(cc) Flickr/Fernando StankunsTừ vài năm nay, thị trường cà phê bắt đầu chuyển hướng về Châu Á, các nhà kinh doanh cà phê đều khẳng định rằng, sức tiêu dùng ở Châu Á sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, tương lai đối với ngành cà phê Việt Nam là tương đối tươi sáng. Báo Les Echos hôm nay dành một trang lớn để bàn về cà phê Việt Nam với hàng tựa : «Việt Nam làm thay đổi bản đồ thị trường cà phê thế giới ».
Tờ báo nhắc lại, Việt Nam mới bắt đầu tập trung phát triển ngành cà phê từ chục năm nay, tức chậm chân rất nhiều so với các nước Châu Phi và Châu Mỹ. Thế nhưng, tờ báo đăng hình cây cà phê Robusta đang trĩu hạt và cho biết, Việt Nam hiện đứng số một thế giới về sản xuất cà phê Robusta. Hiện Việt Nam có khoảng 500 000 người trồng cà phê, trên khoảng 600 000 hécta, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Còn nếu tính luôn cà phê Arabica, thì Việt Nam xếp thứ hai thế giới, sau Brazil.
Tương lai đối với ngành cà phê Việt Nam tương đối xán lạn nhờ vào cà phê Robusta. Bấy lâu nay, cà phê Arabica chiếm số một thị phần thế giới với mức 55%, trong khi cà phê Robusta chỉ chiếm 45%. Thế nhưng, tờ báo cho biết, Arabica đang dần lùi bước trước Robusta.
Do giá Arabica tăng cao, nên các nhà chế biến cà phê đổ xô về Robusta để giảm giá thành. Thêm vào đó, cà phê Robusta tỏ ra có lợi hơn cho người trồng vì kháng được sâu bệnh và ít tốn kém phân bón. Hồi đầu năm 2012, nhập khẩu cà phê Robusta của các nước Bắc Mỹ đã tăng đến 80% trong khi lượng mua Arabica lại giảm đi 1/3.
Đến cuối tháng 5/2013, tăng trưởng của cà phê Robusta là 14% trong khi con số này đối với cà phê Arabica chỉ có 4,6%. Các chuyên gia nhận định, Robusta sẽ tiếp tục tăng trên thị phần cà phê thế giới, do nhu cầu về cà phê hòa tan sẽ còn tăng, nhất là ở Nga và Việt Nam, mà cà phê hòa tan thì được chế biến chủ yếu từ Robusta. Từ 10 năm nay, tăng trưởng của cà phê hòa tan trên thế giới đã tăng 7,5%.
Thêm vào đó, theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) , tiêu thụ cà phê Robusta đang tăng ở các nước « yêu cà phê ». Năm 2011, lượng tiêu thụ cà phê Robusta ở Việt Nam tăng đến 22%, ở Philippines tăng 9%, ở Hàn Quốc tăng 8%.
Bên cạnh cà phê Robusta, Les Echos còn chú ý đến « cà phê cứt chồn » của Việt Nam. Tờ báo giải thích về cách chế biến đặc biệt của loại cà phê này, và cho biết đây là loại cà phê đắt nhất thế giới với giá từ 300 đến 400, có khi lên đến 1000 đô/kg.
Bên cạnh tiến triển, tờ báo cũng nêu ra những điểm hạn chế đối với ngành cà phê Việt Nam. Theo tờ báo, những việc cần làm hiện tại đối với người trồng cà phê Việt Nam là : cải tiến kỹ thuật canh tác, giảm giá thành sản xuất, nhất là giảm chi phí phân bón và thuốc trừ sâu, những chi phí này chiếm đến 40% tổng chi tiêu ; cải thiện hệ thống tưới tiêu ; cải tạo các vườn cà phê đã già cỗi.
Source: RFI