Hình ảnh cô giáo lớp 2 trường tiểu học Quán Toan đang đánh vào đầu một học sinh. Screen captured
Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nói về cách giáo dục trẻ của ông cha ngày trước liệu có còn phù hợp hay không?
Hiện trạng Mấy hôm nay trên mạng xã hội lan truyền một video clip được quay trong một lớp tiểu học trường Quán Toan ở Hải Phòng vào giờ kiểm tra học kỳ, với hình ảnh cô giáo đánh nhiều học sinh bằng cách tát, nhéo tai, đánh bằng thước và đánh liên tiếp vào đầu bằng tay… Hình ảnh này gây phẫn nộ đối với nhiều người.
Cô Hạnh, một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn cho biết ý kiến về video cô được xem này:
“Khi tôi xem video clip đó thì cảm giác đầu tiên là tôi nghĩ nếu đó là những đứa con của mình thì mình sẽ đau biết chừng nào. Phụ huynh cũng vậy thôi. Hành động của cô giáo đó thì quá sai rồi. Tôi cho rằng thứ nhất là cô nóng lòng vì học sinh không đạt yêu cầu bài kiểm tra; thứ hai là cô giáo đánh nhiều cháu như vậy chứng tỏ bản chất cô giáo là nóng tính và không có phương pháp sư phạm mà lại chạy theo thành tích. Dạy làm sao mà để đến lúc kiểm tra các cháu làm bài không được là lỗi tại cô giáo.”
Bà Trịnh Thị Thùy có con nhỏ đang học lớp 5 ở Sài Gòn thì cho biết bà nổi giận khi xem video clip này. Những đứa trẻ bình thường đi học bị cô giáo đánh túi bụi vào đầu thì hậu quả sẽ không lường hết được về cả thể xác lẫn tinh thần.
“Không phải mình không cho đánh, nhưng chỉ cho khẻ tay nhẹ cho tụi nhỏ sợ chứ không thể đánh như kẻ thù, nhất là đánh vào đầu như trong video clip. Một lớp mấy chục đứa học trò mà không phạt thì khó mà quản lý được, nhưng nếu dạy trẻ bằng bạo lực thì đứa trẻ sẻ lỳ đòn và sau này sẽ rất khó dạy.”
Chuyện học sinh bị thầy cô phạt với những hình thức đến mức ‘bạo hành’ từng xảy ra rất nhiều lần tại Việt Nam. Tình trạng này bị báo chí cả trong lẫn ngoài nước cũng như mạng xã hội loan truyền đi.
Một trong những vụ gây bàng hoàng xã hội xảy ra vào tháng 11 năm 2018 tại trường THCS Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình: cô giáo bắt 23 bạn trong lớp tát một học sinh, mỗi bạn tát 10 cái. Sau khi nhận 230 cái tát vì tội “văng tục” thì cô giáo tát thêm cái cuối cùng khiến em phải đi bệnh viện.
Trước đó nữa, vào tháng 10 năm 2015, một cô giáo lớp 6 trường THCS Nhân Đạo, tỉnh Vĩnh Phúc bắt học sinh súc miệng bằng nước xà phòng do các em “nói tục” nhiều lần.
Còn nhiều nữa những vụ bạo hành học sinh như bắt học sinh ăn ớt do nói chuyện; bắt học sinh phơi nắng do tập sai động tác thể dục…
Những ý kiến trái chiều Một sự việc mới nhất gây nhiều phản ứng trái chiều là vụ bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng ngay giữa giờ học tại lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu, Hà Nội do vi phạm nội quy. Hình ảnh học sinh bị quỳ đăng tải trên mạng xã hội từ hôm 10 tháng 5. Cô giáo bị đình chỉ giảng dạy một tuần. Dư luận hiện có hai ý kiến trái chiều.
Truyền thông trong nước trích lời của chị Dương Thị Sắn (phụ huynh học sinh trong bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội) rằng “Hình thức phạt quỳ như thế để đứa nọ nhìn gương đứa kia, còn nếu phạt dọn vệ sinh rồi cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Tôi nghĩ, phạt quỳ thì con vẫn được nghe giảng và chép bài”.
