Lúc đứng trước căn nhà kỷ niệm nơi sinh của Charles Dickens, tôi mới nhớ mang máng đến tiểu thuyết Oliver Twist của ông. Hồi giờ chỉ nhớ ông là nhà văn nổi tiếng, không nhớ ông viết bao nhiều cuốn và dựng nên bao nhiêu nhân vật kỳ dị. Cho nên trong khi chờ phà từ cảng quốc tế Portsmouth tận miền nam nước Anh để đi qua Normandy, tôi bấm bản đồ Google để cuốc bộ tới Viện Bảo tàng Nơi sinh của Dickens. Bây giờ là giữa tháng cuối năm 2018, nhiệt độ thấp hơn cả Luân Đôn, gió biển siết lên da mặt, chừng như xuyên thủng mấy lớp áo vừa chống lạnh vừa chống ướt. Từ cảng Portsmouth đến nhà Dickens là một đường vạch ngắn, nhưng phải đi vòng và chui xuống hầm lòn bên dưới đường cái, nếu theo bản đồ Goole thì còn vòng tới lui mấy bận nữa. Hóa ra Google ngu hơn người. Mình chỉ nên nương theo nó, áng chừng đúng hướng rồi đi tắt thì sẽ mất dưới 10 phút. Hóa ra đi tắt nhanh thiệt. Google là đấng quân tử, nó chỉ đường lớn mà đi.
Tự nhiên khi đứng trước nhà Dickens thì nhân vật hiện ra chính là người mẹ của Oliver. Người mẹ xuất hiện rất ngắn, mở đầu vài đoạn và chấm dứt cũng về người mẹ. Vậy thôi nhưng tựa sách không nên là Oliver Twist mà lẽ ra nên là “người mẹ.”
Buổi chiều mới ba giờ nhưng mùa đông, bóng tối chực chờ. Trước hàng rào bằng song sắt lưa thưa có tấm biển nhỏ: Charles Dickens’ Birthplace Museum, bên dưới là hình Dickens và giờ giấc mở cửa chữ trắng trên nền xanh lục. Dù đã xem trước thông tin bảo tàng đóng cửa suốt mùa đông (từ tháng Mười đến tháng Ba), tôi vẫn vớt vát gọi điện thoại trước, hy vọng thông tin trên mạng chưa cập nhật chăng. Phía đầu kia có giọng đàn ông trả lời “bảo tàng đây,” còn nói đang mở cửa. Tới nơi mới thấy cửa đóng chặt, cổng cài then nhưng không khóa. Giở then, đẩy cửa vào. Trên nền gạch tường đỏ hung, một tấm biển tròn, vẫn nhỏ, vẫn phông xanh lục và chữ trắng viết hoa: Charles Dickens was born in this house on 7th February 1812 (Charles Dickens sinh trong ngôi nhà này vào ngày 7 tháng Hai 1812). Không phải chỉ nơi đây mà các nơi khác, người Anh thích làm biển rất nhỏ để chỉ các tầm vóc lớn.
Dãy nhà trong đó có nhà của Dickens, nghe nói là xây theo kiểu (thời) Victoria, cao nhất chỉ bốn tầng, mặt tiền phẳng liền, trên đó trổ cửa lớn và cửa sổ, không có cả lan can (để đứng hút thuốc). Nhìn bên ngoài, và nếu đứng xa, thấy đẹp và sang nhưng chi vô trong mới biết nhà nào cũng nhỏ. Trên đường đi, tôi thấy toàn loại nhà như thế, lâu lâu mới thấy vài bà già lủi thủi đi bộ trong gió đông lạnh lẽo, cây cối thưa thớt chỉ còn cành, bên kia đường dầy và cao các thùng containers. Tất cả có cái vẻ cũ kỹ và nghèo nghèo của bến cảng, tựa như, không biết phải là, cái khung cảnh này chắc cũng là vậy hơn 200 năm trước. Chắc phải là, vì người Anh quý quá khứ, họ không đập phá lung tung dù căn nhà chỉ già có một thế kỷ đi nữa. Nhiều lắm họ chỉ sửa sang chút đỉnh để giữ căn nhà này, và chỗ này, cho lâu hư thôi. Tuyệt nhiên không nâng cấp cho hoành tráng hay gọi là xứng đáng với thời đại. Cái này tuy chỉ suy luận nhưng cũng suy từ các chứng cớ khác. Tôi đã thấy trong kho lưu trữ thư viện trường đại học SOAS (School of Oriental and African Studies), họ giữ các các thư từ viết tay, nhiều khi chỉ là tờ giấy, của các nhà truyền giáo từ ba, bốn thế kỷ trước, không cho chụp hình (sợ mòn), và đương nhiên không cho sờ, chỉ ngó thôi. Cho nên không lý gì người ta cơi nói căn nhà của Dickens, mà làm gì. Chắc phải như hai thế kỷ trước, nơi đây, buồn và nghèo, các công nhân bến tàu. Và bên kia đường cái là cảng, cũng buồn vắng, bên này đường là nhà Dickens, càng buồn dữ tợn, cửa đóng, then không gài, một khoảng sân vuông nhỏ, nghe nói bên trong có để cái ghế dài chỗ Dickens nằm và “thăng”. Đó, chỉ nhiêu đó, không rườm rà làm to chuyện.
Chính lúc đó hình ảnh người mẹ của Oliver hốt nhiên hiện về. Tôi nhớ đại để Dickens cho người con gái Agnes xuất hiện chỉ vài đoạn ngay trang đầu của sách. Bà mới sanh, và muốn nhìn đứa con trước khi chết. Sau đó là vắng bặt, mãi cho đến khi dứt truyện, chấm hết bằng đoạn cuối về linh hồn của bà, người mẹ. Tôi lật đật mở internet, tìm đoạn cuối của Oliver Twist, thấy Dickens dứt truyện bằng khúc này: “… if the spirits of Dead ever come back to earth, to visit spots hallowed by the love – the love beyond the grave – of those whom they knew in life, I believe that the shade of Agnes sometimes hovers round that solemn nook. I believe it none the less because that nook is in a Church, and she was weak and erring.”
Đọc đoạn này trên net, trước nhà tác giả, tôi thấy Dickens viết cũng dở. Nếu đọc theo giọng văn nhà báo, kể chuyện tỉnh queo của ông, thì hiểu lốp chốp thế này: ‘… nếu linh hồn của người chết trở lui đất này, để thăm mấy chỗ thánh hóa bởi tình yêu – tình yêu bên kia nấm mồ - của những người mà linh hồn có biết khi còn sống, thì tui tin rằng cái bóng của Agnes có khi lảng vảng nơi góc thờ trang trọng có để tấm biển ghi tên bà [chỗ này thêm để nối mạch văn ở khúc không trích]. Tui tin đại khái vậy vì cái góc trang nghiêm đó ở trong Nhà thờ, mà bà thì vô thân và sai lầm.”
Trời, sao lại tỉnh bơ vậy. Ông mở đầu bằng cái chết và kết thúc bằng linh hồn cũng của một người mà thôi. Mà lại là người mẹ. Lẽ ra, nếu đã hơn, ông nên “sửa” đoạn kết đại khái, như là, “Tui đứng đó nhìn căn nhà cũ, tưởng nghe tiếng mẹ về. Vang dội thời ấu thơ.”
Vậy mới… hay chớ.
Nói vậy, nhưng cũng ngậm ngùi.
Hồ Đắc Túc/Việt Báo