. Đối xử tốt với những người xung quanh là cách hay nhất để được đối xử tốt lại.
Và hàng trăm những nghi thức để mong đem lại sự may mắn trong khi đón mừng năm mới, cũng là những sinh hoạt với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Người Hoà Lan tin rằng vòng tròn là biểu hiện của thành công và họ ăn bánh donuts trong ngày đầu năm. Người Hy Lạp nướng loại bánh Vassilopitta có giấu một đồng tiền bên trong, và người nào ăn miếng bánh có chứa đồng tiền đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Tập tục đốt pháo trong đêm giao thừa đã có từ hàng ngàn năm trước ở Trung Hoa là nghi thức để xua đuổi ma quỷ. Ở Việt Nam ta, ngoài đốt pháo còn có dựng cây nêu cũng là để xua tan đi những hồn ma bóng quế. Người Nhật mở tiệc bonenkai (vong niên hội) uống rượu vào dịp cuối năm để đoạn tuyệt với những khó khăn và lo âu của năm cũ và chuẩn bị chào đón một năm mới may mắn hơn. Những bất hoà và hiểu lầm giữa người này với người kia nên được giải quyết, và những ganh ghét hận thù cần phải xếp qua một bên. Không chỉ trong văn hoá của người Việt mình mà còn ở nhiều nền văn hoá khác trên thế giới, tập tục lau chùi và quét dọn nhà cửa để đẩy đi những xúi quẩy và dọn chỗ cho những điều may mắn.
Thật là điều lạ lùng khi ta thấy có rất nhiều những tập tục, nghi thức được cử hành trên khắp thế giới để đón mừng năm mới lại trùng hợp và mang cùng ý nghĩa: đốt pháo; nghi thức để đem lại may mắn; những lời hứa quyết tâm để cho chúng ta cảm giác là đang nắm giữ được vận mệnh tương lai. Với nhiều người trong chúng ta, năm mới là lúc để nhìn đến những yếu đuối của mình và cần phải làm gì để giới hạn những điều bất trắc mà chúng có thể đem lại; cũng như biết phải cố gắng làm gì về sự bất lực của chính chúng ta trong việc kiểm soát tương lai cho chính mình. Cho dù là trong quá khứ hay trong hiện tại, trong văn hoá này hay văn hoá kia, khi ta thấy những sinh hoạt và những nghi thức được cử hành để đón mừng năm mới của nhiều dân tộc khác nhau nhưng mục đích thì lại rất giống nhau, và ta phải nhìn nhận và đi đến kết luận rằng những hành động đó chính là di sản còn giữ lại trong bản năng sinh tồn qua suốt chặng đường tiến hoá của nhân loại.
Huy Lâm