Bà Trịnh Thị Thùy thì cho rằng bắt trẻ quỳ là hạ thấp nhân phẩm trẻ:
“Khi đứa trẻ bị bắt quỳ trước mặt các bạn thì đó là hình thức xúc phạm trẻ. Nếu nhắc nhở trẻ nhiều lần mà trẻ vẫn không nghe lời thầy cô thì mời phụ huynh lên nói chuyện rồi cùng tìm cách dạy trẻ.”
Học sinh lớp 9 bị quỳ trước lớp trường THCS Tô Hiệu, Hà Nội. Courtesy of zing.com
Cô giáo Hạnh cũng không đồng tình với các phạt này bởi phạt học sinh bằng cách quỳ trước lớp như thế đứa trẻ sẽ bị ‘quê’ trước bạn bè ảnh hưởng tới tâm lý trẻ rất nhiều. Hình thức phạt quỳ thì thật ra không quá nặng nhưng ảnh hưởng tâm lý thì rất nặng.
“Nếu trẻ phạm lỗi nhiều lần, đã kết hợp với phụ huynh mà không giáo dục được bé thì mình tìm cách khác như khuyến khích để trẻ sửa sai chứ không bắt phạt quỳ.”
Tuy không đồng ý với việc bắt trẻ quỳ nhưng cô Hạnh lại cho rằng không nên kỷ luật cô giáo bắt học sinh quỳ mà chỉ nên nhắc nhở cô giáo. Cô phân tích rằng nếu kỷ luật giáo viên thì sau này không ai dám phạt học sinh nữa và học sinh sẽ càng ngày càng hư và xã hội sẽ đi về đâu?
Bà Lê Hoài Anh, một doanh nhân rất quan tâm đến quyền lợi trẻ em Việt Nam cho biết bà ủng hộ việc trẻ phải tuân thủ quy định, nội quy của trường, của lớp nhưng nếu trẻ có vi phạm cũng không được bạo hành trẻ bằng mọi hình thức:
“Trong giáo dục thì chị phản đối kịch liệt các hình phạt mang tính bạo hành, hành hạ học sinh, nhất là khi xâm phạm cơ thể học sinh. Các hình phạt có thể có chỉ là nhắc nhở, chấm điểm… để giáo dục học sinh có kỷ luật và phát triển nhân cách.”
Theo bà thì khi cô giáo dùng các hình thức như đánh, tát hay bắt học sinh quỳ thì thứ nhất là cô giáo vi phạm luật về quyền trẻ em, thứ hai là cô giáo không có phương pháp sư phạm và bất lực với học trò.
Giải pháp Điều 27 Luật Trẻ Em được Quốc Hội ban hành năm 2016 nêu rõ “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.”
Việc áp dụng các hình phạt trong trường, trong lớp bị báo chí và mạng xã hội lên án đã vi phạm vào quyền trẻ em.
Với việc trẻ bị bạo hành trong nhà trường, bà Lê Hoài Anh cho rằng lỗi không chỉ riêng nhà trường mà còn từ xã hội và gia đình, nhưng quan trọng nhất là nền tảng là từ giáo dục, bởi nó là khởi đầu của mọi hành động, cư xử trong giao tiếp. Việc cần phải làm là phải làm sao giáo dục cho cả xã hội hiểu được rằng đánh trẻ em là điều không nên. Bà nói thêm:
“Những ngôi trường đào tạo ra giáo viên phải tuyệt đối lên án việc đánh học sinh, phải đưa việc này vào giáo trình và nếu giáo viên bạo hành học sinh thì phải bị kỷ luật một cách nghiêm minh.
Cha mẹ thì không được đánh con cái ở nhà vì khi cha mẹ nóng giận đánh con sẽ khiến đứa trẻ bị đánh, hoặc đứa trẻ chứng kiến những đứa trẻ khác bị đánh sẽ cảm thấy bình thường, vô cảm với việc bị đánh và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của trẻ sau này trong môi trường học đường và xã hội.”
Trẻ em bị bạo hành, bị đánh đập, bị xúc phạm thân thể và nhân phẩm trong môi trường học đường không là ngoại lệ.
VIDEO Theo RFA