Người Mỹ ngày càng ngồi nhiều và hiện nay ngồi nhiều hơn bao giờ hết. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu khá quy mô được đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association cho biết thói quen ngồi nhiều này bắt đầu từ những người tuổi còn rất trẻ và máy vi tính là một trong những thủ phạm góp phần đưa đến lối sống thích ngồi trong khoảng hai thập niên qua.
Cũng theo cuộc nghiên cứu trên, tính chung các nhóm tuổi, thời gian ngồi trung binh đã tăng thêm khoảng một tiếng (từ 7 lên 8.2 tiếng) mỗi ngày kể từ năm 2007 đến 2016.
Trong gần hai thập niên qua, số giờ coi truyền hình và video tương đối đứng yên một chỗ, không tăng cũng không giảm, mặc dù là con số khá cao. Năm 2016, có 62% trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 coi truyền hình hơn hai tiếng mỗi ngày, và con số này đạt tới 84% ở những người trong độ tuổi 65 hoặc hơn.
Để tìm hiểu thói quen thích ngồi của người Mỹ, các nhà nghiên cứu đã xem xét và phân tích thói quen ngồi và nhìn màn hình của hơn 51,000 người Mỹ trong cuộc khảo cứu có tên là Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khoẻ Toàn quốc, đây là cuộc nghiên cứu được thực hiện mỗi hai năm một lần bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật (CDC). Các nhà nghiên cứu tập trung vào dữ liệu khảo sát trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2016 với những người ở độ tuổi từ 5 hoặc lớn hơn (cha mẹ giúp điền đơn, trả lời cho các em nhỏ). Các câu hỏi bao gồm thời gian một ngày ngồi coi tuyền hình hoặc video, sử dụng vi tính, và ngồi không là bao lâu.
Thời gian người Mỹ ngồi trước máy vi tính không liên quan tới công việc tăng cao nhất và ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ các em nhỏ ngồi trước máy vi tính hơn một tiếng mỗi ngày tăng từ 43% lên 56%. Tỷ lệ của các thanh thiếu niên tăng từ 53% lên 57%, và ở người lớn là tăng cao nhất, từ 29% lên 50%.
Các nhà khoa học ghi nhận có chút thiếu sót trong cuộc khảo sát của họ vì đã không hỏi cụ thể về việc sử dụng điện thoại di động. Chắc thể nào trong khoảng thời gian ngồi trong ngày đó, hoặc nằm trên giường, cũng có lúc người ta đã đụng tới chiếc điện thoại di động chứ làm sao tránh khỏi. Và như vậy điện thoại di động cũng đóng góp một phần vào lối sống thiếu hoạt động như máy truyền hình và vi tính.
Những người tham gia cuộc khảo sát hoàn toàn tự nguyện trong việc trả lời các câu hỏi và không có giám sát, và điều này làm cho một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng 8 tiếng ngồi trong ngày thật sự là một đánh giá thấp. Thường thì hầu hết người ta không để ý đến con số chính xác thời gian ngồi trong ngày là bao nhiêu.
Thời gian dành cho truyền hình và máy vi tính cũng có chút khác nhau theo từng mỗi nhóm. Đàn ông thường có khuynh hướng ngồi nhiều hơn phụ nữ, người Mỹ da đen ngồi nhiều hơn những nhóm sắc tộc khác, và những người béo phì ngồi nhiều hơn là những nhóm có trọng lượng khác.
Để chống lại những nguy cơ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do lối sống ít vận động, các nhà khoa học thể dục khuyên người ta thay vì ngồi quá lâu thì nên đứng lên làm một vài động tác hay bước ra khỏi chỗ đang ngồi và đi lại cho thoải mái. Lên xuống cầu thang, đi bộ, hoặc thậm chí phối hợp kỹ thuật và việc tập thể dục chung với nhau bằng cách vừa xem hay nghe chương trình nào đó trong khi đang tập thể dục trên máy có thể mang lại những lợi ích sức khoẻ thật sự.
Điều quan trọng là bất cứ việc tập thể dục cho dù là theo cách thức nào cũng tốt hơn là không tập, và tập thể dục hằng ngày vẫn là cách tốt nhất. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy thói quen ít hoạt động này, trong đó có ngồi trong một thời gian dài ở nhà cũng như tại sở làm, làm tăng nguy cơ đưa tới hàng chục căn bệnh mãn tính về sau này, từ ung thư và tiểu đường đến bệnh về tim mạch và gan nhiễm mỡ. Một số chuyên gia công thái học (ergonomics) cảnh báo rằng đứng nhiều quá cũng có thể có những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, trong đó có nguy cơ gặp phải những vấn đề như đau chân, đau lưng, suy tĩnh mạch, và bệnh về động mạch cảnh (carotid artery).
Điểm chính yếu mà các nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh ở đây là nên chia các hoạt động trong ngày ra thành nhiều phần. Ngồi cả ngày hay đứng cả ngày đều không tốt cho sức khoẻ.
Dựa vào kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đã được thực hiện, các nhà nghiên cứu đề nghị cứ mỗi nửa tiếng làm việc trong văn phòng, người ta chỉ nên ngồi khoảng 20 phút, đứng 8 phút và sau đó đi lại và duỗi chân tay cho thoải mái trong 2 phút. Thông thường khi đứng lâu hơn 10 phút người ta có thói quen dựa vào một chỗ nào đó và điều này có thể đưa đến đau lưng và những vấn đề cơ xương khác.
