Khu Hoà Bình Đà Lạt sắp tiêu tùng, xin cùng nhau ghi nhớ lý lịch Đà Lạt thuở bình minh. Trước khi người Việt đến Đà Lạt, chủ nhân miền đất này là ai?
Photo internet
Văn minh Người Lạt Bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang năm 1893 gặp vài làng người Lạt, theo tác giả Hãn Nguyên, ông Cu-nhac trong đoàn thám hiểm của Yersin xác nhận một con suối nhỏ chảy qua nên gọi là "Đà Lạt-Suối của người Lạt"
Những năm 1959-61 Ba tôi hay đến thăm làng Lạt, từ thác Cam Ly bỏ xe đi sâu vô rừng, mang cho họ muối, cá khô, bao tải, họ quí nhất là hộp quẹt và dầu cù là bác sĩ Tín. Hiền lành vô cùng, hoàn toàn không biết nói tiếng Việt nhưng trong mắt có lời cảm ơn, có cả giòng lịch sử chạy trốn, chịu đựng, gian khổ, u hoài. Ba tôi lưu ý chỉ khi tù trưởng ngắm nghía nếm thử cả làng 30 người mới làm theo.
Tư liệu Hanh Nguyen, San Jose
Họ cho lại vòng đeo tay một bộ bảy cái các cô Saigon thích lắm gọi là vòng semaine/tuần lễ. Vòng chột tròn khoảng 4mm, không trầy trụa chạm khắc họa tiết rất lạ. Vòng đồng màu vàng nhạt muốn bóp đeo vào tay rất khó chứng tỏ họ điều chỉnh được độ đồng/copper pha kẽm/zinc. Gùi đan rất đẹp có thể chịu được cả trăm kg không như rổ rá thúng mủng của mình. Văn minh làm Gùi bền bỉ, và kỹ thuật thuộc kim làm nữ trang người đồng bằng hoàn toàn không có. Thanh niên nào cũng có một xà gạc đồng như ảnh dưới, đi đâu cũng mang theo.
Tư liệu Hanh Nguyen, San Jose
Từ Di Linh trở lên Đà Lạt người Thượng xuất hiện dọc đường đi hàng một tay chống gậy. Ở chợ Đà Lạt họ cũng đi như thế thân trần trụi chịu được rét. Trẻ con mẹ đeo trên lưng trông rất thương. Phim thời sự ở rạp Rex hay chiếu về người Thượng, tức người miền cao.
Tư liệu Hanh Nguyen, San Jose
Người Pháp Năm 1893, khi bác sĩ Yersin cao nguyên Lang Bian, Đà Lạt còn nhiều cọp và chó sói đi cả bầy. Cọp vồ thợ săn, ăn thịt nhiều người châu Âu thám hiểm, bắt luôn cả chó ngựa. Người Pháp đi phải có lính võ trang hộ vệ. Như hoa Pensée mọc nơi nào nó thích: Đà Lạt năm 1923 có vài chục nóc nhà gỗ, sau đồ án của kiến trúc sư Hebrard được thực hiện, năm 1933 có 398 villa, và năm 1939 có 427 villa, kiến trúc tuyệt vời. Năm 1944, Đà Lạt là thủ đô của Đông Dương có tới 5.600 người Âu, con số kỷ lục. Năm 1956 người Pháp rời khỏi Đông Dương, chỉ còn lại 1.088 người.
Nhà thờ Domaine de Marie, phần nhà nguyện. Ảnh tư liệu Phạm Văn Trụ
Người ViệtTheo tác giả Phạm Văn Lưu, năm 1938 tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu bắt đầu đưa dân từ Hà Đông vào Đà Lạt. Chỉ có bảy gia đình 40 người từ làng Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tam, Tây Thu, Xuân Thảo, Văn Phúc lập Ấp Hà Đông. Năm 1942, Ấp tăng được 200 người.
Tháng 4/1942 chương trình di dân có thêm người từ Hà Tĩnh lập Ấp Nghệ Tĩnh cạnh Ấp Hà Đông.
Cuối năm 1953-đầu 1954 chiến tranh Việt -Pháp khốc liệt nên dân các tỉnh cao nguyên đổ về Đà Lạt lánh nạn rất đông.
Hội Ảnh Nghệ Thuật VN, Đà Lạt 6/1958
Cuộc di cư 1954 từ miền Bắc, Đà Lạt nhận 3.567 người, cuối năm 1955 là 15.456 .
Dụ số 21 ngày 11/3/1955 bãi bỏ chế độ Hoàng Triều Cương Thổ, mọi người được tự do lên Đà Lạt sinh sống, dân Quảng Nam Quảng Ngãi đông nhất.
