Alet Pagilagan yêu thích bộ tóc xoăn của mình
"Đẹp... nhưng bạn có thể che mấy hình xăm đi không?". Những lời bình luận kiểu này làm một nhóm sinh viên đại học ở Philippines phát chán, và họ quyết định phải ra tay.
Trên khắp châu Á, phụ nữ đang thay đổi quan niệm về cái đẹp.
Tôi là Lara Owen, phóng viên chuyên về các chủ đề phụ nữ ở Đông Á của BBC và đây là blog hàng tuần của tôi.
Sinh viên Philippines nỗ lực thay đổi quan niệm về cái đẹp'Gandang Pilipina' hay 'Filipino beauty' (vẻ đẹp Philippines) là một chiến dịch trên mạng xã hội tôn vinh cái đẹp của những dáng vóc và cơ thể khác nhau. Chiến dịch này do một nhóm sinh viên từ Đại học Philippines ở Manila xây dựng.
Video đầu tiên, mới ra mắt tháng này, chiếu hình ảnh các buổi chụp hình với nhiều phụ nữ khác nhau, đi kèm những bình luận tiêu cực về cơ thể họ, chẳng hạn "thử dùng kem chống nắng đi", "trông bạn như cái cán chổi" hay "tóc gì mà như lông mu trên đầu".
Phần cuối video ngắn này là hình ảnh họ chấp nhận sự khác biệt của mỗi người và coi đấy là vẻ đẹp thực thụ.
Sinh viên đại học ở Phillippines chụp hình cho chiến dịch tôn vinh vẻ đẹp đa dạng
"Chuyện chú ý đến hình thức của phụ nữ và bình luận về chúng là rất phổ biến ở Philippines," Shebana Alqaseer, 26 tuổi, người tham gia chiến dịch này, nói.
"Khi tôi về quê trong các kỳ nghỉ, tôi biết chắc là hàng xóm và họ hàng sẽ bảo là tôi đã lên cân."
Với dự án này, cô hy vọng gửi đi thông điệp "ngoại hình không định nghĩa chúng ta".
Camille Cabatu nói cô luôn thấy mặc cảm vì có ngực nhỏ.
"Thời đại của mạng xã hội khiến tất cả mọi người, nhất là người trẻ, có quan niệm hẹp về "cái đẹp" thực sự là gì. Thể hiện bản thân dễ tổn thương với những điều mặc cảm không dễ chút nào...nhưng mục tiêu của chiến dịch là để phá vỡ cái tiêu chuẩn về đẹp này," cô nói.
Camille Cabatu thường bị nhận xét là "không có ngực".
Cô Alqaseer nói họ nảy ra sáng kiến về dự án này vì tình trạng 'kỳ thị nữ giới' và 'phân biệt đối xử theo giới tính' ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở Phillippines, nhất là dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte hiện hành.
"Ông ta pha trò về cưỡng hiếp và ngoại hình của phụ nữ lớn tuổi làm chính trị," cô nói.
"Chúng tôi muốn chấm dứt văn hóa này... và góp phần thay đổi kiểu suy nghĩ như vậy."
Cô Alqaseer nói chiến dịch đã nhận được phản hồi tích cực và các phụ nữ khác giờ đây đăng câu chuyện và video của họ trên các trang mạng xã hội, trong đó có cả giáo sư của các cô:
"Tôi là Sylvia Estrada Claudio, một người mọt sách thấp và béo và đây là Filipina Beauty. Bạn có đẹp không?".
Giáo sư Sylvia Estrada Claudio (giữa) cùng các sinh viên của bà.
Nhưng họ cũng nhận được không ít bình luận tiêu cực.
"Tại sao lại đưa một 'Morena' vào video này?," (Morena là từ dùng chỉ người có nước da sẫm) một người bình luận.
"Tại sao lại có đàn ông đồng tính?," một người khác nhận xét về một phụ nữ chuyển giới xuất hiện trong video.
Phụ nữ Indonesia truyền sức mạnh cho những người bị ung thư vúCô Desi Pujiarsi quyết định làm ngực giả từ silicone dùng trong y tế cho các phụ nữ đã cắt vú sau khi em họ cô bị chuẩn đoán mắc ung thư vú,
Người em họ của cô, Murni Restu Ginanjar, mới 25 tuổi và phải cắt bỏ một bên vú.
Desi Pujiarsi làm ngực giả bằng silicon cho những người phải cắt vú vì bị ung thư vú
"Tôi cảm thấy mình đã mất đi một thứ rất quan trọng đối với một phụ nữ," Murni Restu Ginanjar nói với BBC Tiếng Indonesia.
