Nghèo gặp cái eo – Đó là tình trạng dễ vướng vào của những người làm lương thấp, cuộc sống khó
khăn. Trăm ngàn thứ phải lo. Thành ra như ly nước đã đầy, chỉ cần ít giọt nữa rớt xuống là tràn ly. Nói
như ông bà mình nghèo gặp cái eo chính là cảnh bị đối xử kiểu chó cắn áo rách. Với không ít người
làm lương thấp (minimum wage) sống ở Mỹ dạo
gần đây đang ca thán về một hình thức trả lương mới – trả lương bằng thẻ (paid by card) – chỉ mới
xuất hiện năm 2012 nhưng càng lúc càng trở nên hấp dẫn với giới chủ hãng cũng như tạo ra nhiều
tranh luận.
Xã hội phát triển văn minh muốn loại bỏ sử dụng giấy được biết đến qua các chiến dịch Xanh (Go
green) hoặc không xài giấy (paperless) càng ngày càng trở thành một xu hướng thời thượng về mặt
bảo vệ môi trường. Về mặt hành chánh, đây còn là một tiện nghi. Nó có nhiều lợi ích, đặc biệt đối với
giới chủ hãng và giới làm việc lương cao. Nhưng với người nghèo lương thấp thì quả nhiên đây chính
là một pain in the neck!
Vắn tắt một cách khái quát, trả lương bẳng thẻ là hình thức thanh toán lương cho công nhân không
còn những tấm chi phiếu (paycheck) nữa. Thay vào đó nhân viên được trả lương bằng thẻ (pay card)
– giống như thẻ debit vậy. Loại thẻ này giống như thẻ ngân hàng (debit card) như chúng ta đã biết.
Tới kỳ phát lương, tiền công sẽ được nạp (load) thẳng vào thẻ của nhân viên. Khi cần rút tiền, nhân
viên sẽ mang thẻ của mình ra các máy ATM để rút tiền. Rất đơn giản và không có chút khó khăn nào.
Với giới chủ hãng dịch vụ trả lương bằng thẻ có nhiều lợi ích. Tất nhiên lợi ích lớn nhất vẫn là tiết kiệm
tiền bạc và thời gian. Họ không mất mát gì nhiều. Bởi lẽ các công ty chuyên về dịch vụ thanh toán
bằng thẻ như Bank of America hoặc Citybank đã tung ra một sản phẩm khá hấp dẫn. Với những lợi
ích rất bùi tai ấy, giới chủ hãng sẽ chấp nhận nhanh chóng. Gì chứ, ngăn chặn thất thoát và tiết kiệm
luôn là những ưu tư mà giới quản lý luôn luôn chú ý tới.
Trong quá khứ, bà con mình đi làm mỗi cuối tuần lãnh lương sẽ có những niềm vui háo hức nhận
được tờ séc trả lương (paycheck). Xé phong bì ra, có thể nhìn thấy tất cả những thông tin liên quan
tới lương bổng, giờ giấc, thuế bị trừ, số tiền tổng cộng đã làm được trong năm, số ngày phép còn
lại... Nói chung trong tờ paycheck đó, các thông tin này được ghi lại khá chi tiết. Nhưng với hình thức
trả bằng thẻ những thông tin này sẽ không còn nữa.
Tất nhiên đây không phải là lý do chính người làm lương thấp ca thán. Họ than phiền bởi những khoản
xà xẻo kể từ khi sử dụng hình thức trả lương bằng thẻ. Điều khiến họ bất mãn đó là bị bắt buộc tham
gia (automatically) chứ không có quyền từ chối. Giới chủ hãng không cho họ biết những hình thức
thanh toán khác để lựa chọn. Một vài công ty, nếu có những lựa chọn này sẽ gây khó khăn cản trở
bằng cách bắt nhân công phải điền đơn, đủ thứ giấy má lôi thôi phức tạp, vô tình khiến cho không ít
người cảm thấy phiền toái. Cuối cùng họ nản chí, nghĩ: Muốn trả bằng thẻ thì trả. Mệt mỏi lắm rồi.
Anh Deyanira Del Rio, một nhân viên của tổ chức Neighborhood Economic Development Advocacy
Project có trụ sở tại New York, cho biết: đa số các nhân viên lương thấp không hề được chủ hãng nói
tới những lựa chọn trả lương bằng cách khác nên họ gần như mù tịt thông tin, bị bịt mắt hoàn toàn.
Người nhận tiền lương trả bằng thẻ đã lên tiếng vì càng ngày càng nhận ra những bực bội từ các
khoản bị xà xẻo (fee). Con giun xéo lắm cũng oằn. Lương làm thì ít mà bị cắt xén khiến họ xót.
Chuyện như vầy: việc sử dụng thẻ debit thường liên quan đến các lệ phí: thí dụ như mỗi lần rút tiền
mặt ở máy A.T.M. là $1.75, in bảng kê (statement) là $2.95, mất thẻ xin lại phải trả $6. Thậm chí,
không dùng thẻ cũng tốn tiền, $7 cho lệ phí làm cho tài khoản không còn hoạt động (inactivity fee).
Các lệ phí này ngốn mất một phần đáng kể tiền lương, nhất là của người ăn lương tối thỉểu.