Năm 1944, Đà Lạt là thủ đô của Đông Dương có tới 5.600 người Âu, con số kỷ lục. Năm 1956 người Pháp rời khỏi Đông Dương, chỉ còn lại 1.088 người.
Năm 1971, dân số Đà Lạt là 85.000 người, 0.5% so với toàn miền Nam. Năm 2004 là 188.467. Năm 2015 là 400.000. Năm 2019 không rõ dân số nhiêu và thành phần thế nào.
“Người Đà Lạt thanh lịch như người Hà Nội”? Dư luận lúc này ưa thích câu thần chú “thanh lịch như người Hà Nội". Nếu cho "thanh lịch" là tề chỉnh thì toàn thể người Đà Lạt thanh lịch như nhau, vì trời lạnh ai cũng giày vớ khăn choàng, áo trong áo ngoài áo khoác đủ màu. Mẹ tôi cứ tấm tắc “diện hơn người Hà Nội”.
Đà Lạt nhận 19.023 người từ di cư 1954, không rõ bao nhiêu người Hà Nội nhưng từ nông trại Dankia của Pháp, đồn điền Cam Ly, đến Ấp Hà Đông Ấp Nghệ Tĩnh Ấp Ánh Sáng... không có “ấp Hà Nội” vì người Hà Nội không trồng rau, đa số buôn bán hay công chức... Nhưng hết thảy sống chân thật hồn nhiên, không gò gẫm “Hà Nội thanh lịch” như mốt bây giờ.
Người Đà Lạt thân ái nhauNăm 1956-61, nhà tôi ở lọt trong cái xóm nhỏ 20 căn đường Phan Đình Phùng, tấm ảnh dưới đây tình cờ ghi lại một góc đường.
https://tamnhinrong.org/...-nhin-ve-da-lat-xua.htmlCứ sáng chủ nhật bác sĩ Tôn Thất Niệm người Huế đẹp trai hát hay, Y sĩ trưởng trường Võ Bị Đà Lạt, mang violon và kẹo chocolat, hát bài Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh với giọng mà cô Quỳnh Giao tả là có chất “trượng phu” như giọng ca sĩ Anh Ngọc, đệ nhất công tử Hà Nội. Ba tôi, người Hà Nội duy nhất trong xóm, đờn mandolin lại hát tiếng Quảng cùng với bác Thiết gái bài Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ, mùi mẫn in hệt cặp song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết. Cả xóm lượn lờ ngoài cửa sổ chết lặng với giọng Đà Nẵng, Phan Rang hát Thoi Tơ, Ông Lái Đò, Vần Thơ Sầu Rụng...
"Nhẹ tay nhè nhẹ đôi tay ...
hương thơm lối xóm bay đầy thinh không...”
... thổn thức nhớ quê rồi thân ái mời nhau mì Quảng, bánh tráng, kẹo gương, nem tré... Như hoa Pensée Đà Lạt, chỉ chút đất đã nở hoa
Photo credit Johnny
Đà Lạt thanh lịch 2019Chỉ cần chút đất, hoa Pensée sẵn sàng nở. Năm 2019, “người xa xứ” có ông bà người Vĩnh Yên, bố mẹ người Hà Nội, sanh ra ở Saigon, tiện tay cài nụ hoa Pensée Đà Lạt diễm lệ lên bánh trái California là thấy ngay một trời thanh lịch.
Tư liệu Hanh Nguyen, San Jose
Ủa! Ai dám chặt đầu Đà Lạt?Tin báo Người Đô Thị ngày 11/4/2019, theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt ngày 12.2.2019, đồ án của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thì rạp Hòa Bình sẽ bị đập bỏ để xây trung tâm thương mại 5 tầng nổi; sẽ di dời dinh tỉnh trưởng để xây trung tâm thương mại - khách sạn 10 tầng. 77 kiến trúc sư đã có kiến nghị 19.3.2019 gửi Bộ Xây dựng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu làm rõ quyết định nầy có theo đúng quy trình, thủ tục pháp lý không. Đồng thời một kiến nghị khác lấy ý kiến dư luận gửi thủ tướng Chính phủ và chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội.
Mùa xuân dù cố lơ đãng nhưng từ xa vẫn nhớ Đà Lạt. Chúc Đà Lạt đặng bình an. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người” chứ lòng tôi non dại cuồng điên nhớ nhiều người lắm.
California 12/4/2019
Trần Thị Vĩnh-Tường
_____________________
Tham khảo:Hãn Nguyên, Lịch sử Phát Triển Đà-Lạt (1893-1954)- Tập san Sử Địa 23 -24
Phạm Văn Lưu và nhóm Sử Địa Viện Đại Học Đà Lạt, "Khái Lược về Sinh Hoạt Nhân Văn và Kinh Tế của Đà Lạt", Tập San Sử Địa Đặc Khảo Đà Lạt xuân Nhâm Tý 1971.