Sau phẫu thuật, cô Ginanjar không muốn đi chơi gặp gỡ bạn bè. Nếu ra khỏi nhà, cô nhét một miếng mút vào áo lót.
"Đây là cảm giác tôi không biết tả như thế nào...Tôi nhìn xuống và thấy mình không còn một bên vú nữa."
Cô Ginanjar bị chuẩn đoán ung thư vú khi mới 25 tuổi.
Các bệnh viện ở Indonesia thường có dịch vụ tái tạo ngực sau phẫu thuật, nhưng dịch vụ này đắt đỏ và không được trả toàn bộ theo chế độ bảo hiểm y tế quốc gia.
Không có tiền trả cho dịch vụ này, cô Ginanjar chọn cách nhét miếng mút vào áo lót.
Ngực giả làm bằng silicon
Chứng kiến em họ mình buồn bã, Pujiarsi bắt đầu tìm kiếm một giải pháp rẻ tiền hơn.
Cô liên hệ với một giáo sư ở Nhật Bản, người làm ngực giả bằng silicon và nhờ bà dạy cô cách làm. Giờ đâu cô nhập nguyên liệu tự nhiên từ Mỹ và tự làm ngực giả.
Ngực giả mà cô Pujiarsi làm có thể được dán trực tiếp lên ngực để cố định và có giá vào khoảng 120 USD một chiếc.
Cô Ginanjar nói em họ mình là khách hàng đầu tiên và ngực giả đã làm thay đổi cuộc sống của cô.
"Ngực giả mềm mại và nó thích ứng với da của tôi. Nó rất thoải mái mà không trượt lên trượt xuống, và giờ đây tôi có thể tự tin đi ra ngoài," cô Ginanjar nói.
Nhiếp ảnh gia Malaysia tôn vinh vẻ đẹp của người bạch tạng NAG Nadirah Zakariya chụp chân dung về bệnh bạch tạng.
Nadirah Zakariya là một nhiếp ảnh gia ở Kuala Lumpur. Cô bị bạch tạng khi 17 tuổi.
1% dân số thế giới mắc căn bệnh này, khiến sắc tố da của họ bị thay đổi. Những mảng da trắng xuất hiện vì bệnh nhân thiếu melanin.
Nay 34 tuổi, nghề nhiếp ảnh đã giúp cô chấp nhận vẻ ngoài của mình và thấy bạch tạng là đẹp.
Nhưng hành trình của cô không dễ dàng.
Bản quyền hình ảnh NADIRA ZAKARIYA
"Chấm trắng đầu tiên trên tai tôi xuất hiện sau một kỳ nghỉ, nên lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là do tôi ra nắng," cô kể.
Cô được cha mẹ đưa tới khám bác sỹ Đông y, người kê đơn cho cô uống thuốc bắc một danh sách những thứ cô không được ăn.
"Khi ông ấy nói tôi không được ăn đồ cay hay đồ chua, tôi rất chán," cô nói.
"Nhưng tôi không nghĩ nó lại là vấn đề lớn về sức khỏe, vì nó hoàn toàn không đau đớn gì."
Tới khi cô ngoài 20, sống và học nhiếp ảnh ở New York thì các mảng da bạch tạng xuất hiện nhiều hơn trên khuỷu tay và mặt.
Cô ngày một thấy tự ti và cố gắng giấu nước da bằng cách mặc áo dài tay và dùng đồ trang điểm.
Bản quyền hình ảnh NADIRA ZAKARIYA
Nhưng khi cô nhiều tuổi hơn, Zakariya bắt đầu chụp ảnh chân dung và chia sẻ với những người theo dõi cô trên mạng xã hội.
"Cuối cùng tôi cảm thấy điều quan trọng là thể hiện tính dễ tổn thương của mình trước ống kính, chứ không phải lúc nào cũng đứng đằng sau nó," cô nói.
Năm 2018, câu chuyện và những bức ảnh của cô được đăng trên Vogue Italia và các tạp chí quốc tế khác. Cô cũng đã có nhiều cuộc triển lãm.
Hiện nay đang sống ở Malaysia, Zakariya thường xuyên đi nói chuyện và tổ chức các lớp học. Cô nói mọi người bắt đầu có cái nhìn khác về bệnh bạch tạng.
Cô không còn che cánh tay của mình và cảm thấy thoải mái khi ra ngoài mà không cần dùng make-up.
"Tôi thường nghe mọi người nói tôi bị bạch tạng là do gia đình bị nguyền rủa hay vì tôi ăn gì đó," cô kể.
Nhưng giờ đây cô nhận được nhiều tin nhắn động viên từ người dân Malaysia, những người thấy bị bệnh tạng cũng có cái đẹp.
Theo BBC