Ảnh minh họa: Con của chiến binh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị suy dinh dưỡng, được điều trị ở một bệnh viện ở Hasaka, tây bắc Syria, ngày 05/04/2019. REUTERS/Ali Hashisho
Ngày 07/04 hàng năm là Ngày Sức khỏe Thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ trung bình của con người lên đến 72 tuổi và từ năm 2000, con người sống thọ thêm được 5,5 năm. Tuy nhiên, tỉ lệ chênh lệch vẫn còn cao giữa giới tính và giữa các nước trên thế giới.
Thông tín viên RFI tại Geneve Jérémie Lanche giải thích :
« Sống lâu hơn 18 năm là sự chênh lệnh trung bình về tuổi thọ của người dân giữa các nước giầu nhất và các nước nghèo nhất trên thế giới. Nhưng thông tin đáng mừng là tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng lên, kể cả ở vùng châu Phi Nam Sahara.
Ông Richard Cibulskis, một trong số các tác giả của bản báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới, giải thích : Nếu tuổi thọ tăng, đó là nhờ vào việc tỉ lệ tử vong trước 5 tuổi ở trẻ em tại các nước nghèo đã giảm. Số người chết vì bệnh sởi đã giảm mạnh, tương tự đối với bệnh tiêu chảy cấp. Số ca tử vong liên quan đến bệnh sốt rét cũng đã giảm một nửa. Như vậy, song song với tỉ lệ tử vong liên quan đến các bệnh truyền nhiễm giảm, thì tuổi thọ con người tăng lên.
Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân tích dữ liệu liên quan đến nam và nữ giới. Trung bình phụ nữ sống lâu hơn nam giới 4,5 tuổi. Điều này đã được nhận thấy ngay ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh nam có tỉ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sơ sinh nữ.
Ở tuổi trưởng thành, rất nhiều yếu tố giải thích sự chênh lệch này. Đàn ông thường bị ảnh hưởng nhiều hơn do tự vẫn, sát hại và tai nạn. Khi bị bệnh, họ thường ít đi khám hơn. Họ cũng bị mắc các bệnh về tim mạch nhiều hơn phụ nữ, trong đó phải kể đến nguyên nhân là thuốc lá và rượu ».
Theo RFI