© Flickr.com/Matt Paish 2012/cc-byMột trong những đặc thù của Bắc Triều Tiên 1960-1990 là hệ thống sonbun chhulsin, theo đó vị trí của các cá nhân trong xã hội được phân định chủ yếu bởi nguồn gốc của người đó. Toàn bộ cư dân Bắc Triều Tiên được chia thành các nhóm phả hệ. Tiêu chí chính để xác định một người thuộc về nhóm nào đó, là hoạt động mà tổ tiên trực hệ của người ấy đã làm trong thời kỳ thuộc địa cũng như trong những năm chiến tranh Triều Tiên.
Người xuất thân từ các gia đình thành viên phong trào du kích những năm 30 ở Mãn Châu Lý, hậu duệ của những người hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên, con em quan chức ở Bắc Triều Tiên - là lớp hưởng không ít ưu tiên đáng kể. Những cá nhân này dễ dàng được nhập học những trường đại học uy tín và nhận công việc thuận lợi. Các chỉ tiêu nhân sự trong bộ máy đảng và cơ quan vụ an ninh thuần túy chỉ dành cho những người có thể tự hào về lý lịch tốt hay thành phần xuất thân cơ bản.
Con cháu và cựu nhân viên của chính quyền thực dân Nhật Bản, người từ gia đình linh mục Thiên chúa giáo, thân nhân của những người đã chạy trốn sang miền Nam thời chiến tranh Triều Tiên và các đại diện của các nhóm không đáng tin cậy khác - là thành phần bị phân biệt đối xử. Số này không thể vào các trường đại học danh tiếng, không hiếm khi họ còn bị cấm định cư ở Bình Nhưỡng và các đô thị lớn, do đó trên thực tế, họ buộc phải làm các công việc lao động chân tay thô sơ và nặng nhọc.
Tuy nhiên, đà gia tăng quan hệ thị trường trong những năm 1990 bắt đầu làm xói mòn nền tảng của hệ thống này. Người Bắc Triều Tiên đã nhận thấy rằng các thành viên của những nhóm nhất định, mà ở Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Il Sung phải chịu phân biệt đối xử, thì trong hoàn cảnh điều kiện mới, đã có những lợi thế. Chẳng hạn, yếu tố có người thân ở hải ngoại từ chỗ là cơ sở để phân biệt đối xử đột nhiên trở thành một động lực quan trọng, gần như là đảm bảo cho thành công trong cuộc sống. Đặc biệt may mắn nếu ai đó có bà con sống ở Trung Quốc. Những người thân như vậy, một mặt, có thể dành hỗ trợ tài chính trực tiếp, và mặt khác – có thể trở thành đối tác trong dự án kinh doanh cụ thể nào đó. Tuyệt đại đa số các doanh nhân cỡ nhỏ và tầm trung ở Bắc Triều Tiên đã đạt được thành công ban đầu chính nhờ thực tế rằng họ đã tìm thấy thân nhân của mình ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những đổi thay thời cuộc không chỉ tác động đến số người Bắc Triều Tiên có người thân ở ngoài biên giới đất nước. Nói chung, cả những người từ tầng lớp thấp giờ đây cũng có cơ hội bằng sức mình đạt tới thành tích vật chất. Trong quá khứ, người xuất thân từ loại gia đình không được tin cậy, thí dụ là chắt của địa chủ, đã bị tịch thu hết đất đai trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1946 – đã chẳng có cơ may hiện thực nào để tiến bộ trong xã hội và buộc phải dành cả đời làm thợ mỏ hoặc nông dân lam lũ. Nhưng bây giờ một người như vậy cũng có một số cơ hội để trở thành thương nhân thành đạt.
Mặt khác, nguồn gốc xuất thân hoàn hảo không còn là đảm bảo tuyệt đối cho thành công trong cuộc sống. Tất nhiên, con nhà nòi từ các gia đình cách mạng truyền thống vẫn có thể dựa vào lý lịch vẻ vang đó để vào học trường đại học sáng giá. Tuy vậy trên thực tế, tấm bằng tốt nghiệp trường đại học này bây giờ không nhiều. Hệ thống cấp bậc cũ đã mất đi ý nghĩa quan trọng tưởng chừng bất di bất dịch.
Đương nhiên, không nên quá khuyếch trương tầm quan trọng của những thay đổi này. Chỉ có thể thiết lập doanh nghiệp lớn ở Bắc Triều Tiên khi mà chủ sở hữu những cơ sở đó có quan hệ tương hỗ tích cực với giới quan chức Nhà nước. Vì thế, trong số những người Bắc Triều Tiên thực sự giàu có thì nổi bật là những người đã bắt đầu thành đạt trong thời Kim Il Sung, đó chính là các nhân vật xuất thân từ gia đình có nền tảng xã hội phù hợp với sự ưu tiên của chế độ. Nhưng dù sao chăng nữa bên cạnh họ vẫn có những người khác, sung túc thành công mà không thuộc giai tầng cốt cán được nâng đỡ thuận lợi. Như vậy, hệ thống phân cấp cũ đã bị rạn nứt. Trong quá khứ, vị thế của một người trong xã hội Bắc Triều Tiên xác định bởi cái nhìn chính quyền soi vào lý lịch gia tộc người ấy. Bây giờ, chuyện một người có bao nhiêu tiền trong túi đang đóng vai trò tiêu chí ngày càng nặng ký hơn, bất kể cha ông người ấy là ai và tiền nhận từ đâu.
Tiếng nói nước Nga