Hồi đầu năm nay, một tạp chi chuyên về y khoa ở Anh Quốc là British Journal of Sports Medicine đã cho đăng một bản hướng dẫn về ngồi từ một hội đồng gồm các chuyên gia quốc tế. Hội đồng này đề nghị một kết hợp từ 2 đến 4 tiếng bao gồm đứng và các hoạt động nhẹ trong một ngày làm việc. Một nghiên cứu khác từ cơ quan không gian NASA cho thấy đứng thẳng mỗi lần hai phút tổng cộng 16 lần một ngày trong khi làm việc là một cách tập thể dục hiệu quả để giữ cho xương và bắp thịt được rắn chắc.
Một bằng chứng khoa học cho thấy những ai làm những công việc đòi hỏi phải đứng hoặc đi bộ hơn hai tiếng mỗi ngày có nhiều khả năng làm giảm nguy cơ bị những chứng bệnh mãn tính.
Để có được những lợi ích cho sức khoẻ thì không hẳn là bắt người ta phải chạy bộ năm, mười cây số mà rất có thể chỉ là những hoạt động nhẹ đều đặn mỗi ngày cũng đã đủ rồi.
Nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau cho thấy thậm chí tập thể dục đều đặn cũng không thể bù lại cho những tác động tiêu cực từ hậu quả ngồi quá nhiều trong ngày. Ngồi nhiều gây ra những thay đổi sinh lý cho cơ thể, và có thể kích hoạt một số yếu tố di truyền có liên quan đến các căn bệnh viêm và mãn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch.
Ngược lại, đứng kích thích hoạt động của cơ bắp, và đốt từ một nửa đến một calorie nhiều hơn là ngồi trong mỗi phút. Tính ra trong bốn tiếng đồng hồ, đứng có thể đốt thêm khoảng 240 calories.
Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm cách khuyến khích người ta bớt ngồi đi. Tạp chí Health Psychology Review trên mạng có đăng một bài viết liệt kê ra 38 cách có thể kéo người ta rời khỏi chiếc ghế đang ngồi. Trong số những cách có thể có hiệu quả: nhắc cho mọi người biết về lợi ích của việc ngồi ít; sắp xếp lại môi trường làm việc, như dùng loại ghế chân cao và loại bàn có thể điều chỉnh cao thấp; đặt ra mục tiêu cho số lượng thời gian ngồi; ghi lại thời gian ngồi là bao lâu; và ra hiệu hay báo cho những người ngồi gần bên biết khi nào họ cần đứng dậy.
Bác sĩ Michael Jensen thuộc Mayo Clinic tại Rochester, Minnesota, chuyên về béo phì và tiểu đường, dùng rất nhiều cách để giảm thời gian ngồi trong ngày cho bệnh nhân của ông. Mỗi khi gặp bệnh nhân, với chỉ một hay hai người, bác sĩ Jensen thường tìm một nơi nào đó mà họ có thể đi bộ với nhau được thay vì ngồi trong văn phòng. Và ông nói với những bệnh nhân nào có con cái thì hãy lợi dụng ngay những lúc đưa con của họ đi chơi thể thao như là thời gian lý tưởng để họ có cơ hội vận động đôi chân, thay vì ngồi và xem con chơi.
Riêng cô Tiffany Mura, làm việc cho một công ty kỹ thuật sinh học tại Boston, thì thổ lộ cho biết kể từ năm 2012 cô đã sử dụng loại bàn cao để chỉ đứng làm việc và điều này cũng giúp cô tập trung nhiều hơn vào trong công việc. Cô cũng nói rằng trong hầu hết các cuộc họp nhân viên, cô tìm lý do để đứng họp chứ không ngồi, mặc dù lúc đầu cô cũng hơi tỏ ra lúng túng vì tất cả mọi người thì ngồi nhưng cô lại đứng, nhưng rồi tất cả mọi chuyện dần quen đi.
Còn anh Marc Ebuna thì lợi dụng những chuyến xe lửa từ nhà để đi tới sở làm là một đoạn đường khá xa để được đứng 25 phút. Anh kể rằng anh rất vui với thói quen này vì không phải mất công giành ghế ngồi với ai cả.
Nói cho cùng, ngồi có thể xem như một căn bệnh thời đại khi mà kỹ thuật ngày càng tân tiến giúp mang lại rất nhiều tiện lợi cho cuộc sống của chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng làm cho con người chúng ta lười vận động đi. Muốn mua món hàng gì thì chỉ cần lên internet đặt mua rồi người ta sẽ mang tới giao tận nhà. Muốn giao dịch với ngân hàng thì chỉ cần kết nối vào internet là xong. Cần gặp mặt ai nói chuyện, chiếc điện thoại di động sẽ làm chiếc cầu nối, hai người hai đầu dây không chỉ nghe tiếng nhau mà còn thấy mặt nhau nữa, không cần phải tới một điểm hẹn nào như trước đây nữa.
Trong một cuốn phim Hollywood phát hành năm 2008 có tựa đề WALL-E, tất cả các nhân vật trong phim đều mập tròn đến nỗi đi không được mà chỉ ngồi trên ghế là vì khi họ cần điều gì thì chỉ cần bấm nút là có người máy robot cung phụng hầu hạ mọi chuyện. Cuộc sống mà suốt ngày chỉ ngồi với nằm thì chán chết chắc đâu ai muốn. Nhưng đó lại chính là tương lai mà con người đang bước tới nếu như ta không chịu thay đổi thói quen ngồi ngày càng trở nên trầm trọng như các nhà nghiên cứu đã nêu ra.
Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không đứng lên và vận động đi.
Huy Lâm