Hãy nghĩ xem cảnh một người đi làm lương tối thiểu $7.5/giờ sống tại Milwaukee; chỉ vì xài lương trả
bằng thẻ (qua dịch vụ của JPMorgan Chase) mỗi tháng bị trừ mất từ $40 đến $50 cho các khoản phí,
như vậy làm sao anh ta chịu cho thấu.
Trong khi đó, các tập đoàn được giới thiệu về dịch vụ trả lương bằng thẻ đã tỏ ra hoan hỉ bởi đây là
một mối lợi. Họ sẽ tiết kiệm được khá nhiều. Theo tính toán của Visa thì một công ty có khoảng 500
nhân viên sẽ tiết kiệm được chừng 21.000 Mỹ kim/năm. Với dịch vụ trả lương bằng thẻ họ sẽ nhẹ
gánh hơn. Tại sao? Vì các công ty cung cấp dịch vụ trả bằng thẻ (gồm Bank of America, Wells Fargo
và Citigroup) hoạt động như kẻ đứng giữa, thu lợi cả hai đầu. Giới chủ hãng sẽ không phải nhức đầu.
Không giấy má. Không in ấn. Không thất lạc. Mọi cái đều qua dạng điện tử hết. Nhanh và gọn. Tất
nhiên một phần chi phí cho dịch vụ trả bằng thẻ sẽ do nhân công gánh chịu qua các khoản lệ phí khấu
trừ. Vì vậy, các tập đoàn hăng hái nhập cuộc như một hệ quả khá tất yếu.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Aite Group trong năm 2012 số tiền trả bằng thẻ cho khoảng 4.6 triệu
nhân công được các tập đoàn thực hiện lên tới 34 tỷ Mỹ kim. Aite Group ước tính năm 2017 sẽ có
khoảng 10.8 triệu thẻ loại này được sử dụng với số tiền được trả lên tới gần 69 tỷ Mỹ kim.
Lý luận của các công ty cung cấp dịch vụ trả bằng thẻ gồm: Các tập đoàn sẽ tiết kiệm tiền bạc và thời
gian. Họ thuyết phục rằng trả lương bằng thẻ sẽ đem lại cho nhân công những tiện nghi khác, nhất là
xu hướng xài thẻ hiện nay. Lương được trả cũng sẽ đúng giờ. Hoặc với những ai không có tài khoản
ngân hàng thì đây là một tiện ích vì họ không phải đi đổi paycheck thành tiền mặt tại những dịch vụ
check-cashing. Dĩ nhiên đây là những tiện ích thực tế. Nhưng giá như những tiện ích này đừng bắt
giới nhân công phải è cổ ra trả các khoản phí sẽ hay biết bao nhiêu. Đằng này những tiện nghi đó
không hề miễn phí. Nó giấu bên trong những chi phí tiềm ẩn chỉ giới lao động nghèo mới thấm thía
hết nỗi phiền toái của một nạn nhân. Tất nhiên vì mối lợi, các tập đoàn sẵn sàng làm tất cả những gì
có thể để mang lại cho mình những lợi nhuận đó.
Tại sao hiện tượng trả lương bằng thẻ xuất hiện. Có lẽ do xu hướng không xài giấy (paperless) và sự
tiện nghi từ cách trả lương bằng thẻ cho giới chủ hãng và giới ngân hàng. Cả hai bên đều thấy đây là
một sự kết hợp rất có lý. Còn nhớ hồi thẻ ngân hàng (debit card) mới ra đời, nó đã giúp các ngân
hàng loại bỏ những cuốn chi phiếu cá nhân (personal check) vốn đem lại nhiều tiết kiệm. Rồi trả lương
trực tiếp vào tài khoản (direct deposit) trở thành một tiện nghi khác nữa đối với các ngân hàng. Bây
giờ tới lượt trả lương bằng thẻ, nhanh và tiện, khỏi giấy tờ lôi thôi, lại có lợi ích tài chánh (do thu về từ
các khoản phí); thử hỏi làm sao các ngân hàng không ham cho được. Chỉ khổ cho giới lao động
nghèo, đi đâu cũng đụng phải tròng.
Xã hội luôn có những phát triển với chiều hướng đi lên, tiện nghi và đầy sáng tạo. Tuy nhiên, không
phải phát triển nào cũng hoàn thiện mỹ mãn. Không ít những phát minh ban đầu tưởng như rất hấp
dẫn cuối cùng nhanh chóng bị đào thải bởi không tạo được thế đứng và chiếm được sự chấp nhận
của xã hội. Theo định luật Bảo toàn năng lượng (law of conservation of energy), năng lượng không tự
nó biến đi mà chỉ chuyển đổi từ dạng này qua dạng khác. Ở đây cũng vậy, tiện nghi từ cách trả lươg
bằng thẻ – giá đắt của nó một phần lớn do người lao động nghèo phải trả. Làm gì có chuyện miễn phí
ở đời. Có điều chuyện đúng sai hiện nay vẫn chưa ngã ngũ, trong khi các cuộc điều tra đang được
xúc tiến xem các tập đoàn và giới ngân hàng có xử ép người nghèo một cách quá đáng hay không.
Có thể xu hướng trả lương bằng thẻ vẫn được thực hiện, nhưng đây là một chọn lựa công khai, minh
bạch – tồn tại bên cạnh những hình thức thanh toán lương bổng khác chứ không thể mang tính
cưỡng bức một cách cả vú lấp miệng em như hiện nay.
Nguyễn Thơ